Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục dân tộc

Mô hình Trường PTDTBT trên địa bàn tỉnh Nghệ An: Gỡ khó để tiếp tục nhân rộng

Thanh Nguyễn - 08:31, 12/04/2023

Giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, giảm bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội giáo dục, thay đổi nếp sống, tạo sân chơi bổ ích, nâng cao chất lượng giáo dục… là những ưu việt thấy rõ trong mô hình Trường PTDTBT trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đặc biệt, mô hình giáo dục này còn phù hợp với sự phát triển giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Đó là những lí do để Nghệ An quyết tâm nhân rộng loại hình giáo dục này trong những năm tới.

Thể dục giữa giờ của học sinh Trường PTDTBT THCS Tam Hợp (huyện Tương Dương).
Hoạt động nâng cao thể chất cho học sinh Trường PTDTBT THCS Tam Hợp (huyện Tương Dương)

Hiệu quả lớn…

Nghệ An hiện đang có 8 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) 62 trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) và 56 trường phổ thông có học sinh DTBT, nhưng chưa được công nhận trường PTDTBT theo Thông tư 24 ngày 2/8/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về việc Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường PTDTBT, với hơn 20.000 học sinh. Trong đó, có 2.893 học sinh DTNT; 18.029 học sinh DTBT được hưởng các chế độ theo Nghị định 116 ngày 18/7/2016 của Chính phủ (11.018 học sinh trong các trường PTDTBT, 7.011 học sinh trong các trường chưa được công nhận trường PTDTBT).

Từ việc thực hiện mô hình trường PTDTBT, các địa phương ở Nghệ An đã tích cực sắp xếp, sáp nhập các điểm trường, góp phần thực hiện chỉ tiêu tinh giản biên chế hiệu quả. Trong hơn 10 năm qua (từ năm 2010 đến nay), 6 huyện miền núi cao gồm Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông đã giảm được 11 trường, 283 điểm trường, 523 lớp, trong khi học sinh tăng 14.320. Do đó, đã tăng tỷ lệ học sinh bình quân/lớp để tiến dần đến định mức tối đa theo điều lệ trường phổ thông.

Theo đánh giá của đại diện Sở GD&ĐT Nghệ An, hệ thống trường PTDTBT đã và đang làm thay đổi tích cực chất lượng giáo dục ở địa phương miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Sự phát triển của nhà trường tạo điều kiện cho nhiều học sinh DTTS có điều kiện được ăn, ở, tham gia học tập tại trường, khắc phục dần tình trạng học sinh bỏ học. 

Các hoạt động giáo dục trong môi trường bán trú, đã làm thay đổi nếp sống cho học sinh, tạo sân chơi bổ ích, nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức; tăng cường kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp cho học sinh, góp phần củng cố và duy trì kết quả phổ cập giáo dục, nâng cao dân trí và phát triển nguồn nhân lực tại địa phương.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An thăm bếp ăn của Trường THPT Kỳ Sơn (huyện Kỳ Sơn) - đơn vị được Nghệ An chọn thí điểm triển khai mô hình Trường PTDTBT THPT kiểu mới.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An thăm bếp ăn của Trường THPT Kỳ Sơn (huyện Kỳ Sơn) - đơn vị được Nghệ An chọn thí điểm triển khai mô hình Trường PTDTBT THPT kiểu mới.

Còn nhiều cái khó

Dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng trong 10 năm thực hiện mô hình trường PTDTBT ở Nghệ An vẫn đang tồn tại những khó khăn, bất cập. Thực tế hiện nay, do ngân sách các cấp hạn hẹp nên việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các trường PTDTBT chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều học sinh vẫn phải ở trọ trong các nhà tạm; các thiết bị phục vụ ăn, ở, sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn. 

Theo tính toán, với trên 18.000 học sinh có nhu cầu nhà ở, tỉnh Nghệ An đang cần 1.497 phòng ở (loại phòng 12 học sinh/phòng); nhưng các trường đang còn thiếu 630 phòng, chưa kể nhiều phòng ở còn tạm, một số phòng ở đã xuống cấp, đồ dùng, điều kiện sinh hoạt bán trú còn thiếu thốn.

