Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Ngành Du lịch trong đại dịch: Tận dụng xu hướng mới có chọn lọc (Bài 3)

Hồng Phúc - 13:48, 15/10/2021

Không thể phủ nhận những hiệu quả truyền thông về du lịch, văn hóa được lan tỏa khi quảng bá trên các nền tảng số. Tuy nhiên, cần phải có một "màng lọc" để kiểm duyệt nội dung được đăng tải trên các mạng xã hội, đặc biệt là những nội dung liên quan đến văn hóa dân tộc thiểu số ̣(DTTS). Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu phát triển, cần đồng bộ các giải pháp từ nhiều ngành, chứ không thể chỉ dựa vào một vài cá nhân, hay riêng ngành Du lịch.

Một kênh Youtube có nội dung về DTTS thu hút được nhiều lượt xem với những nội dung hấp dẫn
Một kênh Youtube có nội dung về DTTS thu hút được nhiều lượt xem với những nội dung hấp dẫn

Con dao hai lưỡi

Chúng ta đang sống trong một thời đại bùng nổ của truyền thông đa phương tiện. Internet phát triển, nhiều mạng xã hội xuất hiện, như: Facebook, YouTube, Tiktok… khiến cho việc kết nối thông tin trở nên dễ dàng. Hiện nay, xu hướng người dùng là đều thích xem video (từ 3 - 5 phút) về những nội dung mới lạ, hấp dẫn. Thế nên, ngoài hiệu ứng truyền thông, thì đây là mảnh đất màu mỡ để những người sáng tạo nội dung có thể kiếm tiền, khi mà các nhà quảng cáo trả tiền cho mỗi lượt xem. Nếu video càng nhiều người xem, thì đồng nghĩa với lợi nhuận của nó sẽ càng cao.

Trên thực tế, có rất nhiều video clip giới thiệu danh lam thắng cảnh, ẩm thực… của YouTuber, như: Khoai Lang Thang, Helly Tống, Hoàng Nam, Ninh Tito… đều nhận được sự đón nhận nhiệt tình của công chúng, bởi thông tin, hình ảnh được đầu tư khá bài bản, công phu, có giá trị về mặt nội dung và thẩm mỹ.

Tuy nhiên, đây cũng là một thị trường cạnh tranh. Bởi khi ai có smartphone cũng có thể trở thành một người sáng tạo nội dung, nên việc tìm ra được những chủ đề hấp dẫn để thu hút người xem luôn khiến chủ nhân các kênh này đau đầu. Và thế là xuất hiện một “thị trường ngách” những kênh chuyên khai thác văn hóa, du lịch của đồng bào DTTS, đáp ứng thị hiếu của một bộ phận khán giả về cuộc sống sinh hoạt, phong tục... của đồng bào các dân tộc.

Hiện nay, có thể kể đến nhiều kênh đang sở hữu hàng triệu lượt theo dõi. Mỗi video làm về chủ đề trên thu hút từ vài trăm nghìn, đến vài triệu người xem, như: Bản vùng cao, Về miền Tây Bắc, Tôi người vùng cao… Nội dung của các clip này là những trải nghiệm thực tế về văn hóa, con người, phong cảnh ở miền núi gắn với bản sắc văn hóa dân tộc vùng miền, nên rất hấp dẫn đối với người xem.

Trái lại, thì cũng có những kênh, những video dùng chiêu trò xuyên tạc văn hóa của người DTTS. Gần đây nhất là một loạt kênh Youtube đăng tải clip với nội dung về tang lễ của đồng bào DTTS với góc nhìn thiên kiến, miệt thị. Một số nhan đề có thể kể đến như: “Kinh hoàng tập tục đám ma không giống ai của người Mông trên cao nguyên đá Hà Giang”, "Dựng tóc gáy với hủ tục treo xác chết trong nhà của người Mông", "Kinh hoàng đám ma không quan tài của người Mông"…

Điểm chung của các Video này, là nhan đề gắn với những từ ngữ mang tính chất phán xét, cảm xúc cá nhân, hơn là nhìn nhận khách quan về phong tục, văn hóa của người DTTS.

