Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Thẳm sâu những mái sa mu...

Nguyễn Thanh - 22:09, 10/01/2024

Miền biên viễn xứ Nghệ, không chỉ có nắng gió biên thùy; không chỉ có những nương đào, mận đẹp nao lòng; những thảm mây bồng bềnh hư hảo cùng cổng trời Mường Lống và đỉnh Puxailaileng cuốn hút… Miền rét sương ấy, còn có cả những mái nhà sa mu thâm nâu, thăm thẳm với thời gian.

Bản Huồi Giảng 1, xã Tây Sơn với những nếp nhà lợp bằng gỗ sa mu cổ kính của người Mông
Bản Huồi Giảng 1, xã Tây Sơn với những nếp nhà lợp bằng gỗ sa mu cổ kính của người Mông

Không chỉ là mái nhà che mưa che nắng

Lên xã Tây Sơn (Kỳ Sơn) mùa này, lòng khó mà tránh khỏi những bâng khuâng, xao xuyến. Chẳng phải là sắc hồng của đào, sắc trắng tinh khôi của mận cùng những thảm mây bồng bềnh. Chẳng phải là ánh nắng vàng vọt, ấm áp nhưng trắng trong của miền biên viễn lộng gió... Lẫn trong khói lam chiều là khung cảnh bình yên, đầy hấp dẫn, cuốn hút của những mái nhà sa mu truyền thống của người Mông.

Bản Huồi Giảng 1, là một trong số những bản làng ở xã Tây Sơn còn níu giữ được nhiều mái nhà sa mu cổ kính. Trong bức tranh có vườn hồng chín rực, có vồng cải vàng tươi, có những cánh đào bung sớm là màu nâu đất, thâm trầm của mái nhà sa mu. Chả thế mà Phó Chủ tịch UBND xã Tây Sơn (Kỳ Sơn) Vừ Bá Rê bảo rằng: Sa mu là loại gỗ quý hiếm, trong thân gỗ có dầu có khả năng chịu nước, chống mối mọt, vì thế từ xa xưa người Mông ở Tây Sơn đã dùng ván sa mu để lợp mái nhà. Nhiều mái nhà đã có hàng trăm năm tuổi, trở thành nét đặc trưng của bản làng.

Những ngôi nhà sàn cổ lợp bằng gỗ sa mu của người Thái ở bản Long Thắng, xã hạnh Dịch huyện Quế Phong
Những ngôi nhà sàn cổ lợp bằng gỗ sa mu của người Thái ở bản Long Thắng. xã hạnh Dịch, huyện Quế Phong

Người Mông xứ Nghệ trước đây có phong tục dựng nhà, lợp mái bằng gỗ sa mu. Có lẽ vì thế mà nhiều người đã không ngoa ngôn rằng: ở đâu có người Mông, ở đó có những mái nhà lợp bằng gỗ sa mu. Cũng bởi, đây là loại gỗ dầu, thơm, càng phơi mưa nắng thì càng bền và càng thêm cổ kính. Đặc biệt, nhà lợp bằng gỗ sa mu kín gió, ấm áp vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè và không bị ẩm mốc.

Ở bản Long Thắng xã Hạnh Dịch (Quế Phong), chúng tôi cũng đã bắt gặp những mái nhà sàn cổ kính lợp bằng gỗ sa mu của người Thái bên dòng Nậm Việc. Mái nhà lợp gỗ sa mu dầu xưa nay chỉ có ở đồng bào người Mông, với kiến trúc nhà trệt và rất hiếm có những căn nhà sàn của người Thái lợp loại gỗ quý này. 

Ông Hà Văn Hùng (70 tuổi), một người dân ở bản Long Thắng kể: Vài chục năm về trước, đường đi vào Mường Đán còn rất khó khăn, nên không thể vận chuyển vật liệu từ bên ngoài vào để làm nhà. Xung quanh bản là rừng. Người dân chặt gỗ về dựng nhà và sau khi phát hiện gỗ sa mu có nhiều tinh dầu, rất bền nên họ đã dùng để lợp nhà thay cho lá cọ.

