Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nghề nghiệp - Việc làm

Nghề muối Ba khía ở Cà Mau: Di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc

PV - 11:50, 13/01/2020

Ba khía muối là một đặc sản nổi tiếng của người Cà Mau ở vùng ven biển có nước mặn. Đặc biệt, con Ba khía Gạch Gốc được xem là ngon nhất khu vực. Nghề truyền thống muối Ba khía được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào cuối năm 2019 vừa qua.

Một chủ cơ sở ba khía ở xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn (Cà Mau) đang thực hiện các công đoạn muối ba khía. Anh TL
Một chủ cơ sở ba khía ở xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn (Cà Mau) đang thực hiện các công đoạn muối ba khía. Anh TL

Ba khía và mật ong là sản phẩm gắn liền với đời sống của người dân mũi Cà Mau -vùng cực Nam Tổ quốc. Ba Khía quen thuộc đến mức những ai ở miệt này, dù phải sống ở xa xứ, khi nhắc đến món Ba khía muối là nhớ đến cồn cào, quặn thắt ruột gan, chảy tràn nước mắt...

Ba khía là loài thuộc họ nhà cua, sống nhiều trong các khu rừng ngập mặn ở Cà Mau. Ba khía sinh sản rất nhanh, vào tháng 10 âm lịch hằng năm, chúng tập trung sinh sôi có khi đến hàng triệu con ở một góc rừng. Người dân miệt rừng gọi hiện tượng này là ba khía hội. Ba khía muối có mùi vị rất đặc trưng, nức tiếng khắp mọi miền và trở thành đặc sản không thể không nhắc đến của Cà Mau.

Trước nhu cầu của thị trường, các hộ dân ở đây đã mở rộng quy mô sản xuất nghề muối Ba khía nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và đưa món ăn dân dã này đến với nhiều người hơn. Bà Nguyễn Thị Lẹ, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển - người có kinh nghiệm muối Ba khía hàng chục năm cho biết, có hai cách muối Ba khía. Cách thứ nhất là rửa sạch Ba khía, đem phơi khô, pha nước với muối và nước mắm đủ độ rồi cho trực tiếp con Ba khía vào muối luôn. Cách thứ hai, dùng hỗn hợp nước muối và nước mắm ngâm cho Ba khía chết, sau 5 - 7 giờ, nấu nước muối đó lại cho sôi đúng độ, để nguội, rồi pha chế với đường, bột ngọt, tỏi để muối Ba khía. 

“Hiện nay, đa số các nhà hàng ở Cà Mau đều có sẵn món Ba khía muối. Ngoài ra, con Ba khía giờ đã khoác áo “đặc sản” rồi, không còn bần hàn như xưa nữa, Nó đã có mặt khắp các nhà hàng sang trọng. Ăn Ba khía muối không chỉ gợi lại thời khốn khó, mà còn như đong đầy tình quê hương! Ăn để thương nhớ quê nhà”, bà Lẹ chia sẻ. 

Ba khía muối thành phẩm
Ba khía muối thành phẩm

UBND tỉnh Cà Mau có kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Để thực hiện đúng theo kế hoạch, tỉnh dự chi kinh phí khoảng 3,7 tỷ đồng, trong đó, ngân sách cấp tỉnh là 2,5 tỷ đồng, cấp huyện 550 triệu đồng và xã hội hóa 550 triệu đồng. 

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Cà Mau cho biết, tỉnh hiện có khoảng 400 hộ dân với trên 1.200 lao động trực tiếp tham gia sản xuất Ba khía muối, tập trung ở các huyện ven biển, nhiều nhất là huyện Năm Căn và Ngọc Hiển. Theo quy hoạch, trong những năm sắp tới, Cà Mau sẽ có 1.000 hộ làm nghề Ba khía muối, thu hút hàng vạn lao động tại chỗ, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 10 tấn sản phẩm. Đồng thời, để nghề này phát triển bền vững, chính quyền địa phương đã chỉ đạo tiến hành thành lập các Tổ hợp tác sản xuất, tiến tới thành lập Hợp tác xã sản xuất Ba khía. 

Sở sẽ sớm tổ chức công bố quyết định hai nghề truyền thống gác kèo ong thuộc huyện U Minh và Trần Văn Thời, cùng với nghề muối Ba khía ở Gạch Gốc tại huyện Ngọc Hiển, Cà Mau được Bộ VHTT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2019. Đây là cơ hội tốt để tỉnh tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa, đồng thời khai thác, phát triển du lịch.