Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Thừa Thiên Huế: Lan tỏa mạnh mẽ phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”

Khánh Ngân - 08:21, 11/07/2024

Sau gần 2 năm phát động, phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã lan tỏa mạnh mẽ từ miền xuôi lên miền ngược. Công cuộc xóa đói giảm nghèo đã huy động được nguồn lực của toàn xã hội. Hơn hết, phong trào đã xây dựng được nền tảng tự lực, tự cường trong hộ gia đình nghèo vươn lên thoát nghèo.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế - Phan Ngọc Thọ trò chuyện với các già làng, Người có uy tín, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố của huyện A Lưới trong lễ phát động phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ trò chuyện với các già làng, Người có uy tín, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố của huyện A Lưới trong lễ phát động phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”

Phong trào lan tỏa mạnh mẽ

Ngày 25/10/2022, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã phát động phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”. Huyện A Lưới được chọn làm điểm mở đầu cho phong trào này. Đến nay, 9/9 huyện, thị xã và Tp. Huế đã tổ chức lễ phát động phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo, với tổng 131/141 xã, phường, thị trấn ở Thừa Thiên Huế đã tổ chức Lễ phát động.

Phong trào này đã huy động được nguồn lực của toàn xã hội vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Thông qua các buổi lễ phát động, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động được gần 6 tỷ đồng để hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở, tặng các mô hình sinh kế cho các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Quỹ Vì người nghèo các cấp đã huy động được 15,683 tỷ đồng đã giúp người nghèo xóa nhà tạm, xây dựng Nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ vốn sản xuất,…

Sau gần 2 năm phát động phong trào, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ sửa chữa, xây dựng 438 ngôi nhà, hỗ trợ vốn sản xuất cho 231 hộ nghèo…, với tổng trị giá trên 20 tỷ đồng

Để góp phần lan tỏa mạnh mẽ phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo", Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng bản đồ số về các hộ nghèo không có khả năng lao động. Hiện nay, đã có hơn 4.000 hộ nghèo thuộc diện cần hỗ trợ.

Bên cạnh đó, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thông qua các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, các nhóm Zalo để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về giảm nghèo bền vững. 

Đồng thời, chú trọng cung cấp thông tin cho các trưởng họ, trưởng tộc, Người có uy tín về công tác giảm nghèo bền vững. Các thông tin về đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế được cung cấp đầy đủ, chính xác để các dòng họ, dòng tộc, Người có uy tín chủ động tuyên truyền và vận động các thành viên trong gia đình, dòng họ, làng, bản mình.

Khởi đầu từ huyện nghèo A Lưới, đến nay đã có 9/9 huyện, thị ở Thừa Thiên Huế tổ chức lễ phát động phong trào “Dòng Họ, làng, bản không có hộ nghèo”.
Khởi đầu từ huyện nghèo A Lưới, đến nay đã có 9/9 huyện, thị ở Thừa Thiên Huế tổ chức lễ phát động phong trào “Dòng Họ, làng, bản không có hộ nghèo”

Đến nay, 100% dòng họ, dòng tộc của các địa phương cam kết không phát sinh hộ nghèo trong dòng họ, dòng tộc. Các dòng họ, dòng tộc trên địa bàn tỉnh đã chú trọng công tác huy động các nguồn lực từ con cháu trong các dòng họ, dòng tộc để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở, tặng quà cho các hộ nghèo, vận động con cháu tham gia học nghề, tìm việc làm để thoát nghèo bền vững.

Hiệu quả giảm nghèo rõ rệt

Từ phong trào “Dòng họ, làng, bản không còn hộ nghèo” do Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế phát động. Các dòng họ, làng bản trên địa bàn đã tổ chức vận động, quyên góp tương trợ để hộ nghèo từng bước thoát nghèo. Cùng với đó, ý thực tự cường vươn lên thoát nghèo cũng được hình thành trong mỗi hộ nghèo.

