Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nghề nghiệp - Việc làm

Nghề dệt chiếu của đồng bào Khmer

Phương Nghi - 23:00, 11/01/2023

Làng Cà Hom – Bến Bạ của đồng bào Khmer xã Hàm Tân (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) gần 100 năm qua vẫn duy trì nghề dệt chiếu truyền thống và giúp người dân có cuộc sống ổn định, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giàu từ nghề dệt chiếu.

Hiện tại, làng dệt chiếu Cà Hom - Bến Hạ đã sử dụng máy móc ở một số công đoạn, góp phần nâng cao năng xuất, tăng thu nhập cho người dân
Hiện tại, làng dệt chiếu Cà Hom - Bến Hạ đã sử dụng máy móc ở một số công đoạn, góp phần nâng cao năng xuất, tăng thu nhập cho người dân

Hiện nay, làng dệt chiếu truyền thống tập trung ở các ấp Chợ, Cà Hom và Bến Bạ với khoảng 300 hộ, đã giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động ở các khâu như trồng lát, sơ chế nguyên liệu lát, dệt và tiêu thụ. Năm 2021, làng nghề dệt chiếu Hàm Tân sản xuất được 49.600 chiếc chiếu các loại (dệt máy 16.800 chiếc, dệt thủ công 32.800 chiếc), tổng giá trị đạt 5,46 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 2,5 tỷ đồng. Nhìn những chiếc chiếu dệt ra từ những đôi bàn tay khéo léo của người thợ dệt chiếu ở Hàm Tân được thương lái thu gom, đưa đi tiêu thụ các nơi, góp sức đưa làng nghề truyền thống ngày càng vươn xa.

Chị Danh Kim Huôi, ấp Cà Hom (xã Hàm Tân, huyện Trà Cú – Trà Vinh), trên khung dệt chiếu, thường có hai người, một người ngồi dập khung, người ngồi bên cạnh luồn từng sợi lác vào khuôn
Bên khung dệt chiếu, thường có hai người, một người ngồi dập khung, người ngồi bên cạnh luồn từng sợi lác vào khung

Nghề dệt chiếu ở Hàm Tân với hình thức cha truyền con nối, được tỉnh Trà Vinh công nhận làng nghề năm 2014, chủ yếu sản xuất các sản phẩm chiếu hoa (chiếu hoa dệt 2 mặt), chiếu trắng, chiếu nhấn chữ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của gia đình, lễ hội và sản xuất các mặt hàng chiếu dùng trong bệnh viện, chiếu trải ghế dài, thảm lót sàn…

Để có một đôi chiếu hoa đẹp và bền, anh Thạch Khanh - nghệ nhân dệt chiếu ở ấp Chợ, xã Hàm Tân cho biết: “Trước đây, chiếu hoa của làng chiếu Hàm Tân được nhiều người tiêu dùng biết đến và sản phẩm có mặt hầu hết ở các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, nghề dệt chiếu hoa còn rất ít trong các gia đình làm nghề dệt chiếu truyền thống ở Hàm Tân, nguyên nhân do dệt chiếu hoa đòi hỏi sự công phu hơn dệt chiếu trắng. Hiện nay, giá mỗi đôi chiếu hoa đặt hàng từ 240.000 - 260.000 đồng, mỗi ngày gia đình có 2 người dệt được 1 đôi chiếu hoa khổ 1,6 x 2m, trừ chi phí lợi nhuận được khoảng 140.000 đồng. Mặc khác việc dệt chiếu hoa chỉ tập trung rộ vào thời điểm cuối năm hoặc các dịp Tết cổ truyền của bà con người Kinh và Khmer”.

Người dân làng chiếu Hàm Tân thu hoạch lác để dệt chiếu truyền thống
Người dân làng chiếu thu hoạch lác- nguyên liệu chính để làm chiếu

Có tận mắt chứng kiến quy trình mới thấy tay nghề của người thợ rất quan trọng, phải đan thế nào để chiếu vừa khít, đều và có độ bền. Chị Danh Kim Huôi, ấp Cà Hom (xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) chia sẻ: Từ nhỏ tôi đã học nghề dệt chiếu từ gia đình. Nghề này cực nhất là lúc đi cắt lác, chẻ lác, phơi khô. Để dệt ra một chiếc chiếu thường mất khoảng vài tiếng đồng hồ, đòi hỏi người dệt phải cẩn thận, tỷ mỉ trong từng công đoạn.

“Khi dệt chiếu cần hai người cùng làm, thông thường khi căng đai xong thì người thợ chính sẽ ngồi lên khung, người thứ hai luồn từng sợi lác vào khuôn và người thợ chính sẽ dùng sức lực dập mạnh vào lác để kết chặt lác vào nhau. Động tác dập phải dứt khoát, đủ độ mạnh để lác thẳng hàng, không xếp chồng lên nhau dẫn đến gãy lọn. Hiện nay, giá mỗi đôi chiếu trắng có giá từ 120.000 - 150.000 đồng/đôi, trừ chi phí còn khoảng 60.000 - 80.000 đồng; hộ nào có khung thì dệt chiếu, không có thì làm lác, tuy thu nhập không cao nhưng vẫn đảm bảo trang trải sinh hoạt gia đình”, chị Huôi nói.

Đến với làng nghề dệt chiếu ở Hàm Tân, những người thợ dệt chiếu vẫn miệt mài bên khung cửi, qua bàn tay khéo léo, những sợi lác thô kệch được kết thành những sản phẩm độc đáo; không chỉ là kế sinh nhai, mà còn là nghề truyền thống đang được người dân Khmer ở đây bảo tồn, phát huy.

Tin cùng chuyên mục
Màu hoa lửa chênh chao

Màu hoa lửa chênh chao

Từ thế hệ này sang thế hệ khác, nghề rèn xứ Cố Đô thủa xưa được giữ lại cho đến tận bây giờ, bất chấp những đổi thay của thời cuộc. Dẫu nhiều khốn khó và nặng nhọc, nhưng nhờ nghề này nhiều người dân tại các làng nghề đã phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vừa có thu nhập lại vừa giữ được nghề của cha ông truyền lại.