Dân tộc Brâu định cư tại làng Đắk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum), vốn có nguồn gốc ở vùng Nam Lào và Đông Bắc Campuchia. Dân số gần 700 người. Do quá trình di dân, dân tộc Brâu đến cư trú ở Việt Nam cách đây khoảng 100 năm và là một trong 5 dân tộc ít người nhất trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Làng của người Brâu ở vị trí đặc biệt, nơi giao lưu văn hoá 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia, nên đa số người Brâu sử dụng được cả 3 tiếng nói này.
Ngoài Chiêng Tha có vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần và được xem là vật thiêng, hiện người Brâu còn lưu giữ được nhiều loại nhạc cụ truyền thống, mang nét độc đáo riêng, trong đó có Đinh pú.
Ông Thao Mưu, làng Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi cho biết: Phiên âm trong tiếng Brâu, “Đinh” có nghĩa là ống và “Pú” có nghĩa là âm thanh phát ra từ ống nứa, giai điệu khi hai tay vỗ vào nhau. Đinh pú của người Brâu vô cùng đơn giản, gồm 2 ống có chiều dài bằng nhau khoảng 1,2m được lựa chọn từ những đốt nứa đẹp, thanh, độ dày mỏng bằng nhau.
Đinh pú là nhạc cụ được người Brâu sử dụng để diễn tấu vào lúc giải trí, nghỉ ngơi ở những không gian, thời điểm khác nhau như: Dịp phát nương rẫy, lên nhà mới và đặc biệt nhạc cụ Đinh pú không biểu diễn trong lễ hội mang tính chất vui vẻ của người Brâu.
Chị Nàng Phương, làng Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi chia sẻ: Để thể hiện được hết các chủ đề qua các bài đánh Đinh pú thì mỗi bài đánh phải đủ 5 người, 4 người chơi chính sẽ dùng hai tay của mình vỗ vào nhau hoặc một tay vỗ trực tiếp vào ống để tạo được sự cộng hưởng trong từng nốt mà âm thanh phát ra, một người còn lại có trách nhiệm giữ sự thăng bằng của Đinh pú khi đan chéo nhau.
Đặc biệt, trong Lễ “Đót Pi Mưnr” (lễ phát rẫy) của người Brâu luôn gắn với việc diễn tấu Đinh pú. Tương truyền rằng từ thời xa xưa, với tập tục phát nương làm rẫy của mình, vào khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 đầu năm, già làng sẽ dẫn những người chủ gia đình trong cộng đồng người Brâu lên rừng để tìm kiếm, lựa chọn mảnh đất lành để xin trời đất cho phép dân làng được phát rẫy trồng trọt hoa màu, săn bắn thú rừng.
Ông Thao Dua, già làng làng Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi kể: Khi hội đồng già làng đã lựa chọn được khu vực đồi núi, tại vị trí đó mỗi gia đình sẽ phát một khu vực nhỏ để làm dấu và đặc biệt là người Brâu sẽ lựu chọn những cây nứa thật đẹp, thật thanh để lấy về làm Đinh pú. Chiều tối, sau khi các già làng đã thực hiện xong các nghi thức, là lúc các chàng trai cô gái sẽ cùng nhau thổi hồn vào những chiếc Đinh pú. Người Brâu quan niệm những chiếc Đinh pú có âm sắc vừa thanh, vừa bổng, vừa vang sẽ báo hiệu cho vị trí mà buôn làng lựa chọn là mảnh đất lành, đất đẹp buôn làng sẽ được trời đất phù hộ cho mùa màng bội thu và những âm thanh trầm bổng, cùng với chén rượu cần thể hiện sự biết ơn, niềm vui vì dân làng đã lựa chọn được mảnh đất đẹp.
Chị Nàng Tiên, làng Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi cho biết: Khi diễn tấu Đinh pú tại Lễ phát rẫy thì 5 người đều tập trung biễu diễn để tạo ra những âm thanh hay nhất, tạo cho dân làng một không khí vui tươi, phấn khởi và mong ước một vụ mùa bội thu.
Hiện nay, mặc dù cộng đồng dân tộc Brâu cư trú tại làng Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi có số hộ và nhân khẩu khá khiêm tốn, nhưng họ rất tự hào với truyền thống văn hóa đặc sắc của dân tộc mình và hơn ai hết, lớp trẻ của dân tộc Brâu hiện nay luôn tích cực tiếp nhận sự truyền dạy của thế hệ đi trước để gìn giữ và phát huy những nét văn hóa tốt đẹp của cha ông truyến lại, trong đó có nhạc cụ Đinh pú.