Một góc bến neo đậu tàu thuyền ở Sa KỳLàng An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ quê tôi những năm 60, 70 của thế kỷ trước hầu như phụ nữ nào cũng biết làm muối mắm và đi bán mắm. Mẹ tôi, một người đàn bà chịu thương chịu khó làm mắm, đi bán mắm đã cùng chồng nuôi 6 người con. Hằng ngày mẹ quần quật với công việc chọn cá, xát muối vào cá rồi cho vào lu đậy lại. Mẹ bảo, liều lượng để làm mắm là 3 cá, một muối, tức là 3kg cá trộn vào 1kg muối. Mỗi tháng một lần, mẹ mở nắp lu dùng cây gậy đánh vào trong lu mắm nhiều lần để cho mắm khỏi bị đóng váng. Để đúng một năm mới đem mắm ra lọc lấy nước mắm ngon. Do đó nghề làm mắm phải muối cá quanh năm thì mới có mắm bán thường xuyên.
Vào buổi tối, mẹ rửa sạch chai lọ để khô ráo rồi đi ngủ sớm, một giờ sáng sẽ dậy đong mắm vào chai rồi sửa soạn gánh đi bán. Mẹ đi khắp các làng quê trong và ngoài huyện. Có khi lên đến Sơn Hà hay Suối Bùn, Hành Tín, Nghĩa Hành. Mẹ bán mắm cho bao gia đình làm nghề nông, mẹ cho họ nợ rồi đến vụ thu hoạch lên đong lúa trừ nợ. Tích góp nhiều năm, mẹ mua được hàng trăm mét đất ruộng ở các làng quê Tịnh Hòa, Tịnh Thiện huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi.
Muối cá cơm để làm mắmNhững năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đêm đêm nghe bộ đội về làng mẹ đi gom nước mắm hỗ trợ cho bộ đội ăn no đánh giặc. Mẹ kể, hồi ấy đường sá đi lại khó khăn, mỗi ngày mẹ phải cuốc bộ gần trăm cây số bán hết gánh mắm rồi mới về. Có những đêm mùa Đông trời rét lạnh cũng phải đi, không đi thì lấy đâu ra gạo nuôi đàn con 6 đứa. Mùa Xuân năm 1970, có lần giặc đi càn, nhà bị đốt cháy, mấy lu mắm cá cơm mẹ mới muối cũng bị đổ vỡ. Không có mắm bán, nhà gặp khó khăn suốt mấy tháng trời. Mẹ phải đi mượn lúa nuôi các con, sau đó tích góp muối mắm gây dựng lại nghề.
Vùng biển có phong tục cũng rất hay, cá đánh bắt được về, cha mẹ thường chia cho các con trong nhà mỗi người một ít để muối mắm ăn và đem bán. Khi giặc đi càn, mẹ và cha đem các lu mắm ra sau vườn đào chôn xuống đất, giặc rút quân, lại đào lu mắm lên chế biến đem đi bán. Hằng năm, nhân dịp Tết mẹ thường chuẩn bị vài chục chai nước mắm nhỏ lù, đem biếu cho những hộ gia đình làm nông thường mua mắm của mẹ để ăn. Để cho con cháu nhớ nghề mẹ tôi thường hát ru các em tôi hai câu ca dao nói về nghề mắm quê hương:
“Muối Xuân An, Mắm Tịnh Kỳ
Khoai lang dưới trảng, gạo thì đàng Trung.”
Công đoạn muối cá làm mắm Về già, những năm 90 mẹ tôi không đi bán mắm nữa, nhà chỉ còn ít cái lu bỏ không. Tuy nhiên mỗi khi lên thăm con cháu ở thị xã Quảng Ngãi, thế nào mẹ tôi cũng mang cho mỗi đứa con, cháu ít chai mắm ngon nhỏ để chấm với thịt heo ba chỉ. Mẹ tôi đã rời cõi tạm hơn 10 năm rồi. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, chiều chiều cứ ngồi vào bữa ăn rót chén mắm ngon, tôi lại nhớ mẹ và nhớ nghề làm nước mắm truyền thống ở quê biển Sa Kỳ yêu thương của tôi.
“Con nhớ mãi có năm hè oi bức
Nơi quê nghèo khổ cực nhưng vui
Thời tiết đổi thay nước mắm trở mùi
Mẹ lo mắm bán không được
Lấy tiền đâu nuôi con học hành.”
Nghề cào sò vẫn còn ở vùng biển Tịnh Kỳ
Một góc bến neo đậu tàu thuyền ở Sa KỳTháng Giêng hằng năm là tháng đầu mùa cá cơm. Trời yên biển lặng, đàn chim hải âu thường tìm về ăn cá ở các bến neo đậu ghe mành. Làng trên xóm dưới rộn ràng mùa muối cá cơm làm mắm. Những phụ nữ quê tôi dùng xe máy chở cá đi lên thành phố muối mắm cho các hộ giàu có. Mỗi ngày kiếm ít nhất 500 đến 700 ngàn đồng. Mấy hôm nay, vùng biển Sa Kỳ, Quảng Ngãi được mùa cá cơm. Có ghe thu về gần trăm triệu đồng. Được mùa cá cơm, tôi lại nhớ mẹ tôi và về nghề mắm của mẹ, một đời lặn lội thân cò nuôi tôi lớn khôn.