Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Thúc đẩy các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa để thích ứng an toàn, với đại dịch

Vân Khánh - 19:46, 21/12/2021

Khi các bệnh viện, khu điều trị dã chiến, các đội xe cấp cứu 115,… đều quá tải, các bác sỹ thuộc các Phòng/Tổ y tế từ xa trở thành chiếc “phao cứu sinh” duy nhất của các bệnh nhân F0. Mô hình này triển khai hiệu quả ở TP. Hồ Chí Minh và đang được Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (AT&VSLĐ) nghiên cứu nhân rộng, từ đó thúc đẩy các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa, nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch Covid – 19.

Bác sỹ,TS Trịnh Hồng Lân (người ngồi đầu tiên phía bên phải) triển khai tư vấn điều trị F0 và tư vấn phòng chống dịch COVID-19 cho cán bộ quản lý, người lao động Công ty TNHH may Tiến Thuận, tỉnh Ninh Thuận.
Bác sỹ,TS Trịnh Hồng Lân (người ngồi đầu tiên phía bên phải) triển khai tư vấn điều trị F0 và tư vấn phòng chống dịch COVID-19 cho cán bộ quản lý, người lao động Công ty TNHH may Tiến Thuận, tỉnh Ninh Thuận.

“Phao cứu sinh” trong mùa dịch

Đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh trên cả nước, nhất là tại “tâm dịch” TP. Hồ Chí Minh đã cơ bản được kiểm soát, khi hầu hết mọi người đã được tiêm Vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên, số ca mắc COVID-19 vẫn cao ở nhiều địa phương, trong đó có nhiều ca bệnh F0 dù đã được tiêm đầy đủ vaccine.

Đáng chú ý là tại nhiều địa phương khu vực ĐBSCL, số ca mắc COVID-19 tăng cao, nhiều ca trong cộng đồng, nhiều doanh nghiệp xuất hiện nhiều ổ dịch có hàng chục người lao động bị nhiễm. Nhiều điạ phương có hệ thống y tế cơ sở còn hạn chế, như ở Tỉnh Ninh Thuận, rất cần hỗ trợ từ các cơ sở y tế, các tổ chức có năng lực tư vấn, điều trị, phương pháp điều trị, nhất là điều trị từ xa.

Tại Công ty Chế biến thủy sản Thông Thuận và Công ty Tiến Thuận, đều đóng tại TP. Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), hiện có hàng chục F0 là người lao động. Tính đến ngày 1/12/2021, tổng số ca F0 của Công ty Thông Thuận là trên 50 công nhân, của Công ty May Tiến Thuận là 195 công nhân. Hầu hết số công nhân của công ty bị F0 đã được cách ly và điều trị tại nhà.

Tuy nhiên, theo phản ánh của cán bộ quản lý các công ty, nhiều ca F0 của công ty trong những ngày qua rất khó khăn tiếp cận được các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe ở địa phương. Nguyên nhân là do các tuyến y tế cơ sở ở địa phương cũng đang bị quá tải do dich bệnh Covid-19 trên địa bàn.

Để kịp thời hỗ trợ bệnh nhân của 2 công ty này, ngày 1/12/2021, Viện Khoa học ATVSLĐ phối hợp cùng Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận đã triển khai thực hiện mô hình “Phòng y tế từ xa” tại Công ty chế biến Thủy sản Thông Thuận và Công ty May Tiến Thuận. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh cùng phần mềm Zalo, các bác sỹ thuộc Phòng y tế từ xa đã có thể tiếp cận, tư vấn, khám, hội chẩn và điều trị bệnh cho các F0 bị Covid -19 được cách ly và điều trị ở nhà.

TS. Nguyễn Anh Thơ, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học AT&VSLĐ (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, để đáp ứng yêu cầu của Chính phủ là vừa bảo đảm phát triển sản xuất, phát triển kinh tế vừa bảo vệ sức khỏe người lao động, mô hình “Phòng y tế từ xa” đã được đưa vào hoạt động để tư vấn tâm lý, khám và điều trị, chăm sóc các ca F0 được cách ly và điều trị ở nhà (hay được cách ly tại các doanh nghiệp). Mô hình do Viện Khoa học AT&VSLĐ đã phối hợp với Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường Đại học Công đoàn, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường phối hợp triển khai.

“Việc ra đời các “Phòng y tế từ xa” sử dụng các nền tảng công nghệ để khám và điều trị, chăm sóc, tư vấn từ xa (online) cho các F0 là người lao động được cách ly tại các doanh nghiệp hay tại nhà. Đây là mô hình chăm sóc sức khỏe rất cần thiết và phù hợp trong bối cảnh hiện nay”, ông Thơ khẳng định.

