Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng

Minh Ngọc - 10:29, 26/12/2022

Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, là đầu tư cho phát triển. Những năm qua Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân, đặc biệt là đồng bào vùng DTTS, miền núi và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Các y, bác sỹ Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh khám, tư vấn sức khoẻ cho người cao tuổi tại xã Lũng Nặm (Hà Quảng, Cao Bằng)
Các y, bác sỹ Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh khám, tư vấn sức khoẻ cho người cao tuổi tại xã Lũng Nặm (Hà Quảng, Cao Bằng)

Bảo đảm quyền lợi y tế cho đồng bào DTTS

Ở nước ta, y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng, góp phần tăng khả năng tiếp cận của người dân đối với dịch vụ y tế ngay tại địa phương, nhất là vùng đồng bào DTTS.

Chính vì thế, trong những năm qua, để bảo đảm quyền lợi chăm sóc sức khỏe cho người dân, Đảng, Nhà nước không ngừng xây dựng, hoàn thiện mạng lưới, cơ sở vật chất y tế hiện đại; cũng như có thêm các chính sách hỗ trợ khám, chữa bệnh miễn phí cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, nhờ đó mà công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS ngày càng tốt hơn. Đến nay, cả nước có hơn 700 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, hơn 11.000 trạm y tế xã, phường, thị trấn, trong đó hơn 60% số trạm đã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2010 - 2020.

Ngoài ra, để nâng cao tính công bằng trong công tác chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là dành cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, Đảng và Nhà nước đã có các chính sách, giải pháp cụ thể như nhóm chính sách và giải pháp nhằm ưu tiên giải quyết các vấn đề sức khỏe của người nghèo, vùng nghèo; nhóm chính sách nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của người nghèo đến dịch vụ y tế công và cuối cùng là nhóm chính sách nhằm hỗ trợ tài chính cho người nghèo, vùng nghèo trong khám, chữa bệnh.

Bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An là nơi sinh sống của người Đan Lai (nhóm địa phương thuộc dân tộc Thổ). Hiện nay, hơn 90% gia đình nơi đây vẫn thuộc diện hộ nghèo, chính vì thế việc vận động người dân làm quen, sử dụng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) trong khám, chữa bệnh là rất khó khăn.

Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động mà những người xưa nay chỉ biết phó mặc cuộc sống của mình cho tự nhiên đã dần hiểu được tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe và thường xuyên sử dụng tấm thẻ BHYT để thăm khám và điều trị bệnh. 

Chị La Thị Hà - người dân ở bản Cò Phạt cho biết: “Có thẻ BHYT, người dân chúng tôi được hưởng các quyền lợi, như được giảm các chi phí khi đi khám, chữa bệnh. Đối với các gia đình thuộc diện hộ nghèo như chúng tôi thì điều này là rất quý”.

Những năm qua, dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách tuyên truyền, hỗ trợ, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn cần giải quyết. Không chỉ tạo điều kiện cho người nghèo khám, chữa bệnh, mà cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các tuyến, nhất là trạm y tế xã vùng sâu, vùng xa; thu hút, đào tạo nguồn nhân lực y tế cũng như phát triển mô hình đội y tế lưu động để triển khai các hoạt động khám, chữa bệnh tại vùng sâu, vùng xa. Có như vậy, vấn đề chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng cao mới ngày càng được bảo đảm, từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền.

Trung tâm Y tế huyện Hà Quảng truyền thông về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, già hóa dân số ở người cao tuổi tại xã Lũng Nặm
Trung tâm Y tế huyện Hà Quảng truyền thông về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, già hóa dân số ở người cao tuổi tại xã Lũng Nặm

Chuyển đổi số y tế tạo tiện ích cho người dân khi khám chữa bệnh

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Việc này nhằm thúc đẩy việc số hóa thông tin chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân thông tin khám bệnh, chữa bệnh để hình thành kho dữ liệu quốc gia về y tế, phục vụ chuyển đổi số ngành Y tế.

Theo đó, các nền tảng số y tế thuộc chương trình phát triển nền tảng số quốc gia bao gồm: Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử; nền tảng quản lý tiêm chủng; nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa; nền tảng trạm y tế xã… và một số nền tảng khác.

Bộ Y tế cho biết nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ là một y bạ điện tử cho mỗi người dân ghi lại quá trình chăm sóc sức khỏe từ lúc sinh ra cho đến khi mất đi. Khi đi khám bệnh, thông qua hồ sơ sức khỏe điện tử, người dân cung cấp cho thầy thuốc biết tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị. Đây là thành phần cốt lõi nhất trong phát triển y tế thông minh, thúc đẩy chuyển đổi số ngành Y tế.

Còn nền tảng quản lý tiêm chủng cung cấp công cụ, dịch vụ cho mọi cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc tổ chức tiêm ngừa cho người dân tại Việt Nam. Nền tảng cho phép người dân đăng ký tiêm chủng trực tuyến, cho phép cơ sở tiêm chủng lập kế hoạch tiêm, lập danh sách tiêm, thực hiện tiêm và tổng hợp thông tin sau tiêm. Nền tảng quản lý tiêm chủng sẽ tích hợp dữ liệu với Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử.

Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa sẽ cung cấp dịch vụ hỗ trợ, tư vấn hội chẩn từ xa giữa các cơ sở y tế tuyến trên và tuyến dưới, giữa các bác sĩ tuyến trên và tuyến dưới, đồng thời tư vấn sức khỏe từ xa cho người dân qua ứng dụng di động và các phương tiện công nghệ khác; Tích hợp công nghệ số vào dịch vụ theo dõi chăm sóc sức khỏe tại gia đình; theo dõi hàng ngày các chỉ số đo mà không cần thường xuyên đến phòng khám của bác sĩ, không phải đến bệnh viện, không phải xếp hàng, chờ đợi để được khám chữa bệnh; tư vấn sức khỏe 24/7.

Theo đó, 100% các cơ sở y tế có bộ phận khám chữa bệnh từ xa, giúp người dân tiếp cận được dịch vụ khám chữa bệnh có chất lượng hơn, giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên.

Đối với nền tảng trạm y tế xã/phường giúp các cơ sở y tế phường, xã, phòng khám khu vực tại các tỉnh quản lý toàn diện các hoạt động khám, chữa bệnh tại địa phương mình quản lý. Nền tảng đảm bảo tuân thủ theo quy định của Bộ Y tế, bảo đảm kết nối, liên thông dữ liệu với nền tảng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông qua nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế cơ sở của Bộ Y tế.

Với các giải pháp thiết thực từ các bộ ngành, địa phương, cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, tới đây khi Dự án 7 về “Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 thực hiện, vấn đề chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân sẽ ngày càng được nâng cao.

Tin cùng chuyên mục