Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Trách nhiệm trong từng mắt lưới

Hà Văn Đạo - 10:39, 23/12/2019

Đi dọc rải đất Duyên hải miền Trung dễ nhận ra song hành cùng nhiều xóm chài làm nghề nuôi trồng thủy hải sản là những người thợ đan lưới tận tâm. Mỗi đường đan, nốt thắt đều chứa ẩn khát vọng về sự bền chặt của sản phẩm, có khả năng chống chọi lại sự khắc nghiệt của thời tiết, góp phần tạo nên những mùa bội thu.

Khi làm lưới lồng, phải làm tỉ mẩn và trách nhiệm.
Khi làm lưới lồng, phải làm tỉ mẩn và trách nhiệm

Cùng nhau phát triển

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề gia công khung sắt và đan lưới cho lồng nuôi tôm hùm ở làng chài Xuân Hải, xã Xuân Hải, huyện Sông Cầu (Phú Yên), ông Lê Quốc Đạt - người thợ lão luyện chia sẻ: Kinh nghiệm trong nghề đan, bện lưới nuôi trồng thủy sản rất quan trọng. Cùng một chiếc lồng nhưng thợ yếu tay nghề thì qua vài mùa vụ lưới sẽ lỏng lẻo, thậm chí sóng lớn ập vào là tuột các mối thắt ra ngay. Lúc ấy vật nuôi của ngư dân mất hết. Nghề làm lưới tuy âm thầm nhưng có sự gắn kết vô hình rất chặt chẽ với người nuôi trồng.

Như cách giải thoát nặng nề trong nghĩ suy và nhẹ bớt những trăn trở, thợ đan lưới Trần Văn Hồng ở Xuân Hải bộc bạch: Sau trận bão lịch sử cách đây 2 năm, nhiều lồng lưới bị xé toang, thủy hải sản túa ra đại dương hết, nhất là tôm hùm. Dẫu biết lỗi không thuộc về những thợ lưới, nhưng tận mắt thấy nhiều mắt đan, nốt thắt buộc bung ra dễ dàng, áy náy lắm.

Anh Hồng thu hàng chục chiếc lưới hỏng về nghiên cứu để từ đó về sau làm tốt hơn. Tâm tình những lời chân thật, anh Hồng bảo: Sau lần ấy, tôi đến từng nhà người làm lưới, làm lồng nuôi giải thích cho họ hiểu ra rằng, khi bắt tay vào làm mỗi sản phẩm thì phải luôn thường trực ý nghĩ đó là làm cho mình, không đơn thuần là sự mua bán. Mồ hôi, nước mắt thậm chí có chủ lồng bè phải tai nạn tóe máu để chèo chống khi sự cố xảy ra. Vậy nên, làm nghề đan lưới, chế tác lồng bè phải tỷ mẩn từng chi tiết.

Nhiều lần ra tận các luồng nước xoáy khảo sát, ông Lê Quốc Đạt nhìn nhận: Hiện nghề đan lưới và làm lồng rất thịnh hành. Riêng tại Sông Cầu và một số làng chài lân cận có khoảng 280 thợ, cuộc sống người thợ khá giả dần lên. Vậy nhưng, quyết không chạy theo lợi nhuận.

Thương hiệu của sự cẩn thận

Ba đời làm nghề đan lưới, làm lồng nuôi thủy sản ở Hòa Xuân Nam, bà Huỳnh Thu Dung quả quyết: Giàu lên nhờ thủy sản, nhờ lồng lưới thật đấy nhưng giữ được thương hiệu cho nghề, cho chính bản thân mới là điều quan trọng. Có những lần đi thăm quan nhiều làng nghề khác thấy họ làm gian quá, bỏ qua rất nhiều công đoạn. Như vậy, người mua dễ gặp sự cố, thiệt hại về kinh tế ngay. Cứ mường tượng, một trận cuồng phong nhỏ mà lưới lẫn lồng đã bung các nốt thắt ra thì người thợ sao mà yên vui được.

Kinh nghiệm nhiều năm của các thợ lành nghề cho thấy, để bớt lệch pha, rủi ro, người nuôi cần phối hợp chặt chẽ với thợ làm lưới, làm lồng để cùng nhau góp ý, bàn bạc phương án chọn điểm đặt lồng, xây dựng lồng lưới, kiểu lồng… Thường, chỗ đặt các lồng lưới nuôi tôm cá là nơi có độ mặn cao, ít bị ảnh hưởng bởi lũ, lụt. Độ thưa, rày của mắt lưới phụ thuộc vào giống vật nuôi.

Theo UBND xã Hòa Xuân Nam, nghề làm lưới lồng hình thành và phát triển ngày càng mạnh mẽ song song với nghề nuôi trồng. Địa phương luôn khuyến khích tinh thần tương thân tương ái lẫn nhau giữa những người thợ và người nuôi trồng. Có những thợ lành nghề đồng thời nuôi thủy hải sản luôn nên họ hướng dẫn cách sử dụng tận tình cho những người xung quanh.