Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Nhân rộng mô hình điểm để đạt mục tiêu an ninh dinh dưỡng

Vân Khánh - CĐ - 08:05, 11/11/2021

Không chỉ góp phần cải thiện sinh kế, những mô hình nông nghiệp dinh dưỡng được thí điểm thời gian qua đã thay đổi suy nghĩ của người dân về sử dụng dinh dưỡng hợp lý trong bữa ăn hằng ngày. Đây là một trong những yếu tố then chốt, góp phần giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng của một bộ phận không nhỏ người dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.

 Làng Kliết-H’ôn (xã Đắk Song, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao.
Làng Kliết-H’ôn (xã Đắk Song, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao.

Tập trung “vùng lõi”

Làng Kliết-H’ôn có 147 hộ, trên 90% là người Bahnar. Đây là một trong những ngôi làng nghèo nhất của xã Đắk Song, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai. Già làng Đinh Gui chia sẻ: Hiện làng vẫn còn 102 hộ nghèo. Cách đây 5 năm, khi áp dụng chuẩn đa chiều, cả làng gần như đều thuộc diện nghèo.

Nhưng điều làm già Đinh Gui trăn trở là sự phát triển của trẻ nhỏ. Vì kinh tế khó khăn nên trẻ em ở đây ít được quan tâm, chúng lớn lên tự nhiên giống như cây rừng vậy. Có không ít đứa trẻ mới sinh ra được 1 tuần là mẹ mang con lên rẫy. Bởi vậy, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em ở làng Kliết-H’ôn rất cao.

Theo già Đinh Gui, không phải người dân không được tuyên truyền, mà do nhận thức còn hạn chế, nên dường như việc chăm sóc con cái của các gia đình ở đây rất ít. Các bà mẹ được chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng hạn chế, nhất là trong giai đoạn mang thai.

Trước thực trạng đó, tháng 3/2020, sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hướng dẫn xây dựng dự án điểm nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng thuộc Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói”, tỉnh Gia Lai đã chọn làng Kliết-H’ôn để triển khai thí điểm. Các hộ nghèo ở Kliết-H’ôn được chọn tham gia mô hình, bắt đầu thực hiện từ tháng 8/2020.

Ông Nguyễn Văn Điệp, người được UBND xã Đắk Song giao nhiệm vụ hỗ trợ hướng dẫn người dân làng Kliết - H’ôn triển khai mô hình cho biết: Các hộ tham gia được hỗ trợ dê sinh sản và cây mít Chan Rai, dừa xiêm xanh. Việc cung cấp cây giống vật nuôi đã mang lại hiệu quả, giúp cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện.

Nuôi dê sinh sản, ngoài việc thêm thu nhập cho người dân, thì cũng đã cung cấp lượng sữa tươi để cải thiện vi chất dinh dưỡng; còn dừa xiêm cũng là thức uống bổ dưỡng tốt cho sức khỏe. Hiệu quả của dự án đã được bà con đánh giá cao và mong muốn có thêm nhiều hộ dân khác được thụ hưởng. 

Đàn dê từ mô hình nông nghiệp dinh dưỡng ở làng Kliết-H’ôn đã giúp cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện.
Đàn dê từ mô hình nông nghiệp dinh dưỡng ở làng Kliết-H’ôn đã giúp cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện.

Cùng với làng Kliết-H’ôn, ở xã Đắk Song còn có làng Krắc cũng được triển khai mô hình. Tổng cộng cả 2 làng, dự án điểm nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng đã hỗ trợ 84 con dê sinh sản cho 40 hộ nghèo của 2 làng Krắc và Kliết-H'Ôn. Ngoài ra, Dự án hỗ trợ 400 cây dừa xiêm xanh và 400 cây mít Chan Rai cho 36 hộ nghèo. Tổng kinh phí thực hiện là 500 triệu đồng.

