Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Mùa canh lửa

Thanh Nguyễn - 18:22, 20/05/2021

Từ bao đời nay, mùa nắng đã trở thành mùa canh lửa ở khu vực miền Trung. Nắng nóng cùng với gió Lào biến vùng đất này trở nên khô rang, khiến hàng ngàn ha rừng đối mặt với nỗi lo giặc lửa. Chỉ một phút lơi là, một hành động tắc trách, thậm chí là chậm trễ… nhiều ha rừng sẽ chỉ còn lại lớp tro tàn.

Nỗ lực cứu rừng trong đêm tại Hà Tĩnh
Nỗ lực cứu rừng trong đêm tại Hà Tĩnh

Trắng đêm cứu rừng

Nhớ lại vụ cháy rừng thông 20 năm tuổi giữa năm 2020, người dân xã Diễn An, huyện Diễn Châu (Nghệ An) vẫn chưa hết bàng hoàng. Nắng nóng nhiều ngày kết hợp gió phơn Tây Nam thổi mạnh đã khiến cả khu rừng nằm gần đền An Dương Vương, sát quốc lộ 1A bùng cháy dữ dội. Đến nỗi, cả khu dân cư sát chân núi đã được lên kế hoạch để sơ tán nếu đám cháy không được khống chế và cháy lan rộng.

Để cứu rừng, các lực lượng chức năng huyện Diễn Châu đã phải huy động hàng ngàn người quanh khu vực. Nhưng mọi nỗ lực tiếp cận đám cháy, nỗ lực dập lửa… giữa đêm tối, vô cùng khó khăn do lớp thực bì dày, địa hình dốc… 

Ông Lê Mạnh Hiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu kể lại: Chúng tôi đã phải phát đường băng cản lửa ngay trong đêm để ngăn đám cháy lan rộng. Đêm ấy, các lực lượng gần như thức trắng để cứu rừng, nhưng lửa to quá, rừng vẫn bị thiệt hại nặng.

Cùng thời điểm đó, một vụ cháy rừng lớn cũng đã xảy ra tại xã Ân Phú, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) ngay trong đêm 29/6/2020. Đám cháy bùng phát từ 16h30 cùng ngày, nhưng sau đó lan nhanh sang khu vực rừng của các xã Sơn Long và Sơn Trà, thuộc huyện Vũ Quang.

Hôm ấy, cơ quan chức năng huyện Vũ Quang cùng người dân địa phương, đã có một đêm không ngủ vì rừng bị cháy. Và rồi, những nỗ lực chữa cháy dường như “vô vọng” do đám cháy ở vị trí đồi dốc, khó tiếp cận, lớp thực bì dày… được hỗ trợ từ gió phơn Tây Nam thổi mạnh, nên lan nhanh.

Một góc rừng khu vực Trung Bộ sáng rực giữa đêm tối do các đám cháy
Một góc rừng khu vực Trung Bộ sáng rực giữa đêm tối do các đám cháy

Đây chỉ là hai trong số nhiều vụ trắng đêm cứu rừng bị cháy ở vùng Trung Bộ. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của cơ quan chức năng và người dân sở tại, vẫn chỉ dừng lại ở mức ngăn không để đám cháy lan rộng. 

Nhiều ngày sau lửa tắt, lá phổi xanh đã trở nên nham nhở, đen thui… Một khoảnh rừng trơ trọi mà nếu được hồi phục, cũng phải mất đến hàng chục năm sau.

Tôi đã có nhiều dịp chứng kiến những nỗ lực cứu rừng và cảm tưởng rằng, nhiều khi, cơ quan chức năng và người dân như đang cố gắng trong “vô vọng”. Nói thế, bởi địa hình chữa cháy đa phần là dốc, lửa bùng phát mạnh… nên việc tiếp cận rất khó khăn. Rất nhiều vụ cháy rừng đã phải mấy mấy ngày đêm dập lửa, huy động hàng nghìn người tham gia giữa tiết trời nắng nóng… nhưng rồi rừng vẫn khó cứu.

Theo các cơ quan quản lí rừng thì, khi đã xảy ra cháy rừng thường rất khó cứu, khó chữa. Nếu có dập được lửa thì rừng cũng đã bị thiệt hại. Chưa kể còn ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của những người tham gia chữa cháy. Vì thế, việc ngăn ngừa, hạn chế để xảy ra cháy rừng vẫn là cách tốt nhất.

Cán bộ Đội Kiểm lâm cơ động Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) trực chòi canh lửa giữ rừng
Cán bộ Đội Kiểm lâm cơ động Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) trực chòi canh lửa giữ rừng

Khó chống chọi với 'giặc lửa"

Trung Bộ mùa nắng không chỉ có đặc sản gió Lào cùng cái nắng cháy da. Nơi đây còn có một “đặc sản” mang tên... cháy rừng. 

