Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chương trình 1719

Nghệ An: Ấm áp trong những căn nhà từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719

Nguyễn Thanh - 11:12, 20/10/2024

Mới đây, chúng tôi mới có dịp theo chân Phó trưởng Phòng Dân tộc Kỳ Sơn (Nghệ An) - Phạm Văn Hòa về các bản làng miền biên viễn. Chuyến đi mang nhiều cảm xúc, bởi tận mắt chứng kiến niềm vui khôn tả của bà con dân bản khi vừa chuyển đến ở trong những căn nhà mới tinh tươm còn hăng hắc mùi sơn vữa.

Một góc bản Na Nhu, xã Tà Cạ với những nếp nhà mới được dựng xây
Một góc bản Na Nhu, xã Tà Cạ với những nếp nhà mới được dựng xây

Vượt mấy con dốc ôm sát dòng Nậm Mộ cạn trơ đáy sau những ngày gào thét vì mưa lũ, bản Na Nhù, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) hiện ra trong bảng lảng sương mai.

Na Nhù là bản làng người Khơ mú - nơi đây đang đổi mới từng ngày, hiển hiện rõ ràng nhất là những mái nhà mới tinh tươm dưới những triền đồi. Niềm vui được ở trong căn nhà mới, chắc chắn, an toàn… hiện rõ trên từng gương mặt khắc khổ, dãi dầu.

Trong căn nhà còn hăng hắc mùi sơn mới, người đàn ông dân tộc Khơ Mú ở bản Na Nhù  Cụt Văn Kỳ cứ nắm mãi tay chúng tôi mà rưng rưng: “Nay thì yên tâm rồi, nhà đã xây dựng chắc chắn, không còn lo mưa gió nữa, chỉ lo làm ăn thôi. Cảm ơn Đảng và Nhà nước, cảm ơn cấp trên đã hỗ trợ để dân bản chúng tôi có thêm nguồn kinh phí dựng nhà”.

Rồi anh Kỳ kể thêm: Được cấp trên hỗ trợ 46 triệu đồng, nhà mình cũng đã bán 4 con bò, cùng với nguồn vốn vay thêm từ Ngân hàng chính sách và bà con lối xóm hỗ trợ ngày công thì mới xong đấy.

Anh Cụt Văn Chờ và vợ tâm sự về niềm vui được hỗ trợ xây dựng nhà mới
Anh Cụt Văn Chờ và vợ tâm sự về niềm vui được hỗ trợ xây dựng nhà mới

Kế bên nhà anh Kỳ, là căn nhà mới dựng xong của vợ chồng anh Cụt Văn Chờ. Khi chúng tôi ghé thăm, anh Chờ vừa từ rẫy về, áo quần hãy còn lấm lem nhưng mắt thì lấp lánh khi nói về căn nhà mới.

Vợ chồng anh Chờ có với nhau 3 mặt con, cuộc sống miền sơn cước vất vả, thiếu thốn. Quanh năm, vợ chồng anh Chờ ngược núi bám rẫy nhưng chỉ đủ ăn. Anh Chờ bảo: Được cấp trên hỗ trợ tiền làm nhà, gia đình rất vui. Hai vợ chồng đang bàn nhau cố gắng làm ăn để mong thoát cái nghèo, đuổi cái khổ đi.

Hiện nay, ngoài chăn nuôi 5 con bò, thì gia đình còn có đôi lợn vừa được cấp trên hỗ trợ theo mô hình sinh kế thoát nghèo bền vững. 

Bản Huồi Thợ xã Hữu Kiệm có 175 hộ thì chỉ còn 25 hộ nghèo (Trong ảnh: lúa rẫy của bà con sau thu hoạch được phơi cẩn thận).
Bản Huồi Thợ xã Hữu Kiệm có 175 hộ thì chỉ còn 25 hộ nghèo (Trong ảnh: Lúa rẫy của bà con sau thu hoạch được phơi cẩn thận)

Rời bản Na Nhu khi mặt trời đã gần đứng bóng, chúng tôi ghé thăm bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm. Trên con đường bê tông dẫn sâu vào bản là những mái nhà san sát nhau. Khi chúng tôi ghé thăm gia đình anh Moong Văn Hợi, được biết anh đang đi làm ăn xa, vợ của Hợi e dè, bế con ngồi ở mép dường rồi nhỏ nhẹ: Có nhà mới rồi, vợ chồng rất yên tâm. Em bàn với anh ấy chịu khó đi làm để có tiền nuôi con và dựng lại cái nhà bếp đã cũ.

