Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Miền di sản triệu năm

PV - 15:16, 14/05/2018

Ngày 12/4/2018, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng đã được tổ chức UNESCO chính thức công nhận là công viên địa chất toàn cầu.

Với sự kiện này, cùng với hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khác, Cao Bằng có thêm điều kiện để thu hút đầu tư, tạo “cú hích” để phát triển kinh tế-xã hội.

Bài 1: Hùng vỹ Non nước Cao Bằng

Khác với Công viên địa chất (CVĐC) cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), các hiện tượng phong hóa đặc trưng miền núi đá vôi ở CVĐC Non nước Cao Bằng đã bước vào giai đoạn “trưởng thành”. Điều này đã tạo cho vùng Non nước Cao Bằng nhiều diện tích đất đai màu mỡ, nhiều hang động, thác ghềnh độc đáo, là tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch.

Nơi lưu giữ lịch sử địa chất toàn cầu

CVĐC toàn cầu-Non nước Cao Bằng trải rộng trên diện tích khoảng 3.000km2, thuộc phạm vi 9 huyện của tỉnh Cao Bằng gồm: Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa, Thạch An. Đây là vùng núi non trùng điệp, với nhiều cảnh quan thiên nhiên vô cùng quyến rũ. Đó là thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao (huyện Trùng Khánh); hồ Thang Hen (huyện Trà Lĩnh);…

Thác Bản Giốc là một thắng cảnh nổi tiếng của Cao Bằng. Thác Bản Giốc là một thắng cảnh nổi tiếng của Cao Bằng.

Đặc biệt, CVĐC-Non nước Cao Bằng được xem là nơi lưu trữ lịch sử địa chất toàn cầu. Qua khảo cứu, các chuyên gia đã xác định được trên 130 điểm di sản địa chất (DSĐC) ở Công viên này.

Theo Tiến sĩ Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất-Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường: Kết quả điều tra, nghiên cứu bước đầu đã chỉ ra nhiều điểm DSĐC ở CVĐC Non nước Cao Bằng, như: Đứt gãy sâu Cao Bằng-Tiên Yên: Ranh giới kiến tạo giữa hai đới cấu trúc Hạ Lang ở phía Đông Bắc và Sông Hiến ở Tây Nam; Hồ Thang Hen, huyện Trà Lĩnh, hang luồn, địa hình karst sót dạng tháp, chóp xen kẽ chuỗi thung lũng karst; Bazan cầu gối đèo Mã Phục; Hang Pác Bó, khối karst trẻ dạng chóp, hình thang, thung lũng chữ V, vách đứt gãy... CVĐC-Non nước Cao Bằng là miền đất hiếm có, nơi khách du lịch không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới có thể tìm hiểu lịch sử trên 500 triệu năm của Trái Đất qua các dấu tích còn lại ở đây.

Đáng chú ý, như chia sẻ của ông Sầm Việt An, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, các hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản… đặc biệt là các cảnh quan đá vôi ở CVĐC-Non nước Cao Bằng là những minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi của trái đất. CVĐC-Non nước Cao Bằng cũng nổi tiếng với sự phong phú các giá trị đa dạng sinh học cùng nhiều hệ sinh thái, giống loài động thực vật đặc hữu.

Tiềm năng cho ngành công nghiệp không khói

Những đặc điểm nêu trên là một tài sản vô giá để Cao Bằng triển khai các ý tưởng phát triển du lịch. Bởi bên cạnh tiềm năng do thiên nhiên ban tặng thì Cao Bằng còn sở hữu kho tàng các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú. Trong đó đáng chú ý là các di tích lịch sử cách mạng cùng với nền văn hóa đa dạng của 8 dân tộc anh em.

Non nước Cao Bằng. Non nước Cao Bằng.

Để khai thác tiềm năng du lịch của tỉnh, nhất là CVĐC toàn cầu-Non nước Cao Bằng, thời gian qua, tỉnh đã ưu tiên bố trí vốn để đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu. Hiện phần lớn các khu, điểm du lịch đã được quy hoạch và công bố theo quy định; hoàn thành các tuyến đường Tỉnh lộ 206 đoạn Cao Bằng-Bản Giốc; đường Hồ Chí Minh đoạn Cao Bằng-Hà Quảng; Quốc lộ 34 đoạn Khau Đồn-Nguyên Bình, đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến từ Tỉnh lộ 206 vào Khu du lịch động Ngườm Ngao (Trùng Khánh); cải tạo, nâng cấp đoạn từ Tỉnh lộ 212 lên đỉnh núi Phja Oắc-Khu du lịch sinh thái Phja Oắc-Phja Đén; cải tạo, sửa chữa Tỉnh lộ 202 đoạn từ Quốc lộ 34 vào Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo...

Ông Sầm Việt An, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng cho biết: với việc CVĐC-Non nước Cao Bằng được công nhận là CVĐC toàn cầu, tỉnh có thêm điều kiện để thu hút đầu tư khai thác tiềm năng du lịch của tỉnh. Thời gian tới, tỉnh sẽ ưu tiên tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, tuyên truyền quảng bá, phát triển thêm các Trung tâm thông tin về CVĐC tại các điểm di sản; lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di sản CVĐC-Non nước Cao Bằng; tổ chức các hoạt động trồng rừng, cải thiện nước sạch, vệ sinh môi trường, khai thác khoáng sản đảm bảo phù hợp tiêu chí phát triển CVĐC; tổ chức các chương trình lễ hội…; bảo tồn, phát huy giá trị các hang động, thác nước, sông suối…

Thể hiện quyết tâm trong việc khai thác tiềm năng CVĐC toàn cầu-Non nước Cao Bằng, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng khẳng định, tỉnh rất coi trọng việc xây dựng và phát triển CVĐC toàn cầu gắn với việc phát triển bền vững kinh tế-xã hội của địa phương. Cùng với những tiềm năng khác, Cao Bằng phấn đấu đến năm 2020, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ.

MINH THU

Tin cùng chuyên mục