Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chương trình 1719

Nghệ An: Chương trình MTQG hỗ trợ các dự án đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị

An Yên - 10:47, 25/10/2024

Mặc dù trong những năm gần đây, tỉnh Nghệ An rất chú trọng đa dạng, phong phú về chủng loại trong sản xuất nông nghiệp, nhưng do nhiều nguyên nhân, nông sản Nghệ An vẫn chủ yếu đang dừng lại ở xuất thô, giá trị thấp. Thiết lập được chuỗi liên kết trong sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản với nguồn kinh phí hỗ trợ từ các Chương trình MTQG nhằm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp đang là vấn đề được tỉnh Nghệ An đẩy mạnh.

Nông dân huyện Anh Sơn liên kết sản xuất chè nguyên liệu cho nhà máy
Nông dân huyện Anh Sơn liên kết sản xuất chè nguyên liệu cho nhà máy

Giá trị thấp, quy mô nhỏ lẻ…

Nghệ An là tỉnh có nhiều lợi thế so sánh về phát triển nông nghiệp, với tổng diện tích đất nông nghiệp hơn 1,4 triệu ha (đất sản xuất nông nghiệp 303.919ha, rừng và đất lâm nghiệp là 1.148.453,6ha, đất nuôi trồng thủy sản 9.533,5ha). Phần lớn diện tích này là rừng và đất lâm nghiệp, phân bố ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), có nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trên quy mô lớn, tập trung, tạo vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông sản từ cây công nghiệp dài ngày, ngắn ngày, cây ăn quả và dược liệu, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản.

Thế nhưng, việc tổ chức sản xuất các sản phẩm nông nghiệp vẫn mang tính nhỏ lẻ manh mún, công nghệ lạc hậu, chất lượng thấp và sản xuất mang tính chất hàng hóa lớn, tập trung chiếm tỷ lệ còn thấp, do vậy chi phí sản xuất đầu vào cao, đầu ra khó tiêu thụ.

Trong khi đó, thị trường tiêu thụ hàng hóa thường xuyên bị tình trạng được mùa thì rớt giá, mất mùa thì giá tăng nên không ổn định; gây tâm lý bất an, băn khoăn cho người dân vùng sản xuất. 

Nhìn từ cây gừng, được trồng trên các triền núi cao ở Kỳ Sơn, với diện tích lên đến gần 1.000ha, nhưng giá cả cũng phập phù. Dù đã có chỉ dẫn địa lý, là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh, nông sản này vẫn rơi vào tình cảnh có những năm còn kêu gọi giải cứu. Nguyên nhân là do chưa có nhà máy chế biến, nhưng diện tích thì cứ mở rộng qua từng năm dẫn đến cung vượt cầu; chưa kể gừng ngoại từ Lào, Trung Quốc tràn vào có giá rẻ hơn.

Ngay cả cây keo nguyên liệu, hồi giữa năm 2023, cũng trên đà lao dốc. Giá bán thấp, nhiều diện tích keo ở các huyện miền núi Nghệ An không thể thu hoạch, kéo dịch vụ “ăn theo” như nghề bóc vỏ, chặt cây và thậm chí là nhiều xưởng chế biến đóng cửa.

Liên kết trồng và tiêu thụ dứa ở xã Tân Thắng huyện Quỳnh Lưu
Liên kết trồng và tiêu thụ dứa ở xã Tân Thắng huyện Quỳnh Lưu

Ở thời điểm hiện tại, nhiều loại dược liệu như trà hoa vàng, sâm 7 lá 1 hoa, nhân trần… đang được bán giá thấp do xuất thô, chế biến chưa sâu. Thực tế này dẫn đến thu nhập của người dân tham gia trồng, chưa cao.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đó là thiếu sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân trong việc tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm. Do đó, phát triển nông nghiệp đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo liên kết chuỗi giá trị sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm là xu hướng tất yếu nhằm tạo bước đột phá để nâng cao sức cạnh tranh của nền sản xuất nông nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế, là bước đi quan trọng trong việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.

