Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Nâng cao chất lượng y tế cơ sở: Cần một cơ chế tài chính mới

PV - 10:00, 02/01/2019

Hiện nay, cả nước có 700 trung tâm y tế cấp huyện và 11.000 trạm y tế cấp xã (gọi chung là y tế cơ sở (YTCS). Tuy nhiên, hệ thống YTCS chưa phát huy được vai trò của mình. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do cơ chế tài chính còn nhiều bất cập, lạc hậu so với giai đoạn hiện nay.

Vốn ít lại chưa trúng đích

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, tỷ lệ chi cho y tế xã so với tổng chi sự nghiệp y tế theo đầu dân tăng từ 24,8% năm 2015, lên 25,3% năm 2016 và 30,7% năm 2017, nhưng về cơ bản các trạm y tế xã cũng chỉ đủ chi lương, chi hành chính của trạm.

Mức chi quá thấp khiến cho YTCS hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Theo Thông tư số: 39/2017/TT-BYT, của Bộ Y Tế, YTCS sẽ có 76 dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay các trạm y tế cấp xã khu vực 1 mới đáp ứng được trung bình 52 dịch vụ (chiếm 69%), khu vực 2 cung ứng được 55 dịch vụ (chiếm 72%) và khu vực 3 cung ứng được 53 dịch vụ (chiếm 70%).

Nguồn vốn thấp cũng kéo theo tình trạng thiếu thiết bị y tế trầm trọng và thiếu thuốc chữa bệnh. Cụ thể, theo khảo sát của vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế), trong năm 2017, trung bình trạm y tế xã cần bổ sung thay thế thiết bị y tế hỏng là 32 loại, cần bổ sung 38 loại. Tỷ lệ thuốc có sẵn ở trạm y tế đối chiếu với dach mục của Bộ y tế chỉ đạt 37%.

y tế YTCS có vai trò rất quan trọng ở vùng dân tộc và miền núi.

Một vấn đề đáng bàn hiện nay là nguồn vốn phân bổ cho YTCS đã ít lại còn chưa trúng đích. Ông Thẩm Chí Dũng, Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, qua khảo sát thực tế, Bộ Y tế đã ghi nhận, hiện nay vấn đề đầu tư cho YTCS nhiều chỗ còn lệch pha. Ví dụ như, có những xã chưa phát hiện ai bị nhiễm HIV nhưng trong tủ thuốc vẫn có ARV, hay ở một số trạm y tế xã ở miền núi nhờ được tài trợ máy điện tim nhưng lại không ai biết sử dụng dẫn đến máy móc bị đắp chiếu. Điều này khiến cho nguồn vốn bị lãng phí.

Thêm nữa, với sự nỗ lực của Nhà nước và nhân dân, tỷ lệ phủ sóng BHYT của Việt Nam là trên 80 %. Hiện nay, số người đăng ký khám sức khỏe ban đầu ở YTCS chiếm đến 80%. Song theo thống kế của ngành BHXH từ 2014-2018, chi khám chữa bệnh tại trạm y tế xã chỉ đạt 2,6%. Tình trạng này kéo theo tỷ lệ chi tiền túi từ hộ gia đình cho y tế cao tới 48,8% (yêu cầu là dưới 30%).

Cần nhân rộng mô hình mới

Đánh giá về cơ chế tài chính YTCS tại Việt Nam, bà Nguyễn Thu Hương, Tổ chức Oxfam cho biết, hiện nay việc phân bổ ngân sách dành cho YTCS, nhất là các trạm y tế cấp xã còn nhiều bất cập. Việt Nam đang thực hiện phân bổ theo ngân sách theo đầu vào (phân bổ theo đầu dân số, theo biên chế nhân sự…). Cơ chế này đã bộc lộ nhược điểm dàn trải, thiếu trọng tâm hiệu quả sử dụng vốn thấp, dễ tạo lối mòn trong hoạt động mà không khuyến khích tự chủ sáng tạo, khó đảm bảo tính công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình.

Bà Nguyễn Thu Hương cho hay, hiện nhiều quốc gia đã chuyển đổi sang phương thức quản lý tài chính công, dựa trên kết quả đầu ra thay vì nguồn lực đầu vào như hiện nay. Mô hình này có tên là tài chính dựa trên kết quả hoạt động (viết tắt theo tiếng Anh là RBF). Trên thực tế từ 2013 đến nay, dưới sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Nghệ An và Quảng Trị là 2 tỉnh đầu tiên thử nghiệm mô hình hình RBF vào thực tế và bước đầu có những hiệu quả.

Ông Hoàng Văn Hảo, Nguyên Quyền Giám đốc sở Y tế Nghệ An, Giám đốc dự án RBF Nghệ An cho biết, từ 2013 đến 12/2015, Nghệ An đã triển khai RBF tại Trung tâm y tế huyện Thanh Chương, Nam Đàn và các trạm y tế xã Nam Anh, Nam Lộc (huyện Nam Đàn), Thanh Hà, Võ Liệt (Thanh Chương). Từ 1/2014 đến 12/2015, Nghệ An đồng thời triển khai RBF tại 9 huyện còn lại.

Ông Hoàng Văn Hảo đánh giá, qua 2 năm thực hiện thí điểm RBF, hầu hết các trạm y tế xã được cải thiện về chất lượng thăm khám, điều trị, chăm sóc và các hoạt động y tế khác. 32/32 trạm y tế xã tăng hơn nhiều các chỉ số ban đầu (57%). RBF đã thực sự thay đổi tư duy, hành vi, tinh thần làm việc của trạm trưởng và các nhân viên trong trạm y tế: tích cực, chủ động, tự giác hơn, thái độ tiếp cận bệnh nhân tốt hơn. Qua đó, YTCS đã tạo được lòng tin của nhân dân. Vì vậy, bệnh nhân đến khám nhiều hơn, sản phụ đến đẻ tại trạm xá đã tăng so với trước đây.

Có thể nói, cơ chế tài chính theo đầu vào cho YTCS hiện hành ở nước ta đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế lạc hậu. Từ đó, đòi hỏi các địa phương, cũng như ngành Y tế cần chủ động hơn trong việc đề xuất, thực hiện chuyển đổi cơ chế mới phù hợp, sát với thực tiễn hơn. Trong đó, phương pháp RBF là một mô hình hay có thể áp dụng, nhân rộng thời gian tới.

HIẾU ANH

Tin cùng chuyên mục
Vân Đồn (Quảng Ninh): Nhiều hộ dân “ở không được, đi cũng không xong”

Vân Đồn (Quảng Ninh): Nhiều hộ dân “ở không được, đi cũng không xong”

Theo phản ánh của người dân, hàng chục hộ ở 2 thôn 10/10, xã Vạn Yên và Đồng Dọng cũ, xã Bình Dân, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) chật vật gần 20 năm nay do dự án hồ chứa nước Đồng Dọng "án binh bất động". Tại đây, không ít hộ dù chưa được đền bù giải phóng mặt bằng nhưng cũng bị giải tỏa, mất kế sinh nhai.