Bản Huồi Mới - một bản người Mông ở xã Tri Lễ là những mái nhà lợp gỗ sa mu
Bản Huồi Mới - một bản người Mông ở xã Tri Lễ có nhiều mái nhà lợp gỗ sa mu

Nói rồi chỉ tay lên chính nhà mình, ông Hùng tiếp: Khi rừng chưa bị cấm, người trong bản chia nhau thành nhiều nhóm lên rừng chặt rồi chẻ thành các tấm, gùi về bản phơi khô lợp nhà. Cứ lợp nhà này xong, thì tiếp tục lên rừng tìm gỗ về lợp cho nhà khác. Như nhà của tôi, lợp bằng gỗ sa mu từ hơn 30 năm trước, các cột bị hư gần hết nhưng mái gỗ sa mu thì gần như còn nguyên. Ở Long Thắng, có đến hàng mấy chục hộ còn lưu giữ được mái nhà lợp bằng gỗ sa mu đấy.

Những mái nhà lợp bằng gỗ sa mu thâm nâu ấy, chúng tôi đã bắt gặp trên những nẻo đường tác nghiệp nơi các bản làng biên cương xứ Nghệ. Từ Tây Sơn qua Na Ngoi, Huồi Tụ, Mường Lống… thuộc huyện Kỳ Sơn; đến Tri Lễ, Hạnh Dịch thuộc huyện Quế Phong; rồi từ Nhôn Mai, Mai Sơn đến Lưu Kiền, Tam Hợp thuộc huyện Tương Dương… là những mái nhà gỗ sa mu nhuốm màu nắng gió miền biên ải. 

Ông Hà Văn Hùng chỉ vào mái lợp gỗ sa mu ngay chính trong ngôi nhà sàn của mình ở bản Long Thắng
Ông Hà Văn Hùng chỉ vào mái lợp gỗ sa mu ngay chính trong ngôi nhà sàn của mình ở bản Long Thắng

Những mái nhà ấy, được lợp nên khi cha ông chọn đất lập bản, dựng mường; chất chứa trong ấy bao mặn chát của mồ hôi và nước mắt; bao tủi nhục, đắng cay vì cuộc mưu sinh nhọc nhằn. Đó cũng không còn là những mái gỗ che mưa, che nắng cho những cuộc đời tảo tần; đó hơn hết còn là bản sắc, là cội nguồn, là truyền thống của cả một cộng đồng.

Trăn trở bảo tồn

Cùng với thời gian, những mái nhà lợp gỗ sa mu càng thưa vắng hơn. Ấy là khi rừng đã được siết chặt, ấy là khi bản làng đã hiểu rõ hơn giá trị của rừng để ra tay bảo vệ bằng hương ước, bằng ý thức không chặt phá sa mu nhu trước.

Không thể để nét văn hóa, bản sắc của dân tộc dễ dàng biến mất cùng thời gian, đã có rất nhiều cách phục dựng, bảo tồn, níu giữ những mái nhà lợp gỗ sa mu truyền thống. Chủ tịch UBND xã Tri Lễ (Quế Phong) Vi Văn Cường cho biết: Xã chúng tôi có những bản làng người Mông như Huồi Mới, Huồi Máy, Nậm Tột… với những mái nhà lợp gỗ sa mu cổ kính. Thời gian qua, địa phương rất quan tâm khuyến khích người dân gìn giữ những nếp nhà cổ, vừa phục vụ cho hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, cũng vừa là gìn giữ nét bản sắc văn hóa riêng của mỗi dân tộc.

