Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nghệ nhân Ngô Đăng Nhuận - Người hơn 40 năm gắn bó với nghệ thuật hát đúm

Long Vũ - 11:30, 02/11/2021

Đến với nghệ thuật hát đúm bằng niềm đam mê, 44 năm qua, cụ Ngô Đăng Nhuận (92 tuổi), khu 8, phường Phong Hải, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã gắn bó và dành hết tâm huyết để giữ gìn, phát triển nghệ thuật hát đúm. Ghi nhận đóng góp cho nghệ thuật truyền thống, cụ đã được phong danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” và đang trình cấp có thẩm quyền xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”...

Nghệ nhân Ngô Đăng Nhuận (đứng thứ hai bên trái) cùng các thành viên Câu lạc bộ biểu diễn hát đúm
Nghệ nhân Ngô Đăng Nhuận (đứng thứ hai bên trái) cùng các thành viên Câu lạc bộ biểu diễn hát đúm

Tuy tuổi đã cao, nhưng cụ Ngô Đăng Nhuận vẫn đi khắp các xã, phường trong thị xã để hát và truyền dạy nghệ thuật hát đúm cho người yêu thích bộ môn này.

Nghệ nhân Ưu tú Ngô Đăng Nhuận chia sẻ, mình đam mê  hát đúm từ thời còn bé. Trong khi bạn bè cùng lứa khác thích đánh khăng, đánh đáo thì mình lại mê mẩn bám theo các dì, các chị đi xem hội hát đúm. Cũng vì vậy mà ở tuổi đôi mươi, cụ Nhuận đã là đối nam hát đúm chỉnh nhất làng.

Sống với đam mê, cụ Nhuận luôn trăn trở làm thế nào để nghệ thuật hát đúm truyền thống đến gần công chúng. Vì thế, ngoài việc sưu tầm và truyền dạy hát đúm, cụ còn sáng tạo, phát triển thêm nhiều câu hát đúm phù hợp với các sự kiện của địa phương, đất nước. Vì thế, những năm 2007 - 2010, cụ Nhuận liên tiếp tham gia các hội diễn văn nghệ dân gian của trung ương, địa phương và gặt hát được nhiều thành công.

44 năm gắn bó với nghệ thuật hát đúm, tham gia hằng trăm canh hát ở lễ hội, đình, chùa làng, nhưng cụ vẫn canh cánh trong lòng vì lớp trẻ còn ít “mặn mà” với nghệ thuật này. Từ năm 2013 đến nay, cụ Nhuận đã truyền dạy cho hằng trăm em học sinh tiểu học, THCS ở địa phương về nghệ thuật hát đúm.

Cụ Nhuận cho biết thêm: Hát đúm là một loại hình nghệ thuật hát cổ của cha ông, có rất nhiều thể loại như hát nông nghiệp, hát cưới, hát chào, hát đi lính, hát chài lưới... Mỗi thể loại đều cần có chất giọng tốt, biết nhấn nhá và quan trọng nhất là cách đối ứng trong khi hát. Đặc biệt, hát đúm là phải có nam và nữ. Bởi lẽ, khi người nam hát thì trong đầu người nữ phải ứng biến sao cho câu hát phải ăn khớp với nhau đúng nhịp và đúng vần, như vậy mới là hát.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Văn học dân gian Quảng Ninh cho biết: Nghệ nhân ưu tú Ngô Đăng Nhuận dù tuổi đã cao nhưng rất tâm huyết, trách nhiệm trong việc bảo tồn, giữ gìn và truyền dạy nghệ thuật hát đúm truyền thống. Trong nhiều năm, ngoài việc dạy rất nhiều học sinh hát đúm, cụ còn sưu tầm nhiều câu hát đúm cổ về nông nghiệp, sinh hoạt, cưới hỏi của người dân vùng Quảng Ninh.

Với những đóng góp trong việc bảo tồn di sản, nghệ thuật hát đúm, cụ Nhuận nhận được nhiều giấy khen, bằng khen, giấy chứng nhận vì sự nghiệp bảo tồn gìn giữ nghệ thuật hát đúm của quê hương. Đó cũng là động lực giúp cụ Nhuận không ngừng nỗ lực, nêu cao trách nhiệm trong việc truyền dạy nghệ thuật hát đúm cho thế hệ trẻ hôm nay.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.