Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Một vòng non nước Quảng Bình

Thanh Hải - 11:32, 09/07/2021

Làng An Xá bên dòng Kiến Giang yên ả, từng thấm đượm bao kỉ niệm ấu thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với quê nhà Lệ Thủy. Những con sóng bạc đầu nơi đảo Yến - Vũng Chùa như vỗ về tướng Giáp, ru mãi giấc ngủ ngàn năm. Từ An Xá đến Vũng Chùa đã là một vòng non nước Quảng Bình, đưa ta qua bao miền kí ức về một vị tướng huyền thoại của dân tộc.

Đảo Yến nhìn từ đất liền
Đảo Yến nhìn từ đất liền

Chẳng phải ngẫu nhiên mà từ xưa đến nay, Lệ Thủy luôn được coi là vùng đất địa linh nhân kiệt. Ít ai ngờ rằng, giữa vùng đất "Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình" này là cánh đồng màu mỡ mênh mông của hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, được bồi đắp bởi phù sa của Trường Sơn hàng năm lũ lụt mang về.

Rồi dòng sông, đã “ngỗ ngược” mà chảy ra hướng Bắc để người đời vẫn gọi là "nghịch hà". Bên dòng Kiến Giang, làng An Xá xã Lộc Thủy là một làng Việt cổ ở phía tây bắc Mũi Viết, thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy... Xa xa là dãy Trường Sơn, với ngọn núi “Đầu Mâu vượng khí” mang hình ngọn bút hướng ra phá Hạc Hải như nghiên mực, cảnh quan hưng thịnh với “Đầu Mâu vi bút, Hạc Hải vi nghiên, Trường Sơn vi bản”...

Cũng bởi địa linh nên vùng đất ấy đã sinh ra nhiều nhân kiệt. Những danh tướng, hiền tài như tiến sĩ Phạm Đại Kháng, Dương Văn An, Nguyễn Hữu Cảnh, Lê Đa Năng, Nguyễn Trường Cửu, Vũ Xuân Hán, Nguyễn Đăng Hành, Lê Đại, Võ Khắc Triển... Chỉ trong mấy trăm năm triều Nguyễn mà đã có đến 10 vị Thượng thư là người Lệ Thủy. Một cái Tổng Đại Phong nhỏ bé với vài địa danh như làng Đại Phong, Tuy Lộc, An Xá mà đã cống hiến cho đời cả chục con người kiệt xuất.

Toàn cảnh nơi an nghỉ của Đại tướng nhìn từ trên cao
Toàn cảnh nơi an nghỉ của Đại tướng nhìn từ trên cao

Nơi vùng đất địa linh ấy, có một con người đã được sinh ra, để rồi sau đấy trở thành vị tướng lĩnh tài ba, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dòng Kiến Giang cho tôm cá, cho nước ngọt lành nuôi sống bao người; và sông còn gắn với tuổi thơ êm đềm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chẳng phải thế mà mỗi lần về thăm quê, tướng Giáp đã từng đứng trên thuyền đi ngược dòng Kiến Giang, chỉ để ngắm nhìn những bờ bãi mướt xanh hoặc cúi mình vục đôi tay chai sần vì chiến trận để được dòng nước mát lành vỗ về như tìm lại kí ức tuổi thơ.

Trong rất nhiều bức ảnh quý giá về Đại tướng, thì đã có rất nhiều khoảnh khắc của ông với quê nhà Lệ Thủy. Mỗi bức ảnh là một “lát cắt” trong sợi dây tình cảm sắt son mà ông đã dành cho quê – nơi mình đã “chôn nhau cắt rốn”. Còn người dân miền Lệ Thủy luôn vẹn nguyên, nồng đượm, thủy chung với Đại tướng, với người con ưu tú đã trọn đời vì nước, vì dân.

Khu mộ Đại tướng
Khu mộ Đại tướng

Người làng An Xá vẫn còn truyền tai nhau câu chuyện về tướng Giáp, khi ông hãy còn là cậu bé con trèo lên cây mít ở góc vườn để tránh lũ. Sinh ra nơi vùng “rốn lũ”, Đại tướng thuở thiếu thời cũng như người dân vùng sông nước miền Lệ Thủy đã học được cách thích ứng với thiên tai. Và dường như cuộc chiến đấu để giành giật sinh mệnh với thiên nhiên khắc nghiệt đã mang đến cho người dân vùng đất này lòng can trường từ tấm bé. Đó như là những yếu tố góp phần hình thành nên tính cách sau này của vị tướng tài ba, lỗi lạc.

Con đường làng dẫn lối vào nhà lưu niệm Đại tướng thường ngày vẫn sạch sẽ, tinh tươm. Qua chiếc cổng gỗ, là ngôi nhà cấp bốn với ba gian nếp xưa nằm nép mình dưới những tán cây xanh bốn mùa xào xạc.

Kia là gốc mít, là cây khế hơn trăm tuổi… Đặt chân vào ngôi nhà, ở gian chính giữa là bàn thờ gia tiên, trên bàn thờ treo di ảnh hai cụ thân sinh của Đại tướng. Bộ bàn ghế, chiếc giường, những bức ảnh... ở nhà Đại tướng sau hàng chục năm vẫn vẹn nguyên bởi bàn tay chăm sóc tỉ mẩn của cụ Võ Đại Hàm (người gọi Đại tướng bằng ông thúc bá).