Mỗi mùa nắng về, có những thời điểm, cả dải đất Trung Bộ sáng rực bởi lửa rừng, bởi khói bụi, bởi rất nhiều vụ cháy rừng xảy ra cùng một lúc... Thậm chí có những vụ cháy rừng liên huyện khiến cả tỉnh “quay cuồng” dập lửa. 

Theo thống kê sơ bộ, mỗi năm, Trung Bộ có hàng chục vụ cháy rừng, hủy hoại hàng trăm ha rừng các loại. Nguyên nhân khách quan được cho là do thời tiết nắng nóng liên tục. Nhiệt độ cao kết hợp với độ ẩm thấp khiến cho các cánh rừng dễ dàng bắt lửa.

Bên cạnh thời tiết, thì các yếu tố tự nhiên khác cũng khiến cho Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng, các tỉnh miền Trung nói chung khó chống chọi với “giặc lửa”. Thực tế thì chất lượng rừng nằm trong các yếu tố này. Chất lượng rừng tại miền Trung với nhiều diện tích thông, tràm, tre nứa… rừng non khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, đều thuộc loại dễ cháy.

Thêm một lí do mang đặc tính vùng miền, rằng đồng bào ở miền núi nơi đây có thói quen đốt rừng làm nương rẫy. Ở miền xuôi, bà con thường đốt rơm rạ, đốt quang thực bì, đốt rác trong vườn cạnh khu rừng trồng, hun khói để lấy mật ong... 

Rất nhiều vụ cháy rừng là do bất cẩn, vô ý từ các lí do này… Và cũng có những vụ cháy rừng có mục đích phá hoại nhằm trả thù cá nhân.

Để có được những cánh rừng xanh mướt là tất cả sự nỗ lực và cố gắng lớn
Để có được những cánh rừng xanh mướt là tất cả sự nỗ lực và cố gắng lớn

Nghề giữ rừng lắm nỗi truân chuyên.

Hiện nay, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) đã có hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành được củng cố và hoàn thiện tới cấp xã. Song trên thực tế, việc kiểm soát PCCCR hiệu quả chưa cao, là do thiếu hệ thống quản lý chặt chẽ từ Trung ương xuống cơ sở về lĩnh vực này; việc chỉ đạo, điều hành chậm do không nắm bắt được thông tin kịp thời, chính xác, thiếu phương tiện, trang thiết bị chỉ đạo, chỉ huy; thiếu lực lượng chữa cháy rừng chuyên trách…

Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư cho việc PCCCR rất hạn chế; phương tiện, trang thiết bị vừa thô sơ, lạc hậu, vừa thiếu, chỉ có một số máy bơm công suất nhỏ và chủ yếu là dụng cụ chữa cháy thủ công như cuốc, xẻng, dao phát… Hầu hết các vụ cháy rừng xảy ra vào thời điểm nắng nóng kéo dài, gió thổi mạnh, địa hình phức tạp nên ngay cả khi phát hiện kịp thời thì công tác chữa cháy vẫn bị động. 

Chế độ đãi ngộ với lực lượng tham gia chữa cháy chưa cụ thể, rõ ràng nên chưa động viên, khuyến khích mọi lực lượng tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy rừng một cách chủ động và tích cực. Các tỉnh Trung Bộ có đến hàng trăm nghìn ha rừng thông, rừng hỗn hợp. Trước khi bước vào mùa nắng nóng, việc phát dọn thực bì để hạn chế nguy cơ xảy ra cháy được tiến hành chưa được nhiều do chủ rừng thiếu kinh phí.

Chúng tôi được nghe cán bộ Kiểm lâm địa bàn kể rằng, nghề Kiểm lâm là nghề nhảy vào lửa. Mà đúng thế thật. Khi phát hiện cháy rừng, kiểm lâm là lực lượng nòng cốt lăn xả hàng đầu để chiến đấu với giặc lửa, cứu màu xanh cho rừng. 

Ông Nguyễn Văn Long, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình trút nỗi niềm: "Nghề giữ rừng lắm nỗi truân chuyên. Mùa canh lửa rừng đầy những vất vả, khó khăn. Dẫu thế nhưng khi những khoảnh rừng được cứu trước nguy cơ bị lửa thiêu rụi, ai cũng vui; xem đó như động lực để gắn bó với nghề".

Tin cùng chuyên mục
Trăn trở về một miền di sản: Gặp những người “níu giữ” di sản (Bài 2)

Trăn trở về một miền di sản: Gặp những người “níu giữ” di sản (Bài 2)

Trăn trở, đau đáu với những giá trị, bản sắc văn hoá của dân tộc trước nguy cơ mai một, biến mất… những người có trách nhiệm đã đánh cược với thời gian, chỉ để níu giữ di sản cho hậu thế.