Theo ông Huỳnh Văn Cư, Chủ tịch UBND xã Đắk Song, dự án “Không còn nạn đói” tương đối khác biệt so với các dự án khác mà tỉnh cũng như huyện hỗ trợ trước đó. Thông thường, các dự án hỗ trợ cấp bò giống thì nay người dân được cấp dê và cây ăn quả về nuôi, trồng. Trong quá trình triển khai, cán bộ xã và người được giao nhiệm vụ hướng dẫn tại các làng còn tích cực tuyên truyền để nâng cao hiểu biết cho người dân về sự cần thiết phải cải thiện chất lượng bữa ăn hằng ngày.

Nhân rộng mô hình

Dự án không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn làm thay đổi nếp nghĩ của người dân về sự cần thiết phải bảo đảm dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày. Như chia sẻ của anh Đinh Chân (làng Kliết-H'ôn), nuôi dê, trồng dừa vừa mang lại thu nhập, lại có thức uống nhiều chất.

“Từ tháng 8/2020, gia đình được hỗ trợ 2 con dê. Sau 1 năm, 2 con dê đã sinh sản nhân đàn lên thành 6 con. Ngoài nuôi dê, nương rẫy cũng bổ sung đáng kể nguồn thu cho gia đình. Cuộc sống hiện giờ không vất vả như trước nữa”, anh Chân nói.

Cũng như làng Kliết-H’ôn, làng Krắc của xã Đắk Song, mà nhiều bản làng vùng đồng bào DTTS và miền núi trên cả nước, được triển khai mô hình nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng, đời sống của người dân được thụ hưởng đã có những khởi sắc nhất định. Ngoài thu nhập được cải thiện, thì nhận thức về việc bảm đảm dinh dưỡng của người dân đã được nâng lên đáng kể.

 Điều kiện kinh tế khó khăn khiến tỷ lệ trẻ em DTTS bị suy dinh dưỡng còn rất cao. (Ảnh minh họa)
Điều kiện kinh tế khó khăn khiến tỷ lệ trẻ em DTTS bị suy dinh dưỡng còn rất cao. (Ảnh minh họa)

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), cho biết, thực hiện giai đoạn 1 của Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” đến năm 2025, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương đã triển khai 19 mô hình điểm tại các địa bàn khó khăn nhất, tỷ lệ suy dinh dưỡng cao, nhận thức về vi chất dinh dưỡng của người dân còn hạn chế. Mô hình nông nghiệp dinh dưỡng là một bước tiếp theo để thực hiện mục tiêu an ninh dinh dưỡng.

“Với mỗi mô hình, chúng tôi chọn làm ở thôn, bản với mức đầu tư từ 350-500 triệu/dự án. Hoạt động chủ yếu tại các mô hình này là hỗ trợ sản xuất trực tiếp cho một nhóm hộ nhỏ và thông qua các mô hình điểm này sẽ triển khai đào tạo, tập huấn và truyền thông để cán bộ, người dân địa phương hiểu và biết cách triển khai mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng”, ông Thịnh cho biết.

Cũng theo ông Thịnh, giai đoạn 2021-2025, Bộ NN&PTNT đã có kế hoạch và hướng dẫn tập huấn cho cán bộ, người dân ở các địa phương triển khai xây dựng dự án nông nghiệp dinh dưỡng thuộc Chương trình “Không còn nạn đói”. Trong giai đoạn này, chương trình sẽ được mở rộng ra 28 địa phương, từ đó lan tỏa thông điệp của chương trình, với mục tiêu đặt ra là tất cả người dân đều có thể tiếp cận được sản phẩm nông nghiệp an toàn.

Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á cam kết thực hiện Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" đến năm 2025, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và phát triển nông nghiệp bền vững phù hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững đang thực hiện.

Tin cùng chuyên mục
CEO Vinamilk: Ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục tăng thị phần, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và cổ tức cho cổ đông

CEO Vinamilk: Ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục tăng thị phần, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và cổ tức cho cổ đông

Ngày 25/4/2024, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (“Vinamilk”) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (“ĐHĐCĐ”) năm 2024. Theo đó, dựa trên kỳ vọng tình hình vĩ mô cải thiện trong năm 2024, Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 4,4% về doanh thu và 5% về lợi nhuận trước thuế. Bên cạnh đó, chiến lược đổi mới về thương hiệu, sản phẩm và phát triển bền vững của Vinamilk cũng được cổ đông quan tâm.