Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Mùa “ăn rừng” ở Tây Nguyên

Lê Hường - 09:33, 21/09/2020

Tây Nguyên đang mùa mưa. Thời điểm này, người dân ở các tỉnh Tây Nguyên rất phấn khởi, bởi họ sẽ có thêm nguồn thu nhập khá từ sản vật trong rừng như măng, nấm, các loại rau rừng... Đây cũng chính là lý do, đồng bào Tây Nguyên gọi mùa mưa là mùa “ăn rừng”.

Đồng bào DTTS đi lấy măng rừng về nhập cho các cơ sở chế biến măng.
Đồng bào DTTS đi lấy măng rừng về nhập cho các cơ sở chế biến măng.

Bao đời nay, đồng bào Tây Nguyên có thói quen sống dựa vào rừng, nên họ nắm rõ quy luật sinh sôi, phát triển của các loại “lộc rừng”. Mùa mưa thì hái măng, lấy nấm và các loại rau rừng; còn mùa khô lấy bông đót bán kiếm thêm thu nhập.

Mùa mưa Tây Nguyên bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11 dương lịch. Đây là thời điểm măng và các loại nấm rừng sinh sôi phát triển, nên bà con các buôn làng vùng sâu được hưởng “lộc rừng” nhiều nhất trong năm. Cuộc mưu sinh trong rừng sâu vào mùa mưa tuy vất vả, hiểm nguy, nhưng tạo ra nguồn thu nhập khá cho bà con.

Khoảng thời gian từ tháng 6 - 11 hằng năm, cứ sáng ra chị Đỗ Thị Hiền, dân tộc Tày ở thị trấn Ea Sup, huyện Ea Sup (Đăk Lăk) lại gói cơm, mang nước cùng các chị em gần nhà đi dọc bìa rừng, bờ rẫy để lấy măng rừng. Một ngày, chị Hiền lấy được khoảng 40 - 50kg măng tươi các loại. Với giá bán trung bình 13.000 - 14.000 đồng/kg, mỗi ngày chị cũng thu 500.000 - 600.000 đồng.

Chị Hiền chia sẻ, măng rừng có rất nhiều loại: Măng le, nứa, lồ ô, trúc… nhưng ngon nhất vẫn là măng trúc. Măng trúc nhỏ nhưng chắc thịt, có độ thơm, ngọt nên có giá cao nhất. Công việc tìm và hái măng cũng lắm khó khăn, đường rừng rất khó đi, phải chui vào bụi nứa nhiều gai góc, bị muỗi vắt, ong đốt nên phải có kinh nghiệm thì mới tìm được nơi nhiều măng non và ngon. “Vất vả một chút nhưng quen rồi, lại có thu nhập nên cũng vui”, chị Hiền nói

Ngoài lặn lội hái măng, nhiều năm qua bà H’Phin Knul ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đăk Lăk) “săn” các loại nấm tự nhiên thơm ngọt, giàu dinh dưỡng như nấm mối, nấm hương, linh chi…

Bà H’Phin kể: Khác với hái măng, lấy nấm phải đi vào rừng từ sáng sớm khi nấm mới nhú lên khỏi mặt đất, đầu nấm tròn nguyên, nhẵn nhụi thì mới ngọt, ngon. Đến trưa nấm nở to rồi không còn độ giòn, ngọt nữa. Đặc biệt, lấy nấm phải trời hanh ráo vì mưa xuống nấm bị dập nát không thể sử dụng. “Quan trọng nhất là người hái nấm phải biết phân biệt nấm độc, nên chỉ hái nấm mình đã biết, tuyệt đối không lấy nấm lạ, vì nếu phải nấm độc sẽ rất nguy hiểm”, bà H’Phin chia sẻ.

Mùa “ăn rừng” không chỉ tạo nguồn thu cho đồng bào DTTS vùng sâu, mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động. Huyện Đăk G’long là địa phương có nhiều cơ sở chế biến măng rừng lớn nhất tỉnh Đăk Nông. Cả dọc đường từ trung tâm huyện đến xã Đăk R’măng tấp nập cảnh mua bán, chế biến măng rừng.

Không có “nghề” đi rừng, nhưng bà Kiều Lê Thanh ở thôn 7, xã Đăk R’Măng cũng kiếm khoản tiền khá nhờ việc thu mua, chế biến măng rừng. Bà Thanh cho biết: Bà con ở đây chủ yếu đi lấy măng về bán tươi chứ không ai sơ chế, hay chế biến gì cả. Gia đình bà mua măng tươi, làm sạch luộc qua rồi đóng bao chờ thương lái đến lấy. Măng rừng chỉ thu hoạch trong mùa mưa vì măng mập, không bị đắng và xơ nên bà cũng tranh thủ thời tiết thuận lợi thì phơi khô để dành bán dịp tết giá cao hơn.

Măng là lâm sản phụ, được phép thu hoạch nên người dân có thể vào rừng thu hái. Tuy nhiên, để bảo vệ tài nguyên rừng, ngành Kiểm lâm tỉnh Đăk Nông cũng chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền cho người dân không chặt cây già và để lại một phần búp non để cây sinh sôi tạo nguồn lợi về lâu dài. Hiện nay, tỉnh Đăk Nông đang xây dựng kế hoạch đưa măng rừng khô thành thương hiệu để bà con vùng sâu phát triển kinh tế và địa phương phát triển du lịch.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.