Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS từ cây dược liệu: Lợi ích kép (Bài 1)

Trọng Bảo - 11:22, 24/03/2023

Trồng cây dược liệu là hướng đi mới mở ra cơ hội đem lại thu nhập cho đồng bào DTTS và miền núi. Tại tỉnh Lào Cai, để nâng cao giá trị cho cây dược liệu, tỉnh đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, nếu chỉ hỗ trợ, sản xuất cung cấp sản phẩm thô thì chưa giải quyết được vấn đề.

Với việc đầu tư máy móc và vùng nguyên liệu, các sản phẩm dược liệu của HTX Dao đỏ ngày càng phong phú và đa dạng.
Với việc đầu tư máy móc và vùng nguyên liệu, các sản phẩm dược liệu của HTX Dao đỏ ngày càng phong phú và đa dạng.

Hiệu quả từ cây trồng dược liệu

Với diện tích đất gần 1 ha, trước đây gia đình chị Thào Thị Lý ở thôn Lử Thẩn, xã Lùng Thẩn, huyện Si Ma Cai chủ yếu trồng cây ngô. Nhưng giá trị kinh tế từ cây ngô mang lại rất thấp. Bắt đầu từ năm 2022, được sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp huyện, chị Lý đã chuyển toàn bộ diện tích đất sang trồng cây cát cánh. Vụ thu hoạch đầu tiên cho thấy giá trị từ cây cát cánh cao gấp 4 - 5 lần so với trồng ngô.

“Khi mới trồng cây cát cánh, gia đình được cán bộ về hướng dẫn kỹ thuật. Qua thời gian chăm sóc tôi thấy cây này cũng dễ trồng, chăm sóc. Giá trị cây trồng này cao hơn rất nhiều so với cây ngô”, chị Lý chia sẻ.

Là người dân địa phương, vài năm trước đây, chị Tẩn Tả Mẩy, Giám đốc HTX Cộng đồng Dao đỏ (xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa) luôn trăn trở, suy nghĩ với mong muốn làm sao kế thừa và phát huy được những bài thuốc quý của dân tộc mình. Năm 2015, HTX cộng đồng Dao đỏ được thành lập với 7 thành viên, do chị Mẩy làm Giám đốc. Chị Mẩy đã đầu tư nâng cấp hệ thống lò đun, mở rộng vùng nguyên liệu tại hai xã Tả Phìn và xã Ngũ Chỉ Sơn, với diện tích trồng và chăm sóc hơn 115 ha. Tạo việc làm cho 224 hộ liên kết và 120 thành viên với mức thu nhập bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.

Mô hình trồng cây cát cánh hay việc khai thác, bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý của HTX cộng đồng Dao đỏ là những ví dụ điển hình trong việc khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Lào Cai trong phát triển cây dược liệu.

Tỉnh Lào Cai có rất nhiều lợi thế, tiềm năng lớn để phát triển bền vững cây dược liệu. Vườn quốc gia Hoàng Liên được ví như “kho báu” về cây thuốc quý, với hơn 850 loại cây thuốc đặc hữu, như: Hoàng liên, sâm vũ diệp, kim tuyến, cẩu tích… Đến nay, diện tích trồng dược liệu toàn tỉnh hơn 1.500 ha, tập trung tại các huyện vùng cao, biên giới như Mường Khương, Bắc Hà, Sa Pa… với các loại dược liệu chủ yếu là: Đương quy, Atisô, sa nhân, ý dĩ… Tổng sản lượng dược liệu khô đạt khoảng 3.200 tấn/năm, trong đó riêng cây Atisô chiếm khoảng 70% sản lượng, giá trị thu nhập bình quân đạt 120 -150 triệu đồng/ha.

Phát triển cây dược liệu gắn với du lịch

Nhằm nâng cao giá trị của cây dược liệu và từng bước chuyển dịch từ trồng dược liệu sang kinh tế thảo dược góp phần nâng cao thu nhập cho Nhân dân, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch phát triển dược liệu gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2022 - 2025. Nhờ đó, các mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch ngày càng phát triển, đặc biệt là các mô hình du lịch dịch vụ tắm thuốc, ngâm chân, xông hơi và các sản phẩm từ dược liệu làm quà tặng như cao Atisô, trà thảo dược, tam thất, các loại mỹ phẩm từ dược liệu… đang phát triển mạnh mẽ.

Năm 2022, vườn cát cánh đã mang về cho gia đình chị Thào Thị Lý một nguồn thu đáng kể từ việc đón du khách tới tham quan, trải nghiệm khi đến mùa hoa nở rộ.

“Trồng cây cát cánh bên cạnh việc bán sản phẩm cho các nhà máy làm dược liệu thì đến vụ hoa nở nhiều khách trong và ngoài tỉnh cũng về để chụp ảnh, tham quan. Gia đình mình ngoài việc bán vé thì cũng làm thêm dịch vụ ăn uống, nghỉ qua đêm, nhờ đó, có thêm việc làm và thu nhập”, chị Lý cho biết.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp tỉnh Lào Cai thì dự kiến lượng khách du lịch đến với địa phương sẽ tăng mạnh với khoảng trên 5 triệu lượt khách/năm; nếu mỗi du khách mua hoặc sử dụng một sản phẩm dịch vụ từ thảo dược thì giá trị thu ước đạt trên 500 tỷ đồng từ ẩm thực, mỹ phẩm, thuốc tắm, sản phẩm chức năng…

Để khai thác thế mạnh này, tỉnh chủ trương đẩy mạnh việc xây dựng các vùng tham quan, các điểm du lịch gắn với dược liệu bảo đảm các yếu tố, điều kiện đón khách du lịch tham quan, trải nghiệm. Tạo các vùng tham quan trải nghiệm dược liệu, chăm sóc sức khỏe và các nông sản đặc trưng tại các khu vực, địa phương có thế mạnh như Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai…

Có thể nói, phát triển cây dược liệu ở Lào Cai đã và đang mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho bà con nông dân nói chung, đồng bào các DTTS tại các thôn bản vùng cao nói riêng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc trồng, chế biến cây dược liệu còn nhỏ lẻ, manh mún khiến cho giá trị cây trồng này chưa cao.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.