Tận tâm phục vụ
Sau hơn 2 tháng cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, hệ thống NHCSXH đã giải ngân được trên 442 tỉ đồng để 830 lượt người sử dụng lao động trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 125.481 người lao động tại 63 tỉnh, thành phố, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, duy trì sản xuất tạo đà phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới.
Đây là kết quả từ sự chỉ đạo sát sao, xuyên suốt của Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng trong toàn hệ thống: “thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Không để người sử dụng lao động có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn không tiếp cận được nguồn vốn từ chính sách của Chính phủ”.
Đặc biệt, tinh thần “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” của hơn 10.000 cán bộ phủ rộng ở gần 11.000 điểm giao dịch của NHCSXH tại trụ sở UBND cấp xã trong toàn quốc, cùng với mối quan hệ bền chắc giữa NHCSXH, với cả hệ thống chính trị, đã trở thành điểm tựa để NHCSXH nhanh chóng đưa chính sách vào cuộc sống, ngay từ tuần đầu triển khai và dư nợ tiếp tục tăng theo cấp số nhân theo thời gian.
Trước đó, NHCSXH đã phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ sửa đổi Nghị quyết 68 và Quyết định số 23 theo hướng rút gọn trình tự, thủ tục, giảm điều kiện, đơn giản hóa tối đa thủ tục, mở rộng đối tượng, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động tiếp cận chính sách. “Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất là chính sách rất cần thiết trong thời điểm đại dịch đang diễn biến phức tạp, việc đẩy mạnh, đưa chính sách đi vào cuộc sống càng sớm càng tốt, góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn”, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định.
Theo thống kê, từ năm 2020 đến nay, hệ thống NHCSXH đã thực hiện hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19, với tổng số tiền trên 47 tỉ đồng. Riêng năm 2021 hỗ trợ trên 40,7 tỉ đồng cho các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh để mua dụng cụ, thiết bị y tế, vaccine, nhu yếu phẩm.
Với nỗ lực của NHCSXH tham gia cùng cả nước chống dịch COVID-19 trên cho thấy, sự trưởng thành và phát triển vượt bậc trong hành trình 19 năm xây dựng và phát triển của NHCSXH.
Những chặng đường phát triển
Từ thuở sơ khai, NHCSXH chỉ thực hiện 3 chương trình tín dụng ban đầu là, cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm và cho vay học sinh, sinh viên, với nguồn lực hạn hẹp. 8 năm đầu thành lập NHCSXH đã đề xuất, triển khai nhiều giải pháp tăng trưởng nguồn vốn, từng bước huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của cả xã hội tham gia vào thực hiện chương trình giảm nghèo, công tác an sinh xã hội.
Đến năm 2010, NHCSXH đã cho vay tới 18 chương trình tín dụng dựa trên nền tảng của 3 chương trình tín dụng ban đầu, phủ kín nhu cầu giải quyết các vấn đề xã hội, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho bộ phận dân cư có mức sống thấp hơn, điều kiện sinh hoạt khó khăn hơn, so với mặt bằng chung của nền kinh tế..., từ đó góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ vì sự phát triển cân đối của nền kinh tế và sự ổn định xã hội.
Về cơ bản NHCSXH trong giai đoạn đầu đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Chính phủ giao phó, đóng góp tích cực vào việc thực hiện Chương trình xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2001 - 2010 của Chính phủ, xây dựng được nền tảng vững chắc, tạo đà phát triển cho giai đoạn tiếp theo.
Tuy nhiên, bước vào chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2011 - 2020, với những thách thức mới cho công cuộc giảm nghèo, đòi hỏi tín dụng chính sách phải có những bước tiến mạnh mẽ hơn nữa để hiện thực hóa mục tiêu mà “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội” năm 2011 của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra “Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hoà với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân”.
Bởi vậy, để thực thi được, hoạt động của NHCSXH không thể dựa trên kế hoạch manh mún hàng năm như trước, mà cần có chiến lược phát triển dài hạn gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch tài khoá trung hạn. Những tâm ý này đã được gửi gắm trong Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020.
Và từ đây mở ra thời kỳ mới cho hoạt động của NHCSXH. Trong đó, NHCSXH tiếp tục hoàn thiện mô hình, nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH; Không chỉ thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách của Nhà nước về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, mà còn góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, Chương trình giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.
Tiếp theo thành quả của 8 năm trước, NHCSXH tiếp tục kết nối cả hệ thống chính trị xã hội, tham gia triển khai thực thi các chính sách tín dụng xã hội. NHCSXH đã tham mưu chính sách để Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, được xem là một bước đột phá lớn. Gánh nặng triển khai chính sách của Chính phủ, đặc biệt là nguồn vốn đã được sẻ chia khi “Nhà nước, doanh nghiệp và Nhân dân cùng làm”; “Trung ương và địa phương cùng làm”.
Tính bền vững của nguồn vốn và năng lực tài chính của NHCSXH thêm mạnh, khi năm 2017 lần đầu tiên NHCSXH được bố trí vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Tiếp đó là, những bước chuyển lớn, nhận nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương từ năm 2014. Tính đến đầu tháng 10/2021, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đã đạt trên 255 nghìn tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương đạt gần 25 nghìn tỷ đồng.
Nguồn vốn tăng trưởng ổn định, là nền tảng để NHCSXH thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đạt hiệu quả về kinh tế - xã hội; ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến nay, đạt trên 242 nghìn tỷ đồng, với 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn.
Những thành quả hoạt động của NHCSXH thực hiện trong thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước, Nhân dân đánh giá cao và ghi nhận bằng danh hiệu cao quý “Anh hùng lao động” thời kỳ đổi mới.
Định hướng phát triển trong những năm tiếp theo
Tiếp bước trên chặng đường mới, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực được dự báo vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 chưa thể kết thúc sớm, tác động tiêu cực có thể kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, lao động, đời sống của Nhân dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách. NHCSXH định hướng phát triển thành tổ chức có khả năng tự chủ, phát triển ổn định lâu dài.
Đồng thời, duy trì được vai trò là định chế tài chính công thực hiện các chính sách xã hội của Chính phủ; tập trung vào những lĩnh vực mà các tổ chức tài chính hoạt động theo nguyên tắc thị trường không thể đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng được một phần.
Các mục tiêu, định hướng, giải pháp sẽ được thiết kế và xây dựng phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 và phù hợp với thực tiễn hoạt động của NHCSXH trong những năm vừa qua; góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng Nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.