Cụ Hàm kể lại rằng, lúc còn khoẻ, mỗi lần về thăm quê, Đại tướng thường xuống xe đi bộ từ xa; chỉ để được trò chuyện với người già, con trẻ, bắt tay với mọi người. Trong ký ức của vị tướng huyền thoại luôn đầy ắp hình ảnh dòng Kiến Giang trong xanh, hiền hòa cùng làn điệu hò khoan Lệ Thủy.

Cụ Võ Đại Hàm kể về năm tháng tuổi thơ của Đại tướng bên cây khế trăm tuổi
Cụ Võ Đại Hàm kể về năm tháng tuổi thơ của Đại tướng bên cây khế trăm tuổi

Ngắm nhìn bao kỉ vật đơn sơ rồi lật giở những trang lưu niệm, tôi không nén nổi xúc động. Chính trong cuốn sổ đong đầy bao xúc cảm ấy, tôi đã bắt gặp nét chữ ngây thơ của những em nhỏ, dòng chữ run run của những cụ già; bắt gặp hình ảnh của những chiến sĩ bộ đội suốt cuộc đời luôn xem Đại tướng là người anh cả, những bà mẹ của bao miền khi một lần được ghé thăm nhà Đại tướng… Mỗi trang viết là một bầu tâm trạng nhưng đong đầy niềm kiêu hãnh, tự hào về con người tài ba đã một đời cống hiến, tận tâm cho quê hương, đất nước.

Rời làng An Xá với xiết bao tự hào, hãnh diện, trong rưng rưng xúc cảm; chúng tôi ra Vũng Chùa - đảo Yến giữa bốn bề thông reo. Xa xa, những con sóng bạc đầu cứ nối tiếp vào bờ như vỗ về tướng Giáp, ru mãi giấc ngủ ngàn năm.

Vũng Chùa nằm cách Đèo Ngang 7km về phía Nam, thuộc thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình). Nơi an nghỉ cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là ngọn núi Thọ, một phần thuộc dãy Hoành Sơn đâm ngang ra biển. Còn đảo Yến cách bờ khoảng 1km. 

Giữa đại dương bao la, đảo Yến nổi lên như viên ngọc xanh chưa mài dũa. Vẻ đẹp thơ mộng, nguyên sơ với diện tích chừng 10ha toát lên từ chính những hạt cát, rặng phi lao và cánh chim yến ríu rít chao liệng trên bầu trời. Những lúc bình minh hay chiều tà, khung cảnh ở đây đẹp mê hồn, chìm ảo như trong cổ tích.

Dịch bệnh đã khiến lượng khách tham quan khu mộ Đại tướng ít hơn, nhưng hàng tháng, vẫn có những đoàn khách về thăm viếng, dâng nén hương thơm tưởng nhớ công trạng của ông. Kể từ khi được chọn là nơi yên nghỉ của tướng Giáp, thì Vũng Chùa – đảo Yến đã là điểm đến trong bao chuyến hành hương về nguồn của mỗi người. 

Có những thời điểm, từ sáng sớm, hàng ngàn người đã đứng xếp hàng vào viếng mộ Đại tướng. Trong đoàn khách có mặt ở Vũng Chùa, tôi thấy rõ dáng hình những người con đất Mũi hay địa đầu tổ quốc Hà Giang với lòng thành kính, biết ơn.

Cổng và lối vào nhà Đại tướng
Cổng và lối vào nhà Đại tướng

Đã có lần tôi về thăm mộ Đại tướng, hai bên đường dẫn lên mộ, người dân xếp những bó hoa tươi (đủ các loài hoa của mọi miền đất nước) thành con đường hoa tuyệt đẹp để tưởng nhớ người con ưu tú của dân tộc. Đứng bên mộ Đại tướng, không ai nén nổi niềm rưng rưng xúc động. Anh Phan Hồng Văn, quê Quảng Trị tâm sự: Đại tướng là hình mẫu lí tưởng về đạo đức cách mạng, ý chí kiên cường; là người con nặng tình với quê hương… Học theo Bác, theo Đại tướng chính là rèn dũa đức tính về một con người liêm chính, phụng sự Tổ quốc…

Từ lúc sinh ra đến khi giã biệt cõi đời, đất và người Quảng Bình vẫn luôn ấp ủ, chở che, đi cùng tướng Giáp qua bao bão giông, khói lửa. Vũng Chùa là cực Bắc còn An Xá là cực Nam. Dòng Kiến Giang qua bao thác ghềnh mới ra biển cả, rồi lại xuôi về Vũng Chùa - đảo Yến. Từ An Xá đến Vũng Chùa đã là một vòng non nước Quảng Bình; đưa ta qua bao miền kí ức về người tướng lĩnh tài ba. Vòng tròn ấy của dòng nước tựa như vòng tròn sinh tử, vòng tròn của một đời người.

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.