Ông Vừ Vả Chống ở bản Huồi Đun, Huồi Tụ (Kỳ Sơn) bên rừng cây sa mu, pơ mu của gia đình
Ông Vừ Vả Chống ở bản Huồi Đun, Huồi Tụ (Kỳ Sơn) bên rừng cây sa mu, pơ mu của gia đình

Nằm trong điểm đến của tuar du lịch trải nghiệm thác 7 tầng, thác Xao Va… những ngôi nhà sàn cổ lợp mái gỗ sa mu ở bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch (Quế Phong) cũng đang được người dân và chính quyền địa phương bảo vệ nghiêm ngặt. Để bảo vệ loài gỗ quý này, cũng như gìn giữ nét văn hóa lâu đời, người dân bản Long Thắng đã tái sử dụng mái gỗ sa mu sau khi dựng lại nhà để làm trần áp mái, còn phần mái thì dùng tôn để thay thế.

Hiện, những ngôi nhà cổ lợp gỗ sa mu của người Mông ở xã Tây Sơn đang ngày được coi là vốn quý của đồng bào. Ấy nhưng điều mà cấp ủy, chính quyền địa phương và cán bộ bản trăn trở, là qua sự bào mòn của năm tháng, nắng mưa, một số mái nhà sa mu đã bị nứt, thủng nhưng không có vật liệu để thay thế cho đồng bộ với trước nay, vì tuân thủ nghiêm quy định cấm khai thác gỗ. Thế nên một số hộ đã phải thay bằng mái tôn lợp xanh, đỏ. “Nếu bảo vệ tốt thì những mái nhà cổ lợp gỗ sa mu sẽ là một trong những điểm tham qua du lịch cộng đồng rất hút khách”, một cán bộ xã Tây Sơn (Kỳ Sơn) cho hay.

Cùng với tiếng khèn... những mái nhà gỗ sa mu là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Mông
Cùng với tiếng khèn... những mái nhà gỗ sa mu là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Mông

Bảo vệ những mái nhà cổ sa mu, người dân vùng biên xứ Nghệ đang xắn tay gây dựng và trồng nên những cánh rừng sa mu xanh tốt. Với ông Vừ Vả Chống ở bản Huồi Đun, Huồi Tụ (Kỳ Sơn) thì, góp một cây là có rừng, trồng một cây là có rừng, nhưng riêng ông thì trồng cây không chỉ để gây rừng… mà còn để làm du lịch. Rừng cây sa mu, pơ mu của ông Chống đã hơn 10ha sừng sững giữa đại ngàn, trở thành điểm đến lý tưởng cho nhiều người ưa trải nghiệm.

Sa mu không chỉ có giá trị về mặt khoa học, về nguồn gien, kinh tế mà nó còn tạo ra các ảnh hưởng về văn hóa, tâm linh của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng biên giới Việt - Lào này. Năm 1995, trong một chuyến điều tra rừng, các nhà lâm nghiệp tình cờ phát hiện cây sa mu dầu có mặt ở Pù Hoạt (Quế Phong). Năm 2016, 56 cây sa mu dầu cổ thụ ở Pù Hoạt đã được công nhận là Cây di sản.

 “Hồi trước có ai biết cây sa mu quý hiếm đâu, cứ thấy nó thơm, bền nên chúng tôi khai thác. Bây giờ biết nó quý hiếm thì bảo vệ chứ không ai dám đụng đến cây nữa", ông Hà Văn Hùng ở bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch (Quế Phong) nói.

Tin cùng chuyên mục
Bên lề cuộc điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội vùng DTTS Nghệ An

Bên lề cuộc điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội vùng DTTS Nghệ An

Để có những thông tin chính xác, đầy đủ về thực trạng kinh tế - xã hội vùng DTTS tại Nghệ An, các Điều tra viên đã không quản ngại khó khăn, vất vả “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Có những địa bàn vùng sâu, vùng xa, Điều tra viên phải mất cả hàng giờ đi bộ, thậm chí ngồi thuyền máy vượt lòng hồ… mới khai thác đầy đủ thông tin của từng hộ.