Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nghệ nhân Nguyễn Xuân Bách Người tâm huyết với nghệ thuật hát Then

PV - 11:35, 27/08/2018

Là giảng viên bộ môn Then của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, nghệ nhân Nguyễn Xuân Bách có điều kiện và tâm huyết gắn bó cuộc đời mình với sự nghiệp gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật hát Then của các dân tộc Tày-Nùng vùng miền núi phía Bắc.

Nguyễn Xuân Bách Nghệ nhân Xuân Bách (đứng thứ nhất từ phải qua) cùng Đoàn nghệ nhân hát Then Việt Nam tại Paris, Cộng hòa Pháp.

Sinh ra và lớn lên trong cái nôi của nghệ thuật hát Then thuộc thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, nghệ nhân Nguyễn Xuân Bách đã được đắm mình trong những làn điệu Then của dân tộc Tày. Với Xuân Bách, con đường đến với Then không chỉ là cơ duyên mà đó là cuộc sống của anh. Người có ảnh hưởng lớn nhất đối với nghệ nhân Xuân Bách chính là mẹ của anh và nghệ nhân Phan Thị Điệu, một nghệ sĩ hát Then của Đoàn Nghệ thuật Lạng Sơn. Nhờ có mẹ và nghệ nhân Phan Thị Điệu, Xuân Bách đã được sống trong sự linh thiêng của Then cổ và sự dìu dặt của Then mới. Điều đó khiến anh nhận ra nhiệm vụ của mình là phải nối tiếp những dòng cảm xúc của bà, của mẹ để những làn điệu hát Then còn vang mãi.

Xuân Bách còn được các thầy, cô giáo tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc tận tâm dìu dắt giúp đỡ, trong suốt quá trình theo học tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc (từ năm 2007-2010). Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, sinh viên Xuân Bách đã được nhà trường giữ lại làm giảng viên để đào tạo các thế hệ sinh viên theo học hát Then.

Gần 8 năm giảng dạy, giảng viên Xuân Bách đã đào tạo được 10 khóa học hát Then cho các học trò tại trường và các CLB ở Lạng Sơn. “Qua quá trình đi dạy tại các CLB, tôi nhận thấy rằng, được đàn, được hát là khát khao rất lớn đối với đồng bào các dân tộc Tày, Nùng. Do vậy, trong quá trình dạy đàn, hát Then cho sinh viên, bên cạnh hướng dẫn kỹ thuật đàn hát, tôi chú tâm hướng dẫn cho các em thêm kỹ năng nghiên cứu, sưu tầm và phương pháp sư phạm để sau khi về địa phương, các em có thể gây dựng phