Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Du lịch

Mùa dâu da rừng

Thùy Giang - 11:59, 13/06/2024

Khi những cơn mưa nắng bất chợt dường như làm cho những trái dâu da rừng chín nhanh hơn. Mới ngày nào, những chùm quả còn xanh non mà chỉ vài ngày mưa không đi rừng, đã thấy chuyển sang trắng hồng như má sơn nữ son trẻ...

Dâu da rừng trù mật
Dâu da rừng trù mật

Phải đi cả nửa ngày rừng, chúng tôi mới đến khu có những cây dâu da cổ thụ này. Quần áo chàm, váy Mông của đứa nào đứa nấy đều lấm lem hết cả. Nhưng bù lại là quang cảnh diệu kì bỗng hiện ra trước mắt. Những chùm dâu da rừng đỏ ửng, sai lúc lỉu. Từng chùm quả, từng chùm quả mọc sát nhau dọc thân và cành cây, cảm giác chật ních, trù mật. Vậy mà quả nào quả nấy vẫn to, tròn đều, căng mọng.

“Ôi chao, thích con mắt quá!” – cả mấy đứa cùng reo lên. “Nếu cái cây này mà ở trước sân nhà, chắc chúng ta không hái đâu, để cho đẹp nhỉ?” – một đứa lại tiếc rẻ, không muốn vặt, không muốn làm mất đi vẻ đẹp diệu kì của tạo hoá. “Nhưng vì ở giữa rừng, không có người đến ngắm, nên mình hái về cho mọi người ăn chứ. Để lại thì mưa nhiều cũng hỏng, rụng đầy gốc thôi.”- tôi giải thích.

Rồi tôi bỏ áo khoác, đeo túi vải thổ cẩm chéo lên vai, thoăn thoắt trèo lên cây hái những chùm quả chín nhất, mọng nhất. Tôi hái đến khi túi đầy thì chuyển xuống cho thằng bạn ở dưới lấy. Nó đưa cho tôi cái túi của mình, nhờ hái hộ. Tôi vẫn được lũ bạn khen là đứa trèo cây giỏi nhất bản Sín Thầu này mà. Rồi tôi hái cho cả mấy đứa con gái, mỗi đứa một cái túi nhỏ. Tôi hái đầy sáu, bảy túi rồi mà chẳng thấy cái cây vơi quả đi là bao. Sao lại có loại cây giàu có thế, ưu ái người núi quê mình thế. Hái xong cả chục túi thổ cẩm đầy quả thì cũng là lúc mặt trời lên cao sau rặng núi. Mấy đứa lấy ra một chùm quả nhấm nháp. Ăn suốt mười mấy năm tuổi thơ mà mùa nào ăn lại cũng thấy ngon như mùa đầu tiên. Tôi và mấy đứa con trai đã ăn hết mấy quả thì mấy bạn gái mới tách từng miếng vỏ hồng, từ từ lấy từng múi quả mọng nước trong veo như ngọc, ngắm nhìn, rồi mới thích thú ăn. Mẩy Thanh lúc nào cũng thế, cũng cảm nhận thật chậm về mọi thứ xung quanh mình. Rồi thi thoảng bật lên thành lời, trầm trồ khen về mọi thứ ở xứ núi này: “Ngọt thật đấy! Như thể cây càng già, càng cổ thụ thì quả càng ngon hơn.”

Trái dâu da rừng
Trái dâu da rừng

Dâu da rừng thường vẫn có vị chua chua, ngọt ngọt, thanh mát. Chỉ là quả xanh thì chua hơn, quả chín mọng thì ngọt hơn. Người bản đi rừng, đi làm nương rẫy ngang qua cây dâu da, khi khát nước chỉ cần hái một chùm quả, ngồi dưới gốc cây mát nhâm nhi thì cơn khát, cơn nóng cũng qua đi. Người vùng cao là thế, gắn bó cuộc đời với núi, với rừng, với những con đường lặng yên. Nhưng núi rừng cũng nuôi dưỡng, ban tặng cho con người bao món quà quý. Tôi thầm nghĩ dâu da rừng cũng là một trong số những món quà quý đó.

Ăn xong, tôi đứng lên lấy dao cạo ít rêu bám quanh thân cây. “Cứ chịu khó làm thế này là sang năm tha hồ mà ăn các bạn ơi!”- Tôi vừa vui vẻ làm vừa gọi mấy đứa bạn làm cùng. Lũ bạn tôi hoài nghi, tò mò. Tôi chậm rãi kể lại lời ông dạy. Ông bảo năm nào cũng vậy, cứ hái quả xong nhớ cạo ít rêu bám quanh gốc cây đi thì năm sau cây sẽ lại ban cho nhiều quả to, ngon ngọt. Ông còn dặn hái đủ ăn thôi, để phần cho người khác. Hoặc nhà nào khó khăn thì để nhà đó hái nhiều về ra chợ bán cho người dưới phố.

Những trái dâu da chín hồng mọc thành chùm từ thân cây.
Những trái dâu da chín hồng mọc thành chùm từ thân cây.

