Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Minh Hóa (Quảng Bình): Dấu ấn từ thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc

Phạm Tiến - 16:39, 30/06/2024

Trong giai đoạn 2019-2024, huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình) đã thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS và miền núi của huyện có nhiều khởi sắc; đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện và nâng lên. Một trong những điểm nhấn trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là huyện đã sử dụng nguồn vốn từ các chương trình, chính sách đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát huy hiệu quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là tạo sinh kế và ổn định nhà ở cho người dân.

Cơ sở hạ tầng ở Thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã được đầu tư khang trang
Cơ sở hạ tầng ở Thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã được đầu tư khang trang

Minh Hóa là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Quảng Bình với 89km đường biên giới, 04 xã biên giới là Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn và Thượng Hóa giáp với nước CHDCND Lào. Toàn huyện Minh Hóa có 02 dân tộc thiểu số chính là Bru Vân Kiều, Chứt và một số dân tộc thiểu số khác như (Mường, Thái, Thổ, Tày, Khmer, Nùng, Gia rai, Mông, Pa Cô, Tà Ôi, Hrê, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Ho, Ê đê) cùng định cư trên địa bàn với khoảng 23,2% dân số toàn huyện. Đồng bào DTTS sống tập trung chủ yếu tại 42 thôn, bản của 04 xã biên giới.

(Bài CĐ) Minh Hóa (Quảng Bình): Dấu ấn từ công tác dân tộc, chính sách dân tộc 1
Bản Dộ- Tà Vờng, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) là bản được chọn để xây dựng bản Nông thôn mới

Trong giai đoạn 2019- 2024, công tác quản lý nhà nước về dân tộc trên địa bàn có những chuyển biến tích cực. Việc tổ chức thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc được địa phương triển khai đúng, trúng và phát huy hiệu quả cao.

Thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020", Minh Hóa đã bố trí kinh phí trên 2 tỷ đồng để cải tạo, phục hóa, khai hoang 1,1ha đất để giao cho 13 hộ gia đình DTTS. Hỗ trợ khai hoang, tạo ruộng bậc thang, cải tạo đất, dẫn nước cho các hộ dân thuộc 02 bản K Oóc, Dộ - Tà Vờng, xã Trọng Hóa. Nhờ đó, đồng bào dân tộc Chứt ở 2 bản K Oóc và Dộ- Tà Vờng đã chủ động được nguồn lương thực.

Cùng với đó, huyện Minh Hóa cũng đã thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ "Phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025". Với nguồn vốn 8 tỷ đồng trong giai đoạn 2019-2024, địa phương đã hỗ trợ các loại giống cây trồng ngô, lạc và vật tư phân bón cho 1.074 lượt hộ gia đình DTTS. Hỗ trợ giống keo và vật tư phân bón cho 76 hộ gia đình DTTS; Hỗ trợ giống bò cái laisind sinh sản cho 490 hộ gia đình DTTS; Hỗ trợ sửa chữa, cải tạo chuồng trại cho 487 hộ gia đình để bà con chăn nuôi phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. 

Cùng với việc hỗ trợ sinh kế, công tác tập huấn để nâng cao trình độ, nhận thức của đồng bào cũng được chú trọng. Trong 5 năm qua, Minh Hóa đã tổ chức 26 lớp tập huấn cho các hộ đồng bào dân tộc Chứt về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi. Tổ chức nhiều đợt đưa đội ngũ già làng, trưởng bản và Người có uy tín đi tham quan, học tập ở nhiều địa phương trong nước để học hỏi các mô hình sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ phát triển kinh tế.

(Bài CĐ) Minh Hóa (Quảng Bình): Dấu ấn từ công tác dân tộc, chính sách dân tộc 2
Dự án đưa lúa nước về bản Lòm, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình)

Đặc biệt, từ năm 2022, cả hệ thống chính trị ở huyện miền núi Minh Hóa bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719). Tính lũy kế từ năm 2022 đến nay, Minh Hóa đã được phân bổ 349.667 triệu đồng để thực hiện 10 Dự án của Chương trình MTQG 1719. Sau 3 năm thực hiện, Chương trình đã tác động mạnh mẽ, toàn diện đến bộ mặt nông thôn miền núi và đời sống đồng bào ở địa phương.

Đến nay Minh Hóa đã làm được 180 ngôi nhà để bàn giao cho các hộ gia đình được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở tại Dự án 1. Cùng với đó, chính quyền địa phương đã hỗ trợ quy hoạch, khảo sát 13 điểm để xây dựng khu ổn định dân cư. 

Cũng từ nguồn lực của Chương trình MTQG 1719, Minh Hóa đã triển khai đầu tư xây dựng 26 công trình cơ sở hạ tầng trong vùng đồng bào DTTS. Trong đó có 20 công trình giao thông, 6 công trình về văn hóa, giáo dục trên địa bàn 04 xã đặc biệt khó khăn.

Chương trình đã triển khai thực hiện 11 mô hình phát triển sản xuất cộng đồng. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho đồng bào vùng DTTS được quan tâm triển khai. Đặc biệt, hiện nay ở huyện Minh Hóa đã có 100% người nghèo vùng dân tộc được cấp thẻ BHYT.

Huyện Minh Hóa đang tiếp tục phấn đấu đến cuối năm 2029 nâng mức thu nhập bình quân đầu người trong vùng DTTS tăng lên gấp 1,5 lần so với năm 2024. Cùng với đó, giảm hộ nghèo trong vùng DTTS mỗi năm từ 5-7%. Phấn đấu đến cuối năm 2029 toàn huyện có 80% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 90% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, điểm trường tiểu học bản Ôốc (xã Dân Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang
Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, điểm trường tiểu học bản Ôốc (xã Dân Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang

Trong 5 năm qua, công tác dân tộc, chính sách dân tộc đã được chính quyền địa phương Minh Hóa triển khai có hiệu quả. Nhờ đó đời sống đồng bào cũng được nâng lên, niềm tin dành cho Đảng, Nhà nước được củng cố thêm bền chặt. Bước vào những tháng cuối của giai đoạn 2019-2024, đồng bào các DTTS đang ra sức lao động sản xuất, phát huy tối đa nội lực để thực hiện hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế- xã hội năm 2024. Từ đó, tạo đà cho bước phát triển kinh tế của huyện trong những năm tiếp theo, góp phần xây dựng quê hương Minh Hóa ngày càng giàu đẹp, văn minh.  Đồng thời thiết thực chào mừng kỷ niệm 150 năm thành lập huyện Minh Hóa (1875- 2025) và 35 năm ngày tái lập huyện (01/7/1990 - 01/7/2025).

Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Minh Hóa có 07 xã thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025. Trong đó có 04 xã khu vực III (Dân Hóa, Trọng Hóa, Thượng Hóa, Hóa Sơn), 01 xã khu vực II (Hóa Tiến), 02 xã khu vực I (Hóa Phúc, Hóa Hợp).

Tin cùng chuyên mục
Diện mạo mới trên bản người Mảng

Diện mạo mới trên bản người Mảng

Pá Sập thuộc xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu là bản có đông đồng bào Mảng sinh sống. Pá Sập từng là bản khó khăn, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Lai Châu thông qua các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, cuộc sống của đồng bào Mảng cũng như diện mạo cơ sở hạ tầng của bản đang dần đổi thay.