Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Ứng dụng - Sáng tạo

Nghệ nhân 80 tuổi phục dựng bờ xe nước Sông Trà

Trần Đình Quang- Xuân Thịnh - 09:21, 30/03/2025

Hàng chục năm qua, ven bờ Bắc sông Trà, thuộc xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi thấy một cụ già ngày ngày cặm cụi phục dựng bờ xe nước sông Trà - một công trình thủy lợi gắn liền với quy trình sản xuất lúa nước của người dân Quảng Ngãi xưa. Người miệt mài với công việc ấy là cụ ông Mai Văn Quýt, 80 tuổi, sống tại xã Tịnh Ấn Tây.

Mô hình bờ xe nước 9 bánh xe của ông Mai Văn Quýt.
Mô hình bờ xe nước 9 bánh xe của ông Mai Văn Quýt

Giữ hồn cho dòng sông quê hương

Bước sang tuổi 80, khi nhiều người cùng thế hệ đã an nhàn tuổi già, ông Quýt vẫn say mê lao động. Ngôi nhà đơn sơ của ông luôn đầy ắp tre nứa và các dụng cụ làm bờ xe nước. Lịch làm việc hằng ngày của ông khá đơn giản nhưng đầy đặn: sáng sớm tập thể dục, ăn sáng, nhâm nhi cà phê rồi ngồi vót tre, chẻ nan. Những ngày giáp Tết, khi khách hàng yêu cầu giao hàng đúng hẹn, ông làm việc cả vào ban đêm. Nhờ lao động tay chân và trí óc không ngừng nghỉ, ông Quýt giữ được sức khỏe dẻo dai, ít khi ốm đau.

Ông Quýt kể, cách đây khoảng 60 năm, khi chưa có công trình đại thủy nông Thạch Nham, dọc dòng sông Trà có gần trăm bờ xe nước hoạt động. Những bờ xe này đưa nước từ sông lên máng rồi chảy theo kênh để tưới cho các cánh đồng. Đây là công trình thủy lợi mang đầy tính sáng tạo của người nông dân Quảng Ngãi. Hằng năm, sau vụ thu hoạch lúa, người dân ven sông phải mất từ 4 đến 5 tháng để dựng lại bờ xe nước, chuẩn bị cho mùa sản xuất tiếp theo. Người chỉ huy công việc này được gọi là “ông trùm”. Những gia đình hưởng lợi từ nguồn nước đều phải đóng góp lúa, tu bổ hoặc làm mới bờ xe nước cho năm sau.

Ông Quýt cặm cụi chỉnh từng nan tre trên bánh xe
Ông Quýt cặm cụi chỉnh từng nan tre trên bánh xe

Những trưa hè thời thơ ấu, ông Quýt từng cùng bạn bè bơi lội trên sông, nghe tiếng nước rì rào từ bờ xe nước. Ký ức tuổi thơ đẹp đẽ ấy đã thôi thúc ông dành hàng chục năm cuối đời để phục dựng bờ xe nước sông Trà. Ông không làm vì mong được phong tặng danh hiệu nghệ nhân, mà chỉ mong bảo tồn nét văn hóa độc đáo cho thế hệ mai sau, để con cháu nhớ về con sông Trà cùng công trình văn hóa nông nghiệp cổ xưa.

Giá trị từ công trình thủy lợi cổ

Thấy được giá trị từ công việc của ông Quýt, nhiều lãnh đạo ngành và doanh nghiệp đã đến động viên, khích lệ ông. Cách đây hai năm, mô hình bờ xe nước sông Trà do ông làm đã được Hội đồng hương Quảng Ngãi tại TP. Hồ Chí Minh mua với giá 150 triệu đồng để mang vào thành phố triển lãm. Sự kiện này khiến ông Quýt vô cùng phấn khởi, tiếp thêm động lực để ông miệt mài chế tác các mô hình bờ xe nước với nhiều kích cỡ khác nhau.

Bờ một bánh xe
Bờ một bánh xe
 Ông Mai Văn Quýt giới thiệu với khách đến xem bờ xe nước Sông Trà
Ông Mai Văn Quýt giới thiệu với khách đến xem bờ xe nước Sông Trà

Hiện tại, ông Quýt làm được nhiều loại bờ xe nước: bờ một bánh, năm bánh, tám bánh, chín bánh và mười bánh. Mỗi bờ một bánh có giá từ 15 đến 20 triệu đồng; bờ tám đến chín bánh có giá trị từ 100 đến 150 triệu đồng. Chỉ trong hơn hai năm qua, ông đã thu được gần 300 triệu đồng từ công việc phục dựng bờ xe nước.

Dù tuổi đã cao, ông Quýt vẫn ấp ủ ước mơ được các cấp, các ngành, địa phương và trường học tạo điều kiện để ông truyền nghề cho thế hệ trẻ. “Bây giờ ở tuổi 80 rồi, tui chỉ mong có người kế nghiệp, giữ gìn được nghề làm bờ xe nước này cho mai sau”, ông Quýt bộc bạch.

Tấm lòng của ông Mai Văn Quýt không chỉ giữ gìn giá trị văn hóa nông nghiệp xưa mà còn là biểu tượng cho tình yêu và niềm tự hào về con sông Trà – dòng sông đã nuôi dưỡng biết bao thế hệ người dân Quảng Ngãi.

(Bài CTV) Nghệ nhân 80 tuổi đam mê phục dựng bờ xe nước Sông Trà 4
Sông Trà, nơi năm xưa đặt bờ xe nước