Hay câu chuyện của kênh Youtube A Hy TV với những hình ảnh, phim hài tục tĩu, xuyên tạc về phong tục người DTTS đã từng gây dậy sóng trong cộng đồng các dân tộc. Thậm chí, đáng thất vọng là có cả kênh truyền hình trong giờ vàng, cũng đăng tải quảng cáo nước tăng lực với hai diễn viên mặc trang phục dân tộc nhưng lời lẽ, biểu hiện rất lố lăng, phản cảm. Hiện tại, chưa có con số chính xác, nhưng cảm quan có thể thấy số lượng những video như vậy xuất hiện trên các nền tảng số có thể diễn tả bằng từ “nhan nhản”.

Điều đó đang bộc lộ ra một sự thật, là đối với quảng bá văn hóa, du lịch nền tảng số là con dao 2 lưỡi. Nó sẽ truyền thông lan tỏa mạnh mẽ những nét đặc sắc về văn hóa, phong cảnh, kích cầu du lịch... nhưng đồng thời những thông tin sai lệch, xuyên tạc về nó cũng sẽ lây lan rất nhanh. Yếu tố tiêu cực để lại hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, khi khiến người xem có cái nhìn sai lệch về cả một cộng đồng người, thậm chí gây chia rẽ khối Đại đoàn kết dân tộc.

Quảng bá du lịch cần những giải pháp đồng bộ. (Trong ảnh: Cầu Vàng tại Sun World Ba Na Hills - Đà Nẵng đã lọt Top 100 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới do Tạp chí Time bình chọn)
Quảng bá du lịch cần những giải pháp đồng bộ. (Trong ảnh: Cầu Vàng tại Sun World Ba Na Hills - Đà Nẵng đã lọt Top 100 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới do Tạp chí Time bình chọn)

Không thể “thả nổi”

Trên thực tế, chúng ta cũng chưa có một chế tài, "màng lọc" nào đối với những nội dung sai lệch liên quan đến đồng bào DTTS. Kết quả là kênh A Hy TV vẫn còn tồn tại và sẽ có thêm nhiều những kênh như thế.

Điều đó buộc các cơ quan chức năng phải nhập cuộc. Các cơ quan chức năng của Việt Nam có thể ngồi lại với các nền tảng công nghệ như You Tube, TikTok… để đặt ra bộ lọc nội dung phù hợp với văn hóa Việt Nam..

Bên cạnh đó, ở phạm vi cá nhân, có rất nhiều nội dung giới thiệu danh lam thắng cảnh, ẩm thực… cho đến các tỉnh đều “rục rịch” mang du lịch lên Youtube. Tuy nhiên, thẳng thắn phải nhìn nhận rằng, đó là những sự xuất hiện “lưa thưa”, chưa đủ để tạo ra hiệu ứng truyền thông lâu dài cho du lịch. Chúng ta không thể mãi dựa vào sự manh mún đó, nếu muốn làm du lịch thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay.

Chúng ta gặp khó khăn về nguồn nhân lực. Muốn quảng bá du lịch thông minh, phải có nguồn nhân lực thông minh. Thế nhưng, cá nhân, doanh nghiệp, thậm chí các tỉnh vẫn thiếu kinh nghiệm trong quảng bá du lịch trên nền tảng số. So với các tập đoàn du lịch nước ngoài có bề dày trăm năm lịch sử, có ưu thế vượt trội về tài chính và kinh nghiệm thương mại điện tử, truyền thông tiếp thị online, thì chúng ta còn quá non trẻ, ít kinh nghiệm. Năng lực cạnh tranh do vậy bị giảm sút trên thị trường online.