Với phương châm “lá lành đùm lá rách”, dòng họ Lê Khắc ở xã Phong Hòa, huyện Phong Điền đã vận động con cháu chung tay giúp đỡ hộ nghèo. Từng bước dìu dắt hộ nghèo trong lao động sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế, tự lực vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, động viên nhau tạo điều kiện tốt nhất cho con cháu vươn lên trong học tập để lập thân, lập nghiệp làm rạng danh dòng tộc.

Ông Lê Khắc Quân, đại diện họ Lê Khắc ở làng Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) cho biết: Sau khi Đảng ủy xã Phong Hòa phát động phong trào, dòng họ Lê Khắc đã vận động các gia đình chung tay giúp đỡ những hộ nghèo, neo đơn trong dòng họ. Cụ thể, năm 2023 họ Lê Khắc đã trao quà cho 4 hộ neo đơn, hỗ trợ 2 hộ nghèo sửa chữa lại nhà ở. "Dòng họ Lê Khắc làng Ưu Điềm quyết tâm trở thành dòng họ không có hộ nghèo vào năm 2024”.

Phong trào “Dòng Họ, làng, bản không có hộ nghèo” do Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế phát động đã huy động được nguồn lực của xã hội chung tay vào công cuộc xóa đói giảm nghèo
Phong trào “Dòng Họ, làng, bản không có hộ nghèo” do Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế phát động đã huy động được nguồn lực của xã hội chung tay vào công cuộc xóa đói giảm nghèo

Cùng với dòng họ Lê Khắc, các dòng họ khác ở huyện Phong Điền cũng hưởng ứng và tham gia có hiệu quả phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo". Nhờ đó, những hộ nghèo ở huyện Phong Điền nhận được nguồn lực hỗ trợ của cả cộng đồng. Từ đó, hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo ở Phong Điền cũng giảm sâu, chỉ còn 0,06% hiện nay, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo ở toàn tỉnh Thừa Thiên Huế giảm từ 3,56% (năm 2022) xuống còn 2,79% (năm 2023).

Tại huyện vùng cao A Lưới, phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” lan tỏa mạnh mẽ và tác động tích cực trong đời sống đồng bào các DTTS. Đội ngũ các trưởng họ, trưởng tộc, già làng, trưởng bản và Người có uy tín đã trở thành lực lượng tiên phong trong phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi để thoát nghèo. Trong cộng đồng đồng bào các DTTS ở A Lưới, xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình về tự lực vươn lên thoát nghèo. 

Hộ gia đình anh Trần Văn Nghiệp tại thôn Đút 1, xã Hồng Kim (A Lưới) là một ví dụ điển hình. Thông qua phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” và nguồn lực hỗ trợ sinh kế trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, gia đình anh Nghiệp được hỗ trợ 2 con bò vàng giống sinh sản để nuôi. Đến giữa năm 2024, 2 con bò giống của gia đình anh đã sinh sản thêm 2 con bê. Từ sự tiếp sức quý báu đó, gia đình anh Nghiệp đã có thêm động lực để hăng say lao động sản xuất. Gia đình anh còn trồng thêm keo tràm, nuôi cá…, để phát triển kinh tế và nay trở thành hộ khá trong bản.

Thừa Thiên Huế: Hiệu quả từ phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” 3
Mô hình sinh kế nuôi bò vàng sinh sản đã giúp nhiều hộ đồng bào DTTS ở huyện A Lưới thoát nghèo bền vững

Chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Huỳnh Công Quảng - Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện A Lưới khẳng định: “Sau gần 2 năm thực hiện, phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Các tầng lớp Nhân dân, nhất là đồng bào DTTS đồng tình, hưởng ứng. Hầu hết số hộ nghèo, cận nghèo thay đổi nếp nghĩ, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bằng chính nội lực của mình. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện A Lưới đã giảm xuống mức đủ điều kiện để thoát khỏi danh sách huyện nghèo quốc gia”.