Quyền Viện trưởng Nguyễn Anh Thơ, Viện Khoa học AT&VSLĐ và BS,TS Trịnh Hồng Lân (người ngồi giữa bên phải) triển khai tư vấn điều trị F0 và tư vấn phòng chống dịch COVID-19 cho cán bộ quản lý, người lao động Công ty TNHH may Tiến Thuận, tỉnh Ninh Thuận.
Quyền Viện trưởng Nguyễn Anh Thơ, Viện Khoa học AT&VSLĐ và BS,TS Trịnh Hồng Lân (người ngồi giữa bên phải) triển khai tư vấn điều trị F0 và tư vấn phòng chống dịch COVID-19 cho cán bộ quản lý, người lao động Công ty TNHH may Tiến Thuận, tỉnh Ninh Thuận.

Thích ứng an toàn để kiểm soát dịch

Theo BS.TS Trịnh Hồng Lân, các Phòng y tế từ xa là sự “nâng cấp” từ mô hình Tổ y tế từ xa. Mô hình này đã được triển khai lần đầu tại TP. Hồ Chí Minh từ tháng 8/2021, với các “Tổ y tế từ xa” khi dịch Covid-19 đang bùng phát dữ dội ở địa phương này.

“Khi đó, hệ thống y tế TP. Hồ Chí Minh đã bị quá tải trầm trọng, rất nhiều ca bệnh F0 hoàn toàn không thể tiếp cận được với hệ thống y tế. Trong tình huống khó khăn này, việc ra đời các Tổ y tế từ xa, đã góp phần rất quan trọng trong việc giúp đỡ các bệnh nhân mắc Covid-19 được cách ly và điều trị tại nhà; đồng thời góp một phần quan trọng giúp giảm tải cho các cơ sở y tế, giúp ngăn chặn các ca bệnh chuyển nặng hoặc tử vong”, ông Lân cho hay.

Theo ông Lân, sau khi có mô hình Tổ y tế từ xa, các bác sỹ của Viện Khoa học AT&VSLĐ đã tình nguyện tham gia vào một Tổ y tế từ xa từ đó tới nay. Hiện nay, dù đã cơ bản kiểm soát được dịch nhưng các bác sỹ của Viện, hàng ngày vẫn tiếp tục tiếp nhận và điều trị cho hàng chục ca bênh F0.

“Tuy nhiên, việc điều trị đã nhẹ nhàng hơn giai đoạn tháng 8-9 rất nhiều vì đa số các ca F0 đều có các triệu chứng rất nhẹ, ít có nguy cơ chuyển nặng như trước đây”, ông Lân chia sẻ.

Quyền Viện trưởng Viện Khoa học AT&VSLĐ Nguyễn Anh Thơ cho biết, hiện nay, nhiều địa phương đã triển khai việc cách ly, điều trị bệnh nhân F0 tại nhà. Tuy nhiên, trong việc quản lý, điều trị F0 tại nhà vẫn còn những lỗ hổng.

Đáng chú ý nhất là tình trạng một số trường hợp F0 tự phát hiện, nhưng không báo cơ sở y tế hoặc báo cáo nhưng chưa được can thiệp kịp thời; phân loại nguy cơ chưa sát theo hướng dẫn. Một số trường hợp sử dụng thuốc tại nhà chưa theo hướng dẫn của Bộ Y tế như dùng thuốc chống đông, chống viêm quá sớm… Do đó, việc triển khai mô hình y tế từ xa để hỗ trợ, hướng dẫn bệnh nhân, tư vấn tâm lý, dinh dưỡng, tập luyện cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà là hết sức cần thiết.

“Thông qua các hoạt động khám chữa bệnh Covid -19 online cho các ca F0 tại nhà trong thời gian mấy tháng qua, Viện Khoa học AT&VSLĐ đang thúc đẩy các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa. Đây là dịch vụ y tế , nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch Covid - 19, cũng như tiến tới kiểm soát hầu hết các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ, cháy nổ và môi trường trong lao động, sản xuất”, ông Thơ khẳng định.

Tin cùng chuyên mục
Người bị bệnh sán lá gan cần lưu ý những gì?

Người bị bệnh sán lá gan cần lưu ý những gì?

Sán lá gan là loại ký sinh trùng có thể lây nhiễm sang người và gây bệnh gan, ống mật. Bệnh sán lá gan có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Do đó, bạn cần hiểu rõ về nguyên nhân gây bệnh, con đường lây lan của bệnh để có biện pháp phòng tránh kịp thời và bảo vệ lá gan khỏe mạnh.