Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Miễn dịch cộng đồng - "Chìa khóa" mở ra sự an toàn trước đại dịch

Thanh Hải - 09:14, 28/06/2021

Hẳn đó sẽ là từ khóa, mà không chỉ riêng Việt Nam phấn đấu trên hành trình ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19. Nó sẽ là điều kiện để chúng ta không phải căng thẳng, bất an mãi với câu chuyện truy vết, dập dịch…; càng không thể cứ mãi vất vả với khoanh vùng, giãn cách xã hội. Nhưng để dạt được “miễn dịch cộng đồng”, thì cần phải có khoảng trên 70% dân số được tiêm đủ liều vaccine. Trong bối cảnh nguồn vaccine ở nước ta chưa thể tự chủ, thì đây là vấn đề đầy khó khăn thách thức.

Vaccine là giải pháp hữu hiệu để phòng chống dịch Covid-19
Vaccine là giải pháp hữu hiệu để phòng chống dịch Covid-19

Giải pháp căn cơ

Không nói ra, nhưng đó là trạng thái cảm xúc của hầu hết người dân, khi được thông báo xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng; và khu vực dân cư ấy bắt buộc phải thực hiện cách li để tiến hành truy vết. Thời gian chờ đợi lấy mẫu xét nghiệm, thời gian chờ đợi kết quả… như càng khiến bao người dân thêm căng thẳng. Còn cơ quan chức năng, gần như “căng” hơn dây đàn, chạy đua với thời gian… chỉ để truy vết, xét nghiệm thật nhanh. Tất cả chỉ thực sự thở phào nhẹ nhõm khi các mẫu xét nghiệm đều là âm tính.

Bao lâu nay, kể từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19, các bước ấy cứ thế tuần tự diễn ra; trở thành nỗi ám ảnh, với bao khu dân cư không may rơi vào cảnh ngộ: nghi ngờ có ca nhiễm hoặc đã xuất hiện ca nhiễm. Không lẽ, chúng ta cứ mãi căng thẳng, bất an với câu chuyện truy vết, dập dịch…; càng không thể cứ mãi vất vả với khoanh vùng, giãn cách xã hội. Kéo theo đó là cả xã hội bị tác động, cuộc sống nhiều vùng bị đảo lộn, sản xuất bị ngưng trệ…

Vậy, làm sao để khống chế dịch bệnh Covid-19? Câu hỏi lớn ấy quả là không dễ trả lời. Trong bối cảnh hiện nay, biện pháp 5K đang là giải pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch toàn cầu. Nhưng về lâu dài, người đứng đầu Chính phủ khẳng định: Phải có vaccine. 

Phát biểu tại lễ ra mắt Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 vào đầu tháng 6/2021, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng  Phạm Minh Chính khẳng định: Tiêm vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định và có tính chiến lược để thoát khỏi Covid-19.

Để có đủ vaccine, chúng ta bắt buộc phải đi bằng hai chân, ấy là nhập khẩu và tự sản xuất. Trước mắt là nhập khẩu vaccine, còn về lâu dài là phải tự túc được nguồn vaccine để tiêm đại trà. Khi sản xuất đang ở giai đoạn thử nghiệm, nguồn vaccine tiêm phòng hiện nay của chúng ta đang có, được mua và từ nguồn viện trợ của một số nước với tỉ lệ nhỏ giọt. Việc có được nguồn vaccine nhanh nhất, nhiều nhất để tiêm, thông qua hình thức mua không hề dễ dàng trong thời điểm dịch bệnh lây lan rộng trên toàn cầu, năng lực sản xuất vaccine có hạn.

Với việc thiếu hụt nguồn vaccine để tiêm phòng bệnh Covid-19 như hiện nay là dễ hiểu, dễ chia sẻ với Chính phủ. Việc chỉ đạo quyết liệt các cơ sở sản xuất vaccine trong nước tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm sớm có đủ lượng vaccine để tiêm đại trà, đã cho thấy những nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị trước sự an nguy của đồng bào. Nhưng bấy nhiêu thực sự là vẫn chưa thể khiến dân chúng an tâm, bớt băn khoăn, lo ngại… về đại dịch.

Mỗi ngày trôi qua, những ca nhiễm đã lại làm dày thêm bảng thống kê về tình hình dịch bệnh trên khắp các tỉnh thành. Càng bất an hơn khi bản đồ dịch tễ đỏ rực thêm một vài địa phương, càng lo lắng hơn khi các ca dương tính với Covid-19 tiếp tục được phát hiện trong cộng đồng nhưng không rõ nguồn lây nhiễm…

Chất lượng là hàng đầu

Nhiệm vụ trước hết và trên hết hiện nay, là bảo vệ sức khỏe người dân. Và để làm được điều ấy thì cần phải tiêm vaccine. Theo kế hoạch, Việt Nam phải có đủ vaccine phòng Covid-19 để tiêm cho 75 triệu người dân. Mỗi người dân được tiêm hai mũi thì cần phải mua 150 triệu liều vaccine, với chi phí ước tính khoảng 25.200 tỉ đồng – một số tiền không hề nhỏ.

Nhưng tiền không phải là điều đáng lo ngại. Người đứng đầu Chính phủ từng nhấn mạnh rằng, chúng ta yêu cầu khẩn cấp về vaccine nhưng không đi đôi với việc “nương nhẹ” về chất lượng. Mặt khác, việc quản lý chất lượng vaccine phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong việc mua và cung cấp vaccine. Đó là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, như một mệnh lệnh đối với các cơ quan, đơn vị được giao trọng trách nhập khẩu vaccine.

Lại bàn về vaccine nhập khẩu nhưng không thể “nương nhẹ” chất lượng như lời Thủ tướng khẳng định, là để nhấn mạnh rằng, tính an toàn, hiệu quả của vaccine cần phải được đặt lên hàng đầu. Lâu nay, nhiều tin đồn cho rằng, một số loại vaccine chất lượng không đảm bảo; nhất là khi có một số ca biến chứng nguy hiểm tới tính mạng càng được đà để dư luận “dậy sóng”.

Tiêm vaccine ở Nghệ An
Tiêm vaccine ở Nghệ An

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế và nhìn từ thực tiễn, thì các loại vaccine phòng Covid-19 được sử dụng ở Việt Nam hiện nay có độ an toàn cao,  và rất có hiệu quả trong việc ngăn ngừa sự lây nhiễm. Còn tác dụng phụ sau tiêm vaccine như sốt, mệt mỏi, đau cơ, ớn lạnh… là hiện tượng bình thường do hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với kháng nguyên trong vaccine. Việc một người phản ứng với vaccine như thế nào, phụ thuộc vào hệ thống miễn dịch của người đó phản ứng ra sao với kháng nguyên trong vaccine.

Hơn nữa, việc bảo đảm an toàn tiêm chủng rất được Bộ Y tế đặc biệt quan tâm. Nhìn từ thực tế các đợt tiêm chủ tại các địa phương, sẽ thấy rõ rằng: Chúng ta đã có sự sàng lọc kỹ tất cả các đối tượng được tiêm và nếu không bảo đảm yêu cầu về sức khỏe thì bắt buộc phải hoãn lại. 

Chưa kể, các cơ sở tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 bắt buộc phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Còn các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu cuối năm 2021 - đầu năm 2022 sẽ đạt miễn dịch cộng đồng. Muốn có miễn dịch cộng đồng thì phải tiêm cho ít nhất khoảng 70% dân số mới có thể đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Và trong khi chờ đợi để được tiêm vaccine, mỗi người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K.

(Nội dung thông tin, truyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)