Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Mở đường đến tương lai cho nữ sinh DTTS

Hồng Minh - 14:13, 20/10/2020

Hỗ trợ kinh phí trong 7 năm học (gồm 3 năm THPT và 4 năm đại học) dành cho các nữ sinh DTTS có thành tích học tập xuất sắc và hoàn cảnh khó khăn, là nội dung của Dự án “Mở đường đến tương lai” thuộc Quỹ học bổng Vừ A Dính và Tổ chức VinaCapital Foundation (VCF) thực hiện. Triển khai từ năm 2010, qua 2 giai đoạn, Dự án là minh chứng cho kết quả hỗ trợ y tế và giáo dục cho nữ giới, tác động tích cực đến sự phát triển của cộng đồng và xã hội.

Các nữ sinh nhận được học bổng Dự án “Mở đường đến tương lai”, giai đoạn 2
Các nữ sinh nhận được học bổng Dự án “Mở đường đến tương lai”, giai đoạn 2

Là 1 trong 50 nữ sinh nhận học bổng của Dự án “Mở đường đến tương lai”, giai đoạn 2, em Lộc Thị Toàn, dân tộc Tày, xã Đình Lập, huyện Đình Lập (Lạng Sơn) bày tỏ niềm hạnh phúc, may mắn khi con đường đến với ước mơ của em được viết tiếp. 

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố của Toàn là nông dân, “gà trống nuôi con”, vì thế để có được điều kiện nuôi các con ăn học không phải là việc dễ dàng. Năm lớp 10, Lộc Thị Toàn được Dự án hỗ trợ trong việc học tập. “Mỗi học kỳ, em được hỗ trợ 3 triệu đồng, tuy số tiền này không thể trang trải hết việc học, nhưng đó là niềm động viên, khích lệ để em cố gắng học tập”, Toàn chia sẻ.

Nhờ có sự hỗ trợ từ Dự án, 3 năm liền, Toàn luôn là học sinh giỏi. Đặc biệt vừa qua, Lộc Thị Toàn đã xuất sắc thi đỗ vào Học viện Ngoại giao với số điểm 27,5.

Với Dự án “Mở đường đến tương lai”, Lộc Thị Toàn không chỉ được hỗ trợ 3 năm học THPT mà còn cả thời gian học đại học. Trong suốt 4 năm đại học tới đây, Lộc Thị Toàn sẽ được hỗ trợ 10 - 12 triệu đồng 1 học kỳ và được tặng 1 chiếc máy tính xách tay.

Ngoài hỗ trợ tiền để theo học, Dự án “Mở đường đến tương lai” còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa, mỗi năm 1 lần với chủ để “Ngày hội ước mơ” để quy tụ tất cả các học sinh được Dự án hỗ trợ. Tại đây, các em sẽ được dạy các kỹ năng sống, được tư vấn để phát triển bản thân. 

Dự án “Mở đường đến tương lai”, thuộc Quỹ học bổng Vừ A Dính và Tổ chức VinaCapital Foundation (VCF) triển khai từ năm 2010. Dự án nhằm nâng bước cho các nữ sinh DTTS có hoàn cảnh khó khăn, nhưng luôn phấn đấu vươn lên trong học tập, giúp các em có cơ hội nâng cao tri thức, kỹ năng để xây dựng tương lai tươi sáng cho bản thân, đồng thời trở thành nguồn lực góp phần phát triển quê hương, bản làng - nơi các cộng đồng DTTS sinh sống.

Từ năm 2010 đến nay, Dự án đã trao tặng học bổng toàn phần và đào tạo kỹ năng cho 100 nữ sinh, trong đó 50 em của giai đoạn 1 đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, nhiều em trở về quê hương để làm việc và hỗ trợ cộng đồng. 

Ở giai đoạn 2, 50 em nữ sinh nhận học bổng của Dự án đến từ 21 dân tộc, 36 tỉnh trên toàn quốc. Năm học 2019 – 2020, với nhiều khó khăn, thử thách, tất cả các nữ sinh đều đạt học lực khá, giỏi và hăng hái tham gia các hoạt động xã hội của trường lớp. 2 em đã đạt giải trong cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh; 100% nữ sinh đều tốt nghiệp THPT quốc gia, trong đó 47 em đỗ đại học, 3 em theo học các chương trình dự bị đại học và đào tạo nghề.

Chia sẻ về dự án này, bà Trương Mỹ Hoa, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Học bổng Vừ A Dính nói: “Mở đường đến tương lai”, là một dự án được ký kết bằng trái tim, bằng tình yêu và trách nhiệm dành cho các nữ sinh các dân tộc. Dự án mở ra một chân trời tri thức, hiện thực hóa ước mơ đến trường cho các em. Dự án được thực hiện, nhằm xây dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện đại trong tương lai; góp phần xóa đi bất bình đẳng giới, bất bình đẳng về dân tộc, để các dân tộc sống hòa hợp trong cộng đồng các dân tộc anh em với nhau.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.