Giờ nghĩ lại, tôi mới thấy đúng là như thế thật. Cây dâu da này, tôi đi hái với ông suốt từ ngày còn nhỏ. Từ hồi ấy, tôi đã thấy ông làm như vậy và sau này, mỗi năm trở lại khu rừng có cây dâu da đó, tôi đều thấy cây to cao lên thì quả cũng nhiều lên. Quả bao bọc lấy xung quanh thân cây, rồi lan tràn ra cả các cành to. Quả đậm đà, vị ngọt và thanh mát. Mấy đứa bạn thấy tôi làm, cũng đứng dậy vui vẻ làm cùng. Việc “làm đẹp, làm sạch” cho cây tinh tươm, cũng là lúc mặt trời chênh chếch xuống núi, chúng tôi rủ nhau ra về. Đứa nào đứa nấy mang về, chia cho hàng xóm gặp ngay ngõ một ít rồi mang về nhà cho ông bà, bố mẹ, anh chị em. Tôi thích cảm giác khi đem cho mấy đứa em nhỏ quanh bản, đứa nào cũng tít mắt, cười giòn tan, ăn mà chẳng kêu chua gì. Chia hết một lượt mà vẫn còn cả túi to nên mấy đứa lại rủ nhau sáng mai mang xuống chợ phiên bán.

Chợ phiên vùng cao là nơi có bán nhiều sản vật thức quà của núi rừng
Chợ phiên vùng cao là nơi có bán nhiều sản vật thức quà của núi rừng

Nói là làm, từ sáng sớm, lũ chúng tôi mặc đồ con trai Mông, mấy đứa con gái mặc váy thổ cẩm xoè, chân quấn xà cạp, đi chợ phiên. Chợ phiên vui lắm, khi những tia nắng đầu tiên chiếu xuống cũng là lúc chợ đông nghít những người qua lại, những sản vật núi rừng, những chiếc bánh giày, những bát phở nóng, những tiếng rèn dao đanh đanh góc chợ, cả tiếng những chú chim hót nơi góc chợ… Trong chợ phiên mùa này vẫn còn nhiều dưa mèo, lác đác mấy quả mận, đào còn sót lại từ cuối hè, có thêm mắc cọp, mắc ca… Dâu da nằm lặng lẽ khiêm nhường bên những loại hoa quả khác. Thế nhưng những cô bé, cậu bé dưới phố huyện được bà, được mẹ dắt đi chợ vẫn sà vào hàng dâu da của chúng tôi. Mấy đứa nhỏ hỏi bà, hỏi mẹ: Đây là quả gì? Các bà, các mẹ là người Tây Bắc thì đa số đều biết tên. Những ai không biết mà phải hỏi lại là chúng tôi biết ngay, họ ở miền xuôi lên rồi.

Những chùm dâu da rừng bày bán bên đường. Ảnh Hạ Đức
Những chùm dâu da rừng bày bán bên đường. Ảnh Hạ Đức

Mẩy Thanh được chúng tôi giao cho việc bán hàng chính. Mấy đứa con trai phụ giúp phía sau. Mẩy Thanh chầm chậm nói để các cô bác nghe rõ được tên quả mà ghi nhớ. Rồi Mẩy Thanh sẽ đưa cho mọi người nếm thử chùm quả mà không phải trả tiền. Ăn thử rồi thì ai mua hãy mua. Thanh hướng dẫn cách bóc vỏ, cách ăn: “Bác có thể nuốt cả hạt cũng không sao đâu. Quả này cho vào nấu canh chua, làm nộm cũng ngon lắm. À, nếu bị con gì đốt, còn có thể bôi vào da cho nhanh khỏi nữa bác ạ”. Chúng tôi liếc nhìn cô bạn gái, sao mà cái gì bạn ấy cũng biết thế nhỉ. Mẩy Thanh bán hàng giỏi, lại còn thảo. Bán được tiền hay không được tiền thì chúng tôi vẫn thấy vui lắm, vì giúp cho người vùng khác biết thêm về Tây Bắc. Ai mua, Mẩy Thanh cũng cho thêm một chùm nhỏ. Các cô, các bác ai nấy cũng vui, cũng khen Mẩy Thanh tốt bụng và cảm ơn ra về sau một phiên chợ rất vui.

Những trái dâu da rừng thanh mát là thức quà của miền núi
Những trái dâu da rừng thanh mát là thức quà của miền núi

Lúc nắng lên cao cũng là lúc cả nhóm bán hết cả gùi dâu da xoan. Mẩy Thanh trêu chúng tôi là không phải tốn sức gánh về nữa nhé. Mấy đứa rủ nhau vào quán ăn cây kem cho đỡ nóng, rồi mua ít vở, mấy cái bút bi, trở về chuẩn bị năm học mới. Cứ như thế, tuổi thơ của những đứa trẻ vùng cao có hương vị dâu da xoan. Những thứ thật bình dị, nhưng đi theo mỗi người hết cả một đời.

Một ngày, nếu ai đó vẫn thấy dâu da xoan đỏ hồng sẫm dưới chợ, đó là một ngày cõi núi vẫn bình yên, vẫn hoang sơ, vẫn còn những gốc dâu da xoan cổ thụ, vẫn những người qua lại hái ít quả, cạo đi một ít rêu, và có khi cũng đang nhân giống, để mọc lên những hàng dâu da xoan non mới, giữ đất, giữ rừng ở vùng biên cương của Tổ quốc.

Tin cùng chuyên mục
Về thôn Tha ngắm sắc vàng

Về thôn Tha ngắm sắc vàng

Là nơi định cư lâu đời của đồng bào dân tộc Tày, thôn Tha, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang vừa được công nhận là thôn hoàn thành các tiêu chí xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Vào thời điểm tháng 6 này, khách ghé thăm thôn Tha sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp quyến rũ bởi sắc vàng của cánh đồng lúa chín sát ngay những nếp nhà sàn cổ mộc mạc, được trải nghiệm nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Tày nơi đây.