Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Mô hình nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng: Ưu tiên phát triển thể chất toàn diện cho người dân

Vân Khánh- CĐ - 17:11, 16/11/2021

Thời gian qua, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đã phối hợp với các địa phương triển khai thí điểm nhiều mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng. Theo đó, những kết quả đạt được trong thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, đảm bảo dinh dưỡng, với ưu tiên trước hết là phát triển thể chất toàn diện cho người dân từ các mô hình thí điểm rất cần được nhân rộng.

Mô hình nuôi gà đẻ trứng ở Yên Bái (Ảnh: BYB)
Mô hình nuôi gà đẻ trứng ở Yên Bái (Ảnh: BYB)

Không chỉ là hỗ trợ sinh kế

Hơn một năm trước, chị Thào Thị Ly (dân tộc Mông) cùng với 42 hộ nghèo ở thôn Pá Lau, xã Pá Lau (huyện Trạm Tấu, Yên Bái) được tham gia mô hình phát triển chăn nuôi gà đẻ trứng gắn với Chương trình “Không còn nạn đói” đến năm 2025. Chị Ly được nhận 70 con gà lai ri và trên 3 tạ thức ăn hỗn hợp, bảo đảm đủ nuôi gà đến khi trưởng thành.

Chị Ly chia sẻ, mặc dù không phải là giống gà địa phương, nhưng đàn gà nhà chị thích ứng rất nhanh với điều kiện thời tiết; cũng như tập quán chăn nuôi của địa phương. Đàn gà này không chỉ cho gia đình chị có thêm thu nhập, mà còn giúp hai cháu của chị có thêm nguồn dinh dưỡng để cải thiện thể trạng suy dinh dưỡng.

“Lúc mới nhận gà, mình cứ lo không biết có nuôi được không, nhưng giờ thì thấy rất dễ chăm sóc, gà lớn nhanh, rất đẹp. Gia đình sẽ chăm sóc thật cẩn thận để chúng phát triển tốt để vừa có trứng bán, vừa có trứng ăn”, chị Thào Thị Ly tâm sự.

Cũng như chị Ly ở Yên Bái, gia đình chị Lù Thị Đợi ở thôn Nậm Chảy, xã Nậm Chảy (huyện Mường Khương, Lào Cai) cũng được hỗ trợ 40 con gà ri lai, từ mô hình nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng trong khuôn khổ Chương trình “Không còn nạn đói” đến năm 2025. Kể từ khi nhận gà hỗ trợ, sau gần 8 tháng, đàn gà của gia đình chị Đợi đã bắt đầu đẻ trứng, vừa có thêm nguồn thu, vừa cải thiện chất lượng bữa ăn cho gia đình chị.

Theo chị Đợi, được lựa chọn tham gia mô hình nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng, chị biết việc sử dụng trứng gà bổ sung vào bữa ăn hằng ngày, sẽ giúp bảo đảm dinh dưỡng trong thời kỳ đang nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi. Hơn nữa, trong khuôn khổ của dự án, phần kiến thức chị nhận được, chính là thay đổi thói quen chăn nuôi từ tự phát sang áp dụng khoa học kỹ thuật, giúp đàn gà phát triển ổn định.

Chuyển bến rõ nét

Gia đình chị Ly, chị Đợi là hai trong hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS trên cả nước đã hưởng lợi từ mô hình nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng được Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, phối hợp với các địa phương triển khai từ năm 2019 đến nay. Được biết, thời gian tới, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục nhân rộng, trên cơ sở đánh giá một cách toàn diện hiệu quả của 19 mô hình thí điểm trong 2 năm vừa qua.

Việc triển khai các mô hình nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng được tiến hành theo hình thức “cầm tay chỉ việc” mang lại hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh minh họa)
Việc triển khai các mô hình nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng được tiến hành theo hình thức “cầm tay chỉ việc” mang lại hiệu quả kinh tế cao . (Ảnh minh họa)

Theo TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, dựa vào điều kiện của từng vùng, các dự án đã lựa chọn vật nuôi và loại cây trồng phù hợp để Nhân dân thuộc diện nghèo, cận nghèo dễ thực hiện. Quá trình triển khai, cách làm cầm tay chỉ việc được đặt lên hàng đầu, qua đó, giúp hộ dân hiểu và thực hiện được phát triển nông nghiệp và đảm bảo dinh dưỡng hiệu quả.

“Đồng thời, thông qua các mô hình góp phần thay đổi tư duy của người dân. Lâu nay, người dân, nhất là hộ nghèo vẫn quan niệm cái gì tốt nhất thì phải đem bán, không tốt thì mới để lại ăn. Bây giờ, cùng với nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo, chúng ta phải giúp người dân thay đổi suy nghĩ đó”, ông Anh cho biết.

Thực tế, qua khảo sát cho thấy, tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi, nhẹ cân ở trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi còn cao hơn nhiều so với khu vực khác; an ninh lương thực chưa đảm bảo, vẫn còn thiếu đói, đa số các hộ đều bỏ bữa ăn trong ngày. Sau thời gian thí điểm mô hình nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng, ở những địa bàn có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao, kết quả ghi nhận được là nhận thức của người dân về chăm lo bữa ăn hằng ngày đã có sự thay đổi nhất định.

Mục tiêu của các mô hình là thay đổi tư duy về bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng, sử dụng rau xanh nhiều hơn cho bữa ăn.
Mục tiêu của các mô hình là thay đổi tư duy về bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng, sử dụng rau xanh nhiều hơn cho bữa ăn.

PGS.TS Trương Thị Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) cho biết, qua theo dõi một số mô hình nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng, Viện ghi nhận được tính đa dạng của thực phẩm mà bà mẹ cho vào, trong những bữa ăn hằng ngày. Trước đây, bà mẹ không cho mỡ hoặc cho rất ít mỡ vào bữa ăn của trẻ nhỏ; hoặc là rau ở vườn nhà có nhưng lại sử dụng rất ít rau, nhưng hiện nay đã có sự thay đổi rất rõ rệt. 

Cứ sau 6 tháng, Viện tiến hành kiểm tra, thì thấy được sự thay đổi rất rõ về mặt kiến thức cũng như thực hành của bà mẹ. Chúng tôi đã ghi nhận chuyển biến rõ rệt của trẻ trong các gia đình tham gia mô hình, các cháu có sự thay đổi về cân nặng, chiều cao khi bữa ăn có sự đa dạng, đủ số lượng và chất lượng.

Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng, hiện nay tình trạng thiếu vi-ta-min A, thiếu máu do thiếu sắt và thiếu kẽm vẫn ở mức ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cộng đồng. Trong đó, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới năm tuổi ở Việt Nam là 27,8%, ở phụ nữ có thai là 32,8%; tỷ lệ thiếu vi-ta-min A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới năm tuổi là 13% (tương đương gần một triệu trẻ); tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em dưới năm tuổi là 69,4% và ở phụ nữ có thai là 80,3%...

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.