Lễ hội được tổ chức với ý nghĩa tạ ơn ông bà, tổ tiên và các vị thần linh đã phù hộ, che chở cho cây trồng tốt tươi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, đầy đủ và hạnh phúc. Lễ hội gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Trong phần lễ, mâm lễ cúng, gồm có: Thịt lợn, gà, xôi cốm, xôi trắng, 1 nắm bông lúa mới để cài lên ban thờ; trám đen, gừng để cả cây…
Sau khi đã sắp xếp mâm cúng xong, thầy cúng làm lễ mừng lúa mới, cầu mong sự bình an, không ốm đau, bệnh tật, mong được hạnh phúc, đoàn kết; chăn nuôi, trồng trọt phát triển tốt, con cháu học hành tiến bộ; mùa màng bội thu...
Kết thúc phần cúng lễ, mâm cúng được bày ra và thầy cúng mời mọi người tham gia chung vui, cùng uống rượu và đánh trống, chiêng múa hát đón mừng. Cùng cầm tay nhau múa thành vòng xòe, mỗi người đeo theo một túi gạo cầm từng nắm tung lên cao quá đầu; tất cả đều vui vẻ chúc mừng cho nhau mạnh khỏe, vạn sự tốt lành, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ.
Ngoài phần lễ là phần hội, phần hội, bao gồm: Các hoạt động vui chơi, thi đấu thể thao, biểu diễn văn nghệ đến từ đội văn nghệ của các bản, nhằm tạo ra mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc trong xã.
Như vậy, thông qua lễ hội sẽ giúp người dân tăng thêm sự hiểu biết, khơi dậy niềm tự hào truyền thống dân tộc, tạo điều kiện để các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian, dân tộc Cống được bảo tồn, phát triển, tạo nên đời sống văn hóa tinh thần vui tươi, lành mạnh, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.