Góp chuyện với chúng tôi, Trưởng bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm - Moong Văn Thành bảo: Cả bản có 175 hộ, thì chỉ còn 25 hộ nghèo nữa thôi. Bà con ai cũng nỗ lực, phấn đấu lao động sản xuất để đuổi cái nghèo. Từ khi có chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở, nhiều hộ nghèo, khó khăn về nhà ở đã được hỗ trợ để làm mới; là động lực rất lớn để bà con cố gắng, vươn lên trong cuộc sống.

Một nếp nhà mới được hỗ trợ xây dựng đảm bảo tiêu chí 3 cứng ở Huồi Thợ xã Hữu Kiệm
Một nếp nhà mới được hỗ trợ xây dựng đảm bảo tiêu chí "3 cứng" (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) ở Huổi Thợ, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn

Những căn nhà được hỗ trợ xây dựng mới ở huyện Kỳ Sơn, là khoản tiền 40 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn I: từ năm 2021-2025, cùng với 6 triệu đồng tiền hỗ trợ của MTTQ huyện, tiền tích cóp của gia đình và khoản vay từ Ngân hàng chính sách xã hội.

Tính đến nay, toàn huyện Kỳ Sơn đã có 113 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở, nhân thêm những niềm vui về một cuộc sống an cư. Thực tế thì, nhu cầu xây dựng nhà ở của người dân Kỳ Sơn hãy còn rất lớn. Nhưng định mức hỗ trợ thấp dẫn tới nhiều hộ gia đình khó có điều kiện dựng nhà. Tổng các nguồn vốn cấp trên hỗ trợ chưa đến 50 triệu đồng; trong khi, giá nguyên vật liệu ở địa bàn miền núi rất cao.

Ông Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Kỳ Sơn bấm ngón tay: Một căn nhà cần khoảng 30 mét khối cát, mỗi mét khối là 500 ngàn đồng, tính ra là hết 15 triệu đồng; mua 10.000 viên taplo hết 25 triệu đồng; 10 tấn xi măng hết 15 triệu đồng. Nhẩm tính ra thì với những hộ khó khăn yếu thế là rất khó làm. Vì thế, cấp trên cần nghiên cứu, xem xét điều chỉnh đơn giá hỗ trợ lên 60-70 triệu đồng/căn nhà, tùy theo vùng miền.

Trưởng bản Huồi Thợ xã Hữu Kiệm - Moong Văn Thành (bìa trái) cùng cán bộ Phòng Dân tộc huyện thăm gia đình anh Moong Văn Hợi vừa mới chuyển vào ở trong ngôi nhà mới
Trưởng bản Huồi Thợ xã Hữu Kiệm - Moong Văn Thành (bìa trái) cùng cán bộ Phòng Dân tộc huyện thăm gia đình anh Moong Văn Hợi vừa mới chuyển vào ở trong ngôi nhà mới

Từ nguồn vốn từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn I: Từ năm 2021-2025 đã có 580 hộ trên toàn tỉnh Nghệ An được tiếp cận nguồn kinh phí để dựng nhà mới đảm bảo đủ tiêu chí "3 cứng: nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng". Chỉ bấy nhiêu thôi, cũng đã nhen lên niềm tin, nghị lực sống cho những mảnh đời còn nhiều khó nhọc.

Từ nguồn vốn vay hỗ trợ làm nhà, hỗ trợ phát triển kinh tế dành cho vùng đồng bào DTTS&MN; thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội của toàn tỉnh Nghệ An, dư nợ các chính sách đặc thù cho đối tượng vùng DTTS&MN tính đến 30/6/2024 là trên 1.238 tỷ đồng, cho 26.408 hộ DTTS.

Tin cùng chuyên mục
Cao Bằng: Đẩy mạnh phát triển thương mại ở địa bàn đặc biệt khó khăn

Cao Bằng: Đẩy mạnh phát triển thương mại ở địa bàn đặc biệt khó khăn

Từ nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Cao Bằng đang đẩy mạnh phát triển thương mại ở địa bàn đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ truyền thống, tỉnh cũng chú trọng hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, tạo động lực thúc đẩy kinh tế số.