Để làm được điều này, việc nghiên cứu đánh giá thực trạng liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản trong chuỗi giá trị giữa nông dân - doanh nghiệp là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Kỳ vọng từ Chương trình MTQG

Quan điểm xác định của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Nghệ An hiện nay là, tạo đột phá trong khâu chế biến, bảo quản nông sản, xây dựng các sản phẩm có đầy đủ bao bì, nhãn mác để cung ứng ra thị trường là chìa khoá để nâng cao giá trị nông sản. Mặt khác, những năm gần đây, Sở cũng đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hiệu quả, bền vững nâng cao giá trị gia tăng thông qua thiết lập các mối liên kết bền chặt trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ. 

Chủ trương này hoàn toàn phù hợp với việc triển khai nội dung 2, Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN giai đoạn I: Từ năm 2021-2025, là phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Theo đó, từ nguồn lực thực hiện nội dung này, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu xuất hiện những mô hình liên kết sản xuất hiệu quả, góp phần tăng trưởng nông nghiệp theo hướng phát triển hiệu quả, bền vững; đồng thời cũng đã hình thành nhiều chuỗi liên kết, hợp tác hiệu quả trong sản xuất và chế biến, qua đó nâng cao giá trị nông sản sau thu hoạch.

Công ty CP Sản xuất và thương mại gỗ Thanh Chương thu mua gỗ keo của nông dân để sản xuất viên nén
Công ty CP Sản xuất và thương mại gỗ Thanh Chương thu mua gỗ keo của nông dân để sản xuất viên nén

Thực tế thì, liên kết gắn sản xuất và tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Không những giúp nâng cao lợi ích của các tác nhân tham gia, đặc biệt đối với nông dân; hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tăng quy mô sản xuất hàng hóa, liên kết còn cho phép áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp, đảm bảo chất lượng sản phẩm; cũng như nâng cao năng lực quản lý điều hành và tổ chức sản xuất theo hợp đồng nhằm tránh tình trạng “được mùa mất giá”. 

Ngoài ra, giúp doanh nghiệp chủ động được nguyên liệu, tạo điều kiện ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 25 Dự án/Kế hoạch liên kết sản xuất được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ, với tổng kinh phí hỗ trợ lên tới gần 36 tỷ đồng. Tổng số hộ dân tham gia trong các Dự án/Kế hoạch liên kết là 6.206 hộ, với tổng quy mô thực hiện liên kết là 2.424ha, với đa dạng sản phẩm như lúa giống, lúa thương phẩm; chè; ngô; ớt cay; các sản phẩm chế biến từ cây chanh, cây sen, cây cà gai leo, cây dây thìa canh, gỗ rừng trồng và rau, củ, quả an toàn. Ngoài ra, còn có chăn nuôi gà với quy mô 23.500 con gà thịt/lứa.

Việc hỗ trợ máy móc, thiết bị cho các HTX, Doanh nghiệp để phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản nhằm nâng cao chất lượng và giá trị nông sản đã được quan tâm hơn. Một số đơn vị đã thực hiện rất tốt khâu sơ chế, chế biến sản phẩm sau thu hoạch như HTX Dược liệu Pù Mát, HTX Lâm nghiệp tổng hợp Quỳnh Thắng…

Bà Võ Thị Nhung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An chia sẻ: Liên kết gắn liền với sự sống còn của doanh nghiệp, HTX và nông dân, là hình thức tổ chức tiên tiến, hướng tới việc xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững đưa nông nghiệp đến một tầm phát triển cao hơn.

Ngoài các mô hình liên kết sản xuất được hỗ trợ theo các chính sách của Nhà nước, hoạt động liên kết sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh cũng đã có những sự chuyển biến rõ rệt, tăng cả về số mô hình cũng như quy mô, sản lượng, giá trị liên kết. Điều đó cho thấy, nhận thức của người dân về lợi ích khi tham gia liên kết cũng đã có sự thay đổi mạnh mẽ. 

Từ hình thức sản xuất nhỏ lẻ đang dần chuyển sang sản xuất tập trung, quy mô lớn, hàng hóa; nhằm tăng nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất và góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân; góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục