Hiện nay, người Mảng là một một trong 14 dân tộc có dân số rất ít người của nước ta (dưới 10.000 người) cư trú chủ yếu tại tỉnh Lai Châu và Điện Biên. Ở Lai Châu, người Mảng sinh sống tại 3 huyện Sìn Hồ, Mường Tè và Nậm Nhùn. Tại huyện Nậm Nhùn, người Mảng có trên 6.000 người, sinh sống tại các xã Trung Chải, Nậm Pì, Hua Bum, Nậm Ban, Nậm Hàng.
Dân tộc Mảng tại huyện Nậm Nhùn có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, từ trang phục, tập quán sinh hoạt, lễ tết, cưới xin và nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống đặc sắc. Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 17/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030; cũng như việc thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG), huyện Nậm Nhùn đã luôn ưu tiên quan tâm thực hiện các hoạt động bảo tồn, phát huy những nét đẹp văn hóa đặc trưng, độc đáo của đồng bào.
Với mục đích từng bước sưu tầm, khôi phục và gìn giữ các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc Mảng; xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân; tạo điều kiện để lớp trẻ người tìm hiểu, tiếp thu văn hóa truyền thống, nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa trong đời sống cộng đồng..., những năm qua, huyện Nậm Nhùn đã tổ chức lớp truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống của dân tộc Mảng tại bản Pá Bon, xã Nậm Pì và bản Nậm Sảo 1, xã Trung Chải.
Lớp truyền dạy dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân, biên đạo múa các học viên tham gia đã biết cách sử dụng nhạc cụ Lờ lầm- loại sáo dài của đồng bào dân tộc Mảng; biết hát một số bài hát Mảng cơ bản, tiếp thu được các động tác múa sao cho đều, đẹp, mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc Mảng.
Lớp truyền dạy cũng là dịp để các nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ quần chúng dân tộc Mảng được biểu diễn, thể hiện những lời ca, tiếng hát, điệu múa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc.
Đối với đồng bào dân tộc Mảng tại Nậm Nhùn, sáo trúc là một trong những nét đẹp trong văn hóa dân gian. Sáo được làm từ thân cây trúc, đường kính ống sáo khoảng 2cm, dài khoảng 80cm. Đây là loại sáo ngang, khi thổi sẽ cầm ngang và cho đến nay, thì loại nhạc cụ này đang dần bị mai một. Thông qua lớp truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống dân tộc Mảng tại bản Nậm Sảo 1, xã Trung Chải, đã giúp các thế hệ trẻ có thể học tập cách làm, cũng như việc sử dụng nhạc cụ này.
Nghệ nhân đồng bào dân tộc Mảng Lý Thị Chướng ở bản Nậm Sảo 1, xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu), chia sẻ: Sáo là nhạc cụ truyền thống của đồng bào người Mảng chúng tôi. Bản thân tôi là một nghệ nhân nên cũng rất muốn truyền dạy lại những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình cho mọi người dân, đặc biệt là các lớp trẻ. Qua đó, giúp gìn giữ và ngày càng phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Lan toả những giá trị văn hoá tốt đẹp đến cộng đồng.
Ông Hà Văn Ruệ, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Nậm Nhùn cho biết:Thời gian qua, Phòng Văn hoá và Thông tin đã tích cực, chủ động tham mưu cho UBND huyện tổ chức nhiều hoạt động, nhiều nội dung nhằm Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS, như: Phục dựng các lễ hội truyền thống, tổ chức hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi, xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hoá dân gian, mở các lớp nghệ thuật trình diễn dân gian, các lớp tạo hình trang phục truyền thống...
Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống quý báu của đồng bào dân tộc Mảng. Trong thời gian tới, Phòng Văn hóa và Thông tin chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục tham mưu cho UBND huyện công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS trên địa bàn tại các bản đã xác định nội dung.
Như vậy, thông qua các nguồn nguồn hỗ trợ từ các Chương trình MTQG, Nghị quyết HĐND tỉnh đã góp phần giữ gìn và bảo tồn nét đẹp Văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mảng.