Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

“Mua nước” đêm giao thừa

PV - 10:41, 11/02/2019

Mỗi dịp Tết đến, người Sán Dìu ở Quảng Ninh cũng náo nức trông chờ thời khắc giao thừa như bao dân tộc khác. Ngoài việc thu vén vẹn toàn công việc đồng áng, nương rẫy, sửa sang nhà cửa, chuẩn bị lễ Tết, họ không thể không thực hiện một nhiệm vụ quan trọng là chuẩn bị công việc “mua nước” trong đêm giao thừa.

Người Sán Dìu quan niệm đi “mua nước” từ con suối, con khe hoặc mương, lạch thiên nhiên nơi gần nhà nhất vào thời khắc giao thừa là để mang sự may mắn, tốt đẹp về nhà vào năm mới. Đi “mua nước” đêm giao thừa của người Sán Dìu không phải mua bằng tiền bạc trần dương mà họ “mua” bằng lễ vật, bằng cả lòng thành tín của họ và gia đình họ.

Các phụ nữ người Sán Dìu trổ tài gói bánh ngày Tết. Các phụ nữ người Sán Dìu trổ tài gói bánh ngày Tết.

Trước đó vài ngày, người Sán Dìu đã lựa chọn địa điểm phù hợp, dọn sạch sẽ quãng suối, khe hoặc mương, lạch gần nhà, nơi mà dự kiến sẽ đến “ mua nước ” vào đêm giao thừa; chuẩn bị đôi thùng gánh nước (được dán giấy đỏ), chuẩn bị một bó đuốc, lễ mọn gồm một xắt bánh chưng, một tờ tiền vàng giấy mã, một nén hương và một chén rượu trắng; trước lúc giao thừa, mỗi gia đình cử 02 người mạnh khỏe (có thể một nam, một nữ, cũng có thể cả hai là nam giới) có năm tuổi hợp với việc xông nhà của gia chủ, mang theo lễ vật đến nơi “mua nước”.

Họ tính toán độ dài, khoảng cách đường và thời gian đến nơi “mua nước” sao cho đúng thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới để họ có thể có mặt và đặt lễ “ mua nước ” được kịp thời. Do vậy, trước thời khắc giao thừa, họ quẩy đôi thùng đã được chuẩn bị trước và mang theo lễ vật đi “mua nước”. Đến nơi, họ đặt lễ vật bên cạnh dòng nước theo trình tự: Tờ tiền vàng được đặt xuống trước (thường được để trong một tàu lá chuối, lá dong...), rồi đặt xắt bánh chưng lên tờ tiền vàng, chén rượu trắng đặt bên cạnh xắt bánh chưng, thắp hương, rót rượu và khấn bài khấn “ mua nước ” bằng tiếng Sán Dìu, đại ý là: Gia đình họ có chút lễ mọn mang đến đổi cho Hà Bá, Thủy Thần để lấy hai thùng nước trong vắt, đầy tràn, gánh về nhà đổ vào chum, vào vại, cả nhà cùng uống, cùng ăn, cùng mạnh khỏe, có sức khỏe như Thủy Thần, mùa màng tươi tốt, thóc gạo nhiều như nước, con cháu đề huề, sung túc, an vui,…

Các chàng trai, cô gái dân tộc Sán Dìu hát Soọng cô. Các chàng trai, cô gái dân tộc Sán Dìu hát Soọng cô.

Khấn xong, họ cắm nén hương trên xắt bánh chưng và vái bốn phương trời như để mong được trời, đất chứng giám cho lòng thành và điều cầu mong đầu năm của họ. Trên đường gánh nước về, cầm ngọn đuốc sáng rực soi đường, người đi bên cạnh có nhiệm vụ bẻ hai cành lộc thả vào hai thùng nước; và họ thường hát: Năm mới tôi đi gánh lộc về nhà/Sức mạnh được Thủy Thần ban tặng/Tiền của được núi rừng ban cho/Cháu con được Trời, Phật độ/Năm mới phải giữ nguồn nước sạch/Năm mới phải giữ xanh núi rừng/ Năm mới phải cảm ơn Trời, Phật!...

Lời bài hát như tự nhủ rằng: Mọi thứ trong cuộc sống ngoài việc do bàn tay và khối óc của con người tạo ra thì trước đó chủ yếu là được thiên nhiên và các thần linh ban tặng, do vậy mình phải gương mẫu sống tốt, tuyên truyền cho con cháu, mọi người phải biết nâng niu, bảo vệ các nguồn lực thiên nhiên, tài nguyên môi trường như rừng, núi, cây xanh, nguồn nước...; phải biết trân quý các giá trị tự nhiên và cảm ơn Trời, Phật.

Và người xông nhà năm đó chính là hai người đi gánh nước mà sau khi họ đã “mua” về. Người xông nhà đầu năm không chỉ đi “mua nước” về nhà mà còn mang theo bó đuốc ấm áp, sáng rực, biểu trưng cho sức mạnh, tài lộc, vượng phúc cho gia chủ năm đó.

Có thể khẳng định, “ mua nước ” là một phong tục mang tính văn hóa đặc sắc, có giá trị lớn đối với đời sống tinh thần của đồng bào Sán Dìu ở Quảng Ninh nói riêng và đồng bào Sán Dìu đang sinh sống trên địa bàn các tỉnh của cả nước nói chung. Mong rằng, nét văn hóa này tiếp tục được thế hệ trẻ người Sán Dìu trân trọng bảo tồn và phát huy.

ÂN THỊ THÌN

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.