Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

"Ngày hội kết đoàn" - Tôn vinh sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc

Lam Anh - 20:29, 03/11/2022

Từ ngày 1 - 30/11/2022, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động tháng 11 với chủ đề “Ngày hội kết đoàn” cùng với các hoạt động hàng ngày, cuối tuần đa dạng phóng phú như dân ca, dân vũ, ẩm thực... nhằm tôn vinh sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống gắn bó, sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau trong cộng đồng.

 Hoạt động của đồng bào và du khách tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: BTC
Hoạt động của đồng bào và du khách tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: BTC

"Ngày hội kết đoàn" được tổ chức với mục đích giới thiệu các hoạt động dân ca, dân vũ, ẩm thực, sản vật phong phú của các dân tộc góp phần giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, tạo điểm đến, thu hút khách du lịch, hoàn thiện sản phẩm du lịch Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, góp phần phong phú các hoạt động Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" năm 2022.

Chương trình tổ chức với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Hoạt động theo cụm làng dân tộc tôn vinh sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống gắn bó, sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau trong cộng đồng. Tại cụm làng gần Thung lũng hoa cải với không gian văn hóa của các dân tộc Tày, Nùng (Thái Nguyên), Mông (Hà Giang), Dao (Ba Vì, Hà Nội). Đồng bào nơi đây có những nét văn hóa dân tộc dân vũ đặc trưng như đàn Tính hát Then, múa Khèn.. và tổ chức các hoạt động dân ca dân vũ, trò chơi dân gian có sự tương tác của du khách như kéo co, ném còn, đi cà kheo, bập bênh...

Tại cụm Cánh đồng hoa Tam giác mạch, với thế mạnh của làng dân tộc Mường, Thái cảnh quan đẹp, giàu truyền thống văn hóa bản địa với chiêng Mường, xòe Thái, những món ăn ẩm thực của hai làng dân tộc đều mang những nét đặc trưng vùng miền rất riêng mà có lẽ nếu thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi. Các món ăn được chế biến từ các nguyên liệu tự nhiên, đặc sắc: Món xôi màu, thịt lợn hấp, gà nướng, thịt trâu hun khói, măng chua...

Đối với cụm Tây Nguyên có các hoạt động điểm nhấn trình diễn sắc màu văn hóa của cộng đồng các dân tộc tại Làng bằng các nhạc cụ truyền thống, dân ca dân vũ, truyền dạy về nhạc cụ dân tộc truyền thống, các hoạt động trò chơi dân gian kết nối du khách và cộng đồng các dân tộc tăng cường tinh thần giao lưu, học hỏi, đoàn kết nhau cùng phát triển. Đồng thời, biểu diễn những tiết mục về quê hương đất nước, khối Đại đoàn kết dân tộc hưởng ứng các hoạt động Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam".

Tiếp đến là tại các làng Nam Bộ và điểm tín ngưỡng tâm linh sẽ diễn ra hoạt động trình diễn sắc màu văn hóa của các nhóm đồng bào Nam Bộ gồm có dân tộc Khmer (Sóc Trăng), dân tộc Chăm (Ninh Thuận - dự kiến) giới thiệu nét di sản văn hóa nghệ thuật Rô băm; các điệu múa đền tháp... Các hoạt động giới thiệu trang phục truyền thống, nghề thủ công, các món ăn miền Tây Nam Bộ... kết hợp với tín ngưỡng ngôi chùa Khmer Nam Tông, đền tháp của đồng bào Chăm.

Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” góp phần tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp Nhân dân, khơi dậy lòng yêu nước, ý thức tự hào, tự tôn dân tộc
Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” góp phần tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp Nhân dân, khơi dậy lòng yêu nước, ý thức tự hào, tự tôn dân tộc

Chương trình tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ sự kiện Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam". Từ ngày 14 - 23/11/2022 sẽ diễn ra hoạt động hàng ngày của các dân tộc tại Làng, như làng dân tộc Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Thái... nhằm tái hiện cuộc sống hàng ngày, thao tác, trình diễn nghề thủ công truyền thống, giới thiệu ẩm thực, tham quan tuyến điểm, trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ của dân tộc Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglay, Ê Đê, Khmer.

Vào dịp cuối tuần (các ngày thứ Bảy, Chủ nhật), chương trình tổ chức hoạt động trải nghiệm như: Trải nghiệm không gian sống động qua nếp ăn, nếp ở, hoạt động canh tác trồng trọt, thực hành nghề của những chủ thể văn hóa hoạt động tại Làng; Trải nghiệm văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc: mật ong rừng, phấn hoa, cà phê, ca cao…của dân tộc Ê Đê; bánh tình yêu của dân tộc Tà Ôi… Xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu… của dân tộc Mường, Thái; Khâu nhục, cá om măng chua, lạp sườn, thịt gác bếp, măng nhồi… của dân tộc Tày, Nùng, Dao; cá nướng, gà nướng, xôi màu...

Bên cạnh đó là chương trình dân ca, dân vũ các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu: Hát Ay ray và diễn tấu Đinh năm của dân tộc Ê Đê, âm nhạc dân gian từ tre nứa của dân tộc Xơ Đăng, cồng chiêng của dân tộc Ba Na, nghệ thuật Rô băm của dân tộc Khmer... và các trò chơi dân gian: Đi cà kheo, bập bênh, nhảy sạp... Ngoài ra, còn có các hoạt động khác: Hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu, làm thuốc... của các nghệ nhân dân tộc Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglay, Ê Đê, Khmer.

Trong khuôn khổ của Chương trình còn có các hoạt động, chương trình nghệ thuật khai mạc Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" năm 2022 và Liên hoan trình diễn trang phục các DTTS Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ I, năm 2022; tổ chức Giải vô địch anh tài Vật dân tộc quốc gia năm 2022...

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.