Về cơ chế, chính sách cho giáo viên, học sinh cũng đang còn những bất cập. Toàn tỉnh có 1.553 giáo viên đang công tác ở 62 trường PTDTBT, nhưng có 26 giáo viên chưa được hưởng phụ cấp trách nhiệm dành cho trường PTDTBT, 900 giáo viên chưa được tính định mức giờ dạy dành cho trường PTDTBT.

Ngoài ra, có 1.507 giáo viên công tác tại các trường có học sinh DTBT (trường chưa được công nhận trường PTDTBT) chưa được hưởng các chế độ trên. Chế độ hỗ trợ đối với nhân viên nấu ăn chưa phù hợp, không tương xứng với khối lượng công việc, cường độ lao động và công sức. Công tác quản lý học sinh trong các trường PTDTBT chủ yếu do giáo viên kiêm nhiệm, chưa có có cán bộ quản sinh.

Học sinh Trường PTDTBT THCS Thông Thụ (huyện Quế Phong) trải nghiệm hoạt động hội chợ do nhà trường phối hợp với phụ huynh tổ chức.
Học sinh Trường PTDTBT THCS Thông Thụ (huyện Quế Phong) trải nghiệm hoạt động ngoại khóa do nhà trường phối hợp với phụ huynh tổ chức.

Bên cạnh đó, định mức số tiền ăn của học sinh/tháng vẫn còn thấp, chưa đáp ứng với sự tăng giá của nhiều loại thực phẩm nên rất khó khăn trong thay đổi thực đơn hàng ngày cho học sinh. Quy trình cấp gạo muộn hơn so với thời gian học sinh nhập học; kinh phí được Nhà nước hỗ trợ bốc xếp, vận chuyển gạo thấp hơn nhiều so với giá thị trường, nên các trường còn phải bỏ thêm một khoản chi phí từ nguồn chi thường xuyên để chi trả tiền bốc xếp, vận chuyển gạo.

Đề xuất những giải pháp tháo gỡ

Tại Hội nghị sơ kết tổ chức hoạt động trường PTDTBT trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2010 - 2022, đã có nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm bàn về những giải pháp gỡ khó để tiếp tục nhân rộng mô hình hoạt động của loại hình trường lớp này.

Theo Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn Phạm Viết Phúc, cần sớm có quyết định công nhận các trường PTDTBT khi đã đủ các điều kiện. Đó là cơ sở để bảo đảm quyền lợi, chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và bố trí định biên để các trường hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, bố trí thêm định biên nhân viên y tế để chăm sóc sức khỏe cho học sinh.

Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Lô Thanh Nhất đã kiến nghị các vấn đề xung quanh việc cấp gạo cho học sinh bán trú, việc khó thực hiện mô hình trường bán trú ở những điểm trường lẻ, xa trung tâm...

Trên tinh thần khắc phục khó khăn, hạn chế, ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Cần tiếp tục thực hiện và nhân rộng mô hình này. Muốn vậy, ngành Giáo dục cần rà soát lại các văn bản của Trung ương để tăng việc được hưởng thụ cho các đối tượng. Song song đó, cần rà soát tổng hợp các vướng mắc, bất cập để tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định nội dung, mức chi hỗ trợ trường PTDTBT; bổ sung định mức nhân viên nấu ăn cho phù hợp với thực tiễn.

Về phía Sở GD&ĐT, ông Long đề nghị, cần phối hợp với các địa phương để rà soát, sáp nhập, dồn dịch các điểm trường, xây dựng cơ chế biệt phái giáo viên để giải quyết bài toán khó về thiếu giáo viên Tin học, Ngoại ngữ. 

Đối với các địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, cần giảm tối đa các điểm trường, nâng cao chất lượng điểm trường chính, ưu tiên, lồng ghép các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, khu ký túc xá.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.