Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Năm Sửu thăm chợ trâu lớn nhất Tây Bắc

Trọng Bảo - 07:40, 12/02/2021

Tây Bắc, vùng đất xa xôi của Tổ quốc hội tụ nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các DTTS, trong đó, các chợ phiên nơi đây luôn thu hút du khách. Ở huyện Si Ma Cai (Lào Cai) có một phiên chợ mà ở đó không chỉ có thổ cẩm, rượu ngô, thắng cố mà còn có chợ trâu lớn nhất vùng Tây Bắc.

Mỗi phiên chợ Cán Cấu có hàng trăm con trâu, bò được mua bán trao đổi.
Mỗi phiên chợ Cán Cấu có hàng trăm con trâu, bò được mua bán trao đổi.

Ở vùng cao, chợ không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hoá mà còn mang nhiều ý nghĩa, là nét đẹp văn hoá đặc trưng của từng vùng miền, từng dân tộc. Chợ trâu Cán Cấu là một trong những phiên chợ nổi tiếng của vùng Tây Bắc, họp vào sáng thứ Bảy hằng tuần ở thôn Cán Chư Sử, xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai.

Những ngày cuối năm, có dịp lên chợ phiên Cán Cấu, điều du khách dễ cảm nhận thấy đó là nét văn hóa rực rỡ sắc màu của thổ cẩm dân tộc Mông, Nùng… Không biết tự bao giờ, chợ Cán Cấu còn được bà con nơi đây gọi là chợ gia súc, bởi ở đây không chỉ bán các mặt hàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày mà chợ còn giành một khu đất rộng để đồng bào mua bán, trao đổi trâu, bò.

Chợ phiên cũng là nơi bày bán các sản vật địa phương như ớt, tam thất, rượu ngô…
Chợ phiên cũng là nơi bày bán các sản vật địa phương như ớt, tam thất, rượu ngô…

Bí thư Đảng ủy xã Cán Cấu Triệu Thị Chỉn cho biết: Chợ trâu Cán Cấu không chỉ là nơi mua bán, trao đổi gia súc của đồng bào các dân tộc mà còn là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc. Chợ thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa. Mỗi phiên chợ có hàng nghìn con trâu, bò của đồng bào các dân tộc Mông, Nùng… ở các xã trên địa bàn huyện Si Ma Cai, huyện Bắc Hà, Mường Khường và cả huyện Sín Mần (tỉnh Hà Giang) đưa về đây để mua, bán.

Dạo quanh khu chợ, tiếng người mua kẻ bán, tiếng trâu, bò huyên náo cả một vùng. Vừa bán được con trâu với giá 37 triệu đồng, bà Thào Thị Vàng ở xã Si Ma Cai đang bàn tính với chồng dự định mua sắm các vật dụng chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Bà Vàng cho biết, gia đình có 5 con trâu, nhà lại không có người chăn dắt nên hai vợ chồng bàn tính bán bớt đi một con, vừa để đỡ công chăn dắt cũng là để lấy tiền mua sắm thêm vật dụng gia đình.

Đôi khi, đồng bào xuống chợ phiên chỉ để ăn với nhau miếng thắng cố, uống với nhau chén rượu ngô.
Đôi khi, đồng bào xuống chợ phiên chỉ để ăn với nhau miếng thắng cố, uống với nhau chén rượu ngô.

“Giờ bán được trâu rồi, tí nữa sẽ ra chợ mua cho mỗi người một bộ váy áo mới rồi lên chợ huyện mua thêm chiếc ti vi để xem trong dịp Tết. Tiền còn lại sẽ tiết kiệm phòng có việc gì thì dùng, đỡ phải đi vay mượn”.

Ngay kế bên, anh Sùng Seo Châu ở thôn Lao Chải, xã Sán Chải (huyện Si Ma Cai) hôm nay cũng mang một con trâu đực to về chợ bán. Con trâu được anh Châu rao bán với giá 50 triệu đồng. Anh Châu bảo, gia đình tiết kiệm được một khoản tiền, đang xây ngôi nhà trị giá gần 500 triệu đồng, gia đình đang rất mong mỏi ngày được vào nhà mới để đón Tết. “Mình bán trâu để hoàn thiện nốt ngôi nhà, nếu còn tiền thì sẽ mua sắm thêm đồ dùng sinh hoạt phục vụ cho gia đình và mua cho con trai chiếc xe máy để đi lại”.

Càng gần về trưa, lượng trâu được bà con đưa về chợ càng nhiều, lác đác một vài chiếc xe tải của thương lái từ dưới xuôi lên để mua trâu, bò về. Bí thư Triệu Thị Chỉn bảo, trước đây khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, biên giới giao thương bình thường mỗi phiên chợ có khi giao dịch đến hàng nghìn con trâu. Không chỉ trâu của bà con địa phương mà còn của thương lái chở từ Nghệ An, Thanh Hóa ra bán. Bây giờ dịch bệnh, trâu không xuất bán đi Trung Quốc được, lượng giao dịch cũng giảm, tuy nhiên mỗi phiên chợ cũng có hàng trăm con trâu, bò được mua bán, trao đổi.

Các bà mẹ tranh thủ xuống chợ mua cho con trẻ bộ váy áo
Các bà mẹ tranh thủ xuống chợ mua cho con trẻ bộ váy áo

“Cuộc sống của nhiều người dân cũng thay đổi từ các phiên chợ này, nhiều hộ trồng cỏ bán cho các thương lái, phí dịch vụ vận chuyển, chăm sóc trâu và các dịch vụ ăn nghỉ cho thương lái… Mỗi phiên chợ, người dân lại mang trâu, cỏ đi trao đổi. Bây giờ con trâu đối với người dân Lào Cai không chỉ đơn thuần là phục vụ cho sản xuất mà đã trở thành hàng hóa, thành nguồn thực phẩm có giá trị kinh tế cao. Chợ không chỉ là nơi thu hút các thương lái ở nhiều nơi đổ về mà còn hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến với Cán Cấu, đến với Si Ma Cai…”, Bí thư Triệu Thị Chỉn chia sẻ.

Ở vùng cao, khi đánh giá sự giàu, nghèo của mỗi hộ gia đình, bà con vẫn thường đánh giá thông qua số lượng trâu, bò mà họ sở hữu. Mỗi phiên chợ đến, người dân lại mang trâu, bò đi trao đổi, mua bán. Tất cả sắc màu trang phục, ẩm thực, cách thức mua bán… ở chợ trâu Cán Cấu đã tạo nên những nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn, thu hút khách gần xa.

Được biết, để khai thác tiềm năng thế mạnh, nét đặc sắc riêng có, chợ phiên Cán Cấu được lựa chọn là một trong những điểm đến trong chiến lược khai thác các chợ phiên vùng cao phục vụ khách du lịch của tỉnh Lào Cai. Qua đó, góp phần quảng bá và gìn giữ nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc nơi đây cũng như góp phần nâng cao thu nhập cho bà con từ các dịch vụ du lịch.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.