Tỉ lệ ca nhiễm mới đứng thứ 2 cả nước
Những ngày qua, khi cả nước bước vào những ngày làm việc đầu tiên sau kì nghỉ tết, tỉ lệ các ca lây nhiễm Covid-19 ở Nghệ An tăng chóng mặt. Có những ngày, mà tỉ lệ ca nhiễm mới tăng hơn 2.500 trường hợp. Dẫn đầu các đơn vị có tỉ lệ cao lây nhiễm cao vẫn là Thành phố Vinh với 1.669 trường hợp, tiếp theo là Nghi Lộc 906 ca, Diễn Châu 758 ca, Yên Thành 735 ca, Quỳnh Lưu 648 ca, Đô Lương 567 ca…
Theo ông Chu Trọng Trang - Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu mùa dịch đến nay, Nghệ An đã ghi nhận 21.984 ca mắc Covid-19, đứng thứ 30 của cả nước. Trung bình số ca mắc trong 12 ngày qua là 672.0 ca/ngày, 136 ca cộng đồng/ngày. Số ca mắc tăng hơn gấp đôi so với trước Tết. Đặc biệt là từ ngày 6/2 đến nay (10/2), có những ngày Nghệ An có số ca mắc trên 2.500 ca.
Nguyên nhân dẫn đến số ca mắc Covid-19 mới ở Nghệ An tăng cao trong những ngày qua là do người dân Nghệ An từ các tỉnh khác về ăn tết tương đối đông, kèm theo số ca mắc Covid-19 cũng nhiều dẫn đến lây nhiễm trong gia đình, người thân. Trong những ngày tết, người dân đi thăm hỏi, chúc tết nhiều, đặc biệt là các lễ hội tập trung đông người là nguyên nhân lớn gây nên tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng .
Bên cạnh đó, trong những ngày tết, người dân không khai báo và không đi khám bệnh nên những ngày cuối kỳ nghỉ tết số lượng người có nguy cơ, biểu hiện lâm sàng mới đi test. Hơn nữa, để chuẩn bị đi làm dịp đầu năm, một số cơ quan, nhà máy yêu cầu nhân viên đi test Covid trước khi đến công sở dẫn đến số lượng F0 tăng đột biến. Ngoài ra, cũng do tâm lí của một bộ phận người dân chủ quan khi đã tiêm đủ 2 liều vắc xin nên không tuân thủ công tác phòng chống dịch cũng như thực hiện tốt 5K.
Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An Chu Trọng Trang cho rằng: Quá trình cách ly điều trị F0 tại nhà cũng có thể là một nguyên nhân lây nhiễm khi quá trình thực hiện cách ly không đúng quy trình, cơ sở vật chất của nhiều gia đình không đảm bảo quy định. Bên cạnh đó, không khí tết đã lấn át, khiến nhiều người lơi là các biện pháp phòng dịch.
Linh hoạt ứng phó với dịch bệnh Covid-19
Trước tình hình diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, UBND huyện Yên Thành (Nghệ An) đã ra quyết định thành lập 39 trạm y tế lưu động phòng, chống dịch Covid-19 được phân bố theo cụm dân cư trong toàn huyện.
Trên tinh thần này, mỗi xã, thị trấn tại Yên Thành bố trí 1 Trạm y tế lưu động, trưng dụng 1 đến 2 phòng của Trạm Y tế xã, thị trấn để bố trí nơi làm việc cho Trạm Y tế lưu động. Trước mắt bố trí mỗi Trạm Y tế xã, thị trấn cử 2 cán bộ tham gia điều hành hoạt động của Trạm Y tế lưu động.
Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thành - Hoàng Danh Truyền thông tin: Trạm Y tế lưu động có chức năng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng; điều trị các ca mắc Covid-19 tại nhà; kết nối giữa chăm sóc, quản lý người mắc Covid-19 tại nhà với cơ sở điều trị người mắc Covid-19, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời.
Theo ông Truyền, căn cứ diễn biến của dịch Covid-19, UBND huyện Yên Thành sẽ xem xét, quyết định kích hoạt Trạm Y tế lưu động ngay khi trên địa bàn có trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên được cách ly, theo dõi và điều trị tại nhà; đồng thời quyết định tạm dừng hoặc giải thể Trạm Y tế lưu động tại thời điểm phù hợp.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp nên têu chí 5k là rất quan trọng. Với phương châm hạn chế tập trung đông người, đảm bảo cho công tác phòng dịch tốt hơn, UBND phường Hồng Sơn (TP. Vinh) đã triển khai lực lượng về các khối để tiêm vắc xin cho người dân theo hình thức lưu động từ ngày 9/2.
Ông Từ Trọng Hải - Chủ tịch UBND phường Hồng Sơn chia sẻ: Chúng tôi đã lập 4 điểm lưu động để tiêm vắc xin cho 7 khối. Hình thức này giúp người dân tiết kiệm được thời gian, quãng đường di chuyển, do đó, ý thức đi tiêm vắc xin của người dân được nâng cao. Có những người dân tuổi cao, có lý do đặc biệt, không thể đến các điểm tiêm như cũ thì nay vị trí tiêm đã ở gần nơi mình sinh sống nên họ cũng tranh thủ để đi tiêm phòng. Đặc biệt, việc hạn chế tụ tập đông người đã giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh rất tốt.
Hiện tại, một số cấp, bậc học ở Nghệ An đã chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến. Theo đó, từ chiều 9/2, toàn bộ bậc tiểu học và khối lớp 6 của TP. Vinh sẽ chuyển sang dạy học trực tuyến. Nhiều địa phương khác ở Nghệ An như Yên Thành, Diễn Châu cũng đã cho bậc học mầm non tạm nghỉ học để phòng chống dịch bệnh.
Về công tác đối phó với làn sóng dịch Covid-19 đang dâng cao sau tết, Giám đốc sở y tế Nghệ An Dương Đình Chỉnh yêu cầu các đơn vị chủ động tham mưu UBND cấp huyện căn cứ tình hình diễn biến dịch trên địa bàn, khẩn trương củng cố, bổ sung nhân lực và mở rộng các Trạm Y tế lưu động tại các xã/phương/thị trấn để hướng tới triển khai chăm sóc, theo dõi sức khỏe F1 và bệnh nhân Covid-19 tại nhà/nơi lưu trú.
“Phải chủ động phương án mở rộng năng lực thu dung, điều trị của các cơ sở y tế trên địa bàn để thực hiện hiệu quả công tác khám, chữa bệnh thông thường và điều trị, hồi sức tích cực Covid-19, đặc biệt là các cơ sở thu dung điều trị Covid-19 tuyến huyện. Đảm bảo đủ vật tư y tế, cơ số thuốc, hóa chất phục vụ công tác điều trị, cấp cứu”, ông Chỉnh nhấn mạnh.
Theo ông Chỉnh, quá trình tổ chức xét nghiệm, sử dụng sinh phẩm xét nghiệm sàng lọc phải thực hiện theo đúng đối tượng nguy cơ quy định của Bộ Y tế. Các cơ sở khám chữa bệnh công lập không thực hiện thu phí test nhanh mẫu gộp đối với người dân có nhu cầu. Rà soát bổ sung đầy đủ vật tư, hóa chất, trang thiết bị đảm bảo đáp ứng nhu cầu chống dịch khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn. Đặc biệt, các đơn vị phải chủ động tham mưu Ban chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng Covid-19 cấp huyện để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong việc triển khai chiến dịch tiêm chủng đúng đối tượng, đúng thời gian…