Hạ tầng cơ sở cũng đang là vấn đề bất cập. Hạ tầng công nghệ thông tin (mạng lưới viễn thông, trang thiết bị hiện đại đi kèm...) ở các địa phương không đồng đều, chênh lệch rõ rệt giữa khu vực đô thị với các vùng nông thôn, khu vực miền núi…, nên sẽ rất khó để phát triển truyền thông du lịch, hay xây dựng các sản phẩm du lịch có yếu tố công nghệ cao.

Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, công tác xúc tiến, quảng bá vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành, cũng như chưa ngang tầm với các nước trong khu vực, do tính chuyên nghiệp chưa cao và kinh phí còn hạn hẹp.

 Hang Sơn Đoòng, Quảng Bình là hang động lớn nhất thế giới. Ảnh: minh họa
Hang Sơn Đoòng, Quảng Bình là hang động lớn nhất thế giới. Ảnh: minh họa

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Truyền thông trực tuyến, không phải là một cái gì đó quá mới đối ngành Du lịch. Nó bảo đảm sự kết nối, truyền thông liên tục trong thời đại công nghệ số như ngày nay.

Cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Nhà nước bỏ vốn mỗi năm 100 tỷ đồng và sau 3 năm sẽ có nguồn tiền khoảng 300 tỷ đồng. Quỹ được bổ sung nguồn thu từ visa (10%); phí tham quan (5%) và các nguồn xã hội hóa. Thế nhưng tới nay, Quỹ vẫn chưa đi vào hoạt động.

Ông Lê Hòa Hiệp, Giám đốc Công ty Hitravel, đơn vị có thế mạnh đón khách quốc tế, nhấn mạnh ngoài kinh phí, làm tốt công tác quảng bá còn phụ thuộc vào con người, cách thức thực hiện, sản phẩm du lịch, định hướng thị trường. "Tiền có nhiều mà sản phẩm du lịch không tốt, xác định thị trường sai, người làm xúc tiến thiếu chuyên nghiệp, mỗi người mỗi hướng thì có làm cách mấy cũng không thu hút được khách”.

Thế nên, muốn công tác truyền thông đạt kết quả, không thể chỉ dựa vào sự nỗ lực của ngành du lịch. Chúng ta cần phối hợp với ngành Giáo dục để đào tạo, bồi dưỡng nhân lực làm du lịch, đáp ứng với công nghệ thay đổi từng ngày từng giờ. Phối hợp với ngành thống kê khảo sát, điều tra và dự báo các số liệu, liên quan đến hoạt động du lịch của mỗi địa phương để hoạch định chiến lược truyền thông phù hợp với thị trường.

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an, cũng không thể đứng ngoài để thực hiện giám sát các hoạt động quảng bá truyền thông du lịch trực tuyến, để kịp thời ngăn chặn những hành vi quảng bá sai phạm, những nội dung xuyên tạc về văn hóa con người Việt Nam.

Những năm gần đây, Việt Nam liên tục có tên trong danh sách điểm đến hàng đầu thế giới do các tổ chức quốc tế uy tín bình chọn và giành được các giải thưởng như Reader Choice Awards (CNTraveller) hay TripAdvisor. Tháng 10/2020, Việt Nam đứng thứ 9 trong danh sách 20 quốc gia được yêu thích nhất thế giới năm 2020 do độc giả CNTraveler bình chọn.

Thế nên, tận dụng lợi thế, cần định vị Việt Nam như một điểm du lịch cần phải đến ở Đông Nam Á dựa trên sản phẩm và giá trị thương hiệu then chốt tại thị trường châu Á và một số thị trường phương Tây được lựa chọn. Và trong thời đại số như ngày nay, ngành Du lịch buộc phải tự nâng cấp mình, nâng cấp hệ thống, trang bị tri thức về công nghệ số, tăng cường liên kết giữa các ngành. Bởi trong thế giới phẳng, đứng yên đã có thể bị coi là tụt hậu.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.