Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Minh Hóa (Quảng Bình): Giải pháp thoát khỏi huyện nghèo

Quỳnh Chi - 15:54, 25/05/2020

Một trong những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Minh Hóa (Quảng Bình) lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đặt ra là, phấn đấu giảm 5% hộ nghèo/năm, từng bước đưa Minh Hóa thoát ra khỏi diện huyện nghèo. Để thực hiện mục tiêu này, trong 5 năm qua, Minh Hóa đã tập trung triển khai các chương trình phát triển kinh tế gắn với thế mạnh của địa phương.

Trồng rừng kinh tế là một trong những chương trình trọng tâm của Đảng bộ huyện Minh Hóa.
Trồng rừng kinh tế là một trong những chương trình trọng tâm của Đảng bộ huyện Minh Hóa.

Theo ông Đinh Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, trồng rừng kinh tế là thế mạnh, hướng đi đúng đang mang lại nguồn thu nhập cao, giảm nghèo bền vững cho người dân Minh Hóa. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, huyện đã chú trọng hỗ trợ, khuyến khích người dân đẩy mạnh trồng rừng kinh tế. Chỉ trong năm 2019, UBND huyện Minh Hóa phê duyệt gần 4,5 tỷ đồng hỗ trợ Nhân dân mua giống trồng rừng.

Trong 5 năm qua, toàn huyện đã trồng được trên 8.628ha rừng kinh tế (trong đó có 782,7ha rừng gỗ lớn). Các mô hình trồng cây hỗn loài, với các giống cây có giá trị kinh tế cao như: Dổi, lim, huê, keo nuôi cấy mô... đã được triển khai thí điểm tại một số xã, hiện nay đang phát triển khá tốt.

“Huyện chú trọng khuyến khích Nhân dân trồng rừng kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm để hình thành các gia trại và trang trại, từ đó góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân sống bằng nghề rừng”, ông Lĩnh cho biết.

Bên cạnh trồng rừng, huyện đã hỗ trợ, khuyến khích Nhân dân đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng nâng cao chất lượng tổng đàn; từng bước chuyển chăn nuôi phân tán sang chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại; áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn đến tiêu thụ đầu ra, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.

Hiện nay, huyện Minh Hóa đang chú trọng triển khai nhân rộng các sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương như mật ong, lợn bản, gà đồi… Đến nay, toàn huyện có 50 trang trại, gia trại. Nhiều mô hình kết hợp chăn nuôi, trồng rừng, trang trại, gia trại tổng hợp phát triển có chất lượng.

Đồng thời, huyện tập trung lồng ghép các nguồn vốn (30a, 135…) để hỗ trợ người dân đầu tư mua các giống vật nuôi chất lượng, có giá trị kinh tế cao, như bò lai Sind, lợn ngoại. Năm 2019, huyện Minh Hóa đã phê duyệt 33 dự án, với số tiền trên 5,5 tỷ đồng để phát triển chăn nuôi. Trong đó, với lợi thế là một huyện có nhiều diện tích rừng, nguồn hoa rừng tự nhiên phong phú, Minh Hóa đang khuyến khích người dân đầu tư phát triển nghề nuôi ong lấy mật để giảm nghèo. Năm 2019, huyện đã hỗ trợ 10 dự án và liên kết với 1 doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm và phát triển thương hiệu mật ong Minh Hóa…

Theo ông Đinh Xuân Thông, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa, thời gian tới, địa phương tiếp tục tập trung vào thực hiện các chương trình kinh tế mũi nhọn có tính đột phá như: Chương trình trồng rừng gỗ lớn và cây dược liệu; ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sinh học vào chăn nuôi, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; tăng cường quảng bá, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch…

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.