“Bi quyết” thất truyền
Ông Hoàng Chóong kể lại: “Ngày còn bé, bố mẹ thường dẫn tôi đến chơi các bản lân cận. Khi đi qua nhà một cụ già, thấy cụ ấy làm gà đất kêu cục tác khiến tôi rất tò mò. Thấy tôi có vẻ thích thú, ông cụ gọi lại cho tôi mấy con gà đất, rồi dạy tôi cách làm cho những con gà kêu cục tác... Ông cụ dặn, sau này ông chết, tôi phải giữ trò chơi này và truyền lại cho người khác nữa, không được để trò chơi thất truyền. Sau này, tôi phải đi bộ đội rồi làm công tác xã hội nên không có điều kiện thực hiện điều mong mỏi của thầy. Đến năm 2009 khi nghỉ hưu, tôi bắt đầu dành toàn bộ thời gian để khôi phục lại trò chơi này”.
Năm 1990 khi còn giữ chức Trưởng phòng Văn hóa huyện Văn Lãng, ông Chóong bắt đầu làm thử gà đất biết gáy nhưng đã thất bại, bởi vì trò chơi này ông được học từ khi còn bé và chưa có kinh nghiệm chế tác. Đến năm 2009 khi về nghỉ hưu, ông mới có thời gian chế tác gà đất biết gáy.
“Hồi đó tôi làm đến cả trăm con gà đất mới có một con phát ra được tiếng kêu, nhưng mình vừa làm vừa rút kinh nghiệm; cuối cùng đã thành công. Đến nay, tôi đã chế tác thành công chú gà đất biết gáy và được nhận bằng khen của tỉnh về việc này”, ông Chóong khoe.
Theo lời của nhiều người cao tuổi ở địa phương thì, những trò chơi dân gian như gà đất biết gáy đã có từ rất lâu. Người dân thường sử dụng những đồ chơi này vào các dịp lễ tết, hội hè... Nếu tính theo đời người, đồ chơi này phải đi qua bốn năm đời. Tuy nhiên, những đồ chơi này phải chế tác cực kỳ tỉ mỉ, công phu nên không phải ai cũng làm được. Chính vì thế mà những đồ chơi này đã dần mai một theo thời gian. Hiện, trong cộng đồng người Tày ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, ngoài ông Chóong không còn ai nhớ và làm được những đồ chơi như gà đất biết gáy.
Kỹ thuật độc đáo
Nhìn ông Chóong cầm những con gà đất trên tay, rồi bóp cho chúng gáy khiến chúng tôi “choáng” trước kỹ thuật chế tác đồ chơi độc đáo của người nghệ nhân dân tộc Tày này.
Ông Chóong tiết lộ, loại đất dùng để chế tác gà đất rất hiếm, riêng ở Lạng Sơn chỉ có ở xã Hoàng Việt và Thanh Long. Muốn tìm được đất phải đi men theo những con suối nằm sâu trong rừng. Khi tìm được đất rồi phải đào sâu xuống khoảng một mét, lấy đất dẻo đem về phơi khô. Đất khô đem giã mịn rồi sàng lọc, sau đó trộn với nước lã và giã tiếp cho đến khi đất dẻo như bánh dày rồi nặn hình gà và đưa vào lò nung.
Tuy nhiên, công đoạn khó nhất khi làm gà đất phải kể đến việc chế tác kèn để nó có thể kêu và gáy được. Theo ông Chóong, công đoạn này vô cùng khó khăn. Người chế tác phải dùng một ống trúc bé bằng đầu đũa để làm kèn, sau đó lắp một lưỡi gà vào bên trong chiếc kèn để cho nó kêu. Điểm nhạy cảm nhất trong công đoạn này nằm ở phần lưỡi gà. Lưỡi gà nằm trong chiếc kèn được làm từ cây khâu rượt. Nếu độ rỗng của con gà càng lớn thì phải lắp chiếc lưỡi gà bé lại. Người chế tác gà đất giỏi phải có cảm quan tốt khi làm kèn và lưỡi gà để gà phát ra được tiếng kêu chân thực nhất.
Sau khi lắp ráp bộ phận âm thanh vào bên trong gà đất, người chế tác lại phải cuốn một lớp giấy ở ngoài để trang trí và gắn hai phần đầu và đuôi gà lại với nhau. Loại giấy dùng để cuốn gà, thường là giấy A4 ngâm với nhựa cây khâu rượt. Giấy A4 sau khi ngâm sẽ rất dẻo, dai lúc chơi sẽ không bị rách nát.
Ông Chóong cho biết: “Hiện, tôi đã truyền dạy lại cách làm gà đất cho con trai và một đứa cháu. Sau này tôi chết đi, chúng nó sẽ là người tiếp tục duy trì, phát triển trò chơi dân gian của dân tộc mình một cách rộng rãi, để trẻ con không phải chơi những thứ đồ chơi độc hại như súng ống, gươm đao”.