Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Mùa Xuân của người Mã Liềng

Q.Chi- Lâm Phương - 15:02, 02/02/2021

Từng có thời gian dài, người Mã Liềng (dân tộc Chứt) tỉnh Quảng Bình sống tách biệt trong rừng sâu, hang đá. Đói nghèo, bệnh tật làm họ suy kiệt dần, đứng trước nguy cơ giảm sút về dân số. Nhờ các chính sách của Đảng và Nhà nước đã đưa đồng bào trở lại với những mùa Xuân…

Cán bộ xã Lâm Hóa hướng dẫn người dân Mã Liềng ở bản Kè sử dụng chảo bắt sóng ti vi
Cán bộ xã Lâm Hóa hướng dẫn người dân Mã Liềng ở bản Kè sử dụng chảo bắt sóng ti vi

Đẩy lùi quá khứ

Những ngày giáp tết Nguyên đán, chúng tôi đến thăm đồng bào Mã Liềng ở các xã vùng cao Lâm Hóa, Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Đồng bào Mã Liềng hối hả, tất bật đua với thời gian, hoàn tất những công việc cuối năm, đặc biệt là cấy xong vụ Đông - Xuân để an tâm đón Xuân mới.

Có dịp cùng ăn, cùng ở với người Mã Liềng, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi những khát vọng thay đổi, bởi sức sống mạnh mẽ của người dân nơi đây. Trước năm 1991, người Mã Liềng vẫn sống du canh, du cư, chủ yếu sống trong rừng và hang đá. Những phong tục tập quán lạc hậu, bệnh tật, nghèo đói đeo bám dai dẳng, khiến dân số của người Mã Liềng có nguy cơ giảm sút. Sau một thời gian, được cán bộ tuyên truyền, vận động, Nhà nước chăm lo xây nhà, tạo sinh kế, đồng bào đã mạnh dạn ra khỏi rừng để định canh, định cư.

Bí thư Đảng ủy xã Lâm Hóa Trương Tư Thoan nhớ lại, năm 1993, hàng loạt ngôi nhà mọc lên tại các bản định canh, định cư Cà Xen, Bạch Tài, Kè, Cáo, Chuối. Tuy nhiên, chuyện vận động đồng bào về an cư tại vùng đất mới không phải dễ dàng. Ngày mới về làng định cư, nhiều người không quen với nhà do chính quyền xây dựng, vì cho rằng, không phù hợp với truyền thống văn hóa, tâm linh của dân tộc mình, rồi nhớ rừng, nhớ núi… lại bỏ vào hang đá, trở lại cuộc sống hoang dã ở rừng sâu.

Chính quyền địa phương lại phải cắt cử người vào rừng để vận động, thực hiện những cuộc “cách mạng tư tưởng” để đón bà con trở lại bản, làm cho đồng bào tin tưởng vào Đảng, vào Nhà nước để ở lại.

Cuộc “cách mạng” toàn diện

Một cuộc “cách mạng” toàn diện được triển khai. Từ đây, bà con được hướng dẫn cách trồng lúa nước, trồng rừng, làm kinh tế... Trẻ em được cô giáo đến tận nhà đón đến trường học, được chăm sóc y tế. Điện, đường, trường, trạm xá được Nhà nước tiếp tục đầu tư đồng bộ khang trang và đủ đầy.

Để tạo sinh kế, xóa đói giảm nghèo, hằng năm, đồng bào được hỗ trợ 100% giống cây, con các loại và phân bón để sản xuất, đồng thời, được cán bộ tận tình hướng dẫn cách gieo trồng, canh tác hiệu quả.

Đặc biệt, nguồn vốn từ Dự án SRDP. ICCO, Chương trình 135, Chương trình xây dựng NTM, nguồn vốn theo Quyết định 2086/QĐ-TTg… được triển khai đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện cho người dân phát triển nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt, phù hợp với tập quán canh tác, mang lại hiệu quả rất thiết thực. Hằng năm, vào những ngày giáp Tết, cán bộ chính quyền địa phương đều chuẩn bị những suất quà để tặng, hỗ trợ bà con đón Tết đầm ấm, đầy đủ hơn.

Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của các cấp, các ngành, tình người trong cộng đồng, rồi cũng ngấm dần ngấm dần vào từng người, từng gia đình. Bà con ngày một vui mừng, phấn khởi, có thêm động lực để vượt lên gian khó. Cho đến cuối năm 1999, những bản mới của đồng bào Mã Liềng dần đi vào nền nếp, “an cư, lạc nghiệp”.

Ông Cao Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa cho biết: Sau gần 30 năm định canh, định cư, dân số tại các bản Cáo, Kè, Chuối dần ổn định và phát triển được 138 hộ, 570 khẩu. Điều đặc biệt, nhiều người Mã Liềng đã hòa nhập rất nhanh vào cuộc sống mới, trong số 117 đảng viên toàn Đảng bộ xã, có 18 đảng viên người Mã Liềng.

“Những đảng viên này đang là những “hạt giống đỏ” cắm bản, chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, giúp củng cố vững chắc lòng tin giữa đồng bào với Đảng, chính quyền các cấp”, Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa chia sẻ.

Theo Chủ tịch xã Lâm Hóa, người Mã Liềng có được ngày hôm nay là nhờ ơn Đảng, ơn Nhà nước.