Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Mời Then xuống trần chơi hội cây nêu

Tấn Vịnh - 17:01, 18/02/2024

Trong đời sống tâm linh, người Thái đen ở Lai Châu luôn tin vào sự tồn tại của mường Then (mường Trời), nơi có Then và các vị thần cai quản đất, trời, mưa, nắng. Mỗi khi gặp bế tắc trong cuộc sống, dân bản thường tìm đến thầy mo Then, chỉ có ông mới có thể cầu xin Then giúp đỡ cho họ. Trong các nghi lễ liên quan đến mo Then, lễ hội Then Kin pang (tiếng Thái, có nghĩa là Then xuống trần chơi hội cây nêu) là lễ hội lớn nhất, thể hiện rõ nhất bản sắc văn hóa của người Thái.

Một nghi lễ trong lễ hội Then Kin Pang
Một nghi lễ trong lễ hội Then Kin Pang

Ngày thầy mo Then làm lễ, các “con nuôi” của Then từ khắp các bản gần mường xa đều đến, mỗi người mang theo một lễ vật để phụ giúp thầy cúng. Các “con nuôi” là những người từng được thầy mo làm lễ cứu giúp, lễ thành công, họ xin được làm “con nuôi” của Then để được Then che chở, không còn bị ốm đau nữa. Thầy mo và dân làng tổ chức lễ Then Kin Pang để dâng cúng cho các vua quan mường Trời, xin các ngài ban cho sức khỏe, may mắn.

Thầy mo chuẩn bị các lễ vật cúng mời Then xuống trần chơi hội cây nêu
Thầy mo chuẩn bị các lễ vật cúng mời Then xuống trần chơi hội cây nêu

Để có một ngày hội tưng bừng làm vui lòng Then, người Thái dựng một cây nêu và trang trí đẹp mắt bằng những đồ vật mà Then và các thần yêu thích. Cây nêu được làm từ 1 cây chuối rừng và 2 cây cau rừng ghép lại. Trên đó có: hoa chuối là món yêu thích dành cho linh hồn của các loài thú rừng cùng đến hưởng lộc; hoa tươi và hoa bằng chỉ màu tượng trưng cho núi rừng, bản mường tươi đẹp; những con côn trùng bằng giấy tượng trưng cho cuộc sống no đủ, muôn loài đều có ăn; hai quả trứng nhuộm là đồ chơi yêu thích của thần mưa, thần nắng; các dải vải màu là đạo cụ để đội múa trình diễn phục vụ Then và các vị thần.

 Các cô gái Thái biểu diễn điệu múa khăn quanh cây nêu để mừng đón Then
Các cô gái Thái biểu diễn điệu múa khăn quanh cây nêu để mừng đón Then

Sau các nghi lễ thiêng liêng, mọi người cùng tập trung xung quanh cây nêu, múa các điệu múa truyền thống của dân tộc. Với người Thái, phục vụ vua quan mường Trời cũng như phục vụ các quan mường thuở xưa, sau tiệc tùng thì phải được xem múa hát. Mở đầu, các con nuôi biểu diễn điệu múa khăn. Đoàn người bước đi uyển chuyển trong nhịp trống chiêng, tay cầm khăn đưa lên đưa xuống, đưa sang hai bên nhịp nhàng.

Từ thuở xưa, các đội múa phục vụ nhà vua thường múa điệu này trong các dịp trọng đại của bản mường. Theo đồng bào, vua quan bản mường khi mất đi sẽ hóa thân về mường Trời, trở thành các thần cai quản trần gian, nhưng vẫn thích xem điệu múa khăn của các cô gái Thái. Điệu múa khăn càng vui, càng tưng bừng thì các Ngài càng vui lòng và ban cho dân bản những điều tốt đẹp nhất.

Cô gái Thái đang trang trí, làm đẹp cho cây bông
Cô gái Thái đang trang trí, làm đẹp cho cây bông

Múa tăng bẳng là điệu múa dành tặng riêng cho thần mưa, thần sấm chớp. Các “con nuôi” mỗi người một ống tre, cùng nhau nện ống tre xuống sàn gỗ tạo âm thanh vang vọng giữa đại ngàn. Âm thanh phát ra từ ống tre được người Thái coi là tiếng sấm, mang ước vọng tới thần sấm chớp và thần mưa ban mưa về tưới mát nhân gian, cho cây cối tốt tươi, nhà nhà no đủ. Điệu múa tăng bẳng là kết quả của sự sáng tạo nghệ thuật từ hoạt động lao động sản xuất của người Thái; là dấu tích văn hóa khẳng định, tập quán sản xuất nông nghiệp lúa nước đã có từ lâu trong cộng đồng người Thái.

Sau một buổi vui hội múa hát tưng bừng, đến lúc các vua quan phải trở về mường Trời. Các “con nuôi” múa điệu “khảm nặm ta khái” (tức “vượt thác lên mường Trời”), động tác múa mô phỏng hành động chèo thuyền vượt thác. Người Thái quan niệm, đường lên mường Trời phải đi qua một ngọn thác rất cao. Đoàn vua quan hàng ngàn người được các con nuôi chèo thuyền đưa về và thầy cúng là người hát lời tiễn biệt.

Lễ Then Kin pang là dịp để bà con dân tộc Thái đen vui chơi, trình diễn các trò chơi và điệu múa dân gian đặc sắc. Lễ hội cũng là một cuộc trưng bày các tác phẩm mỹ thuật có giá trị nghệ thuật như trang trí cây nêu, cây bông, khoe diễn sắc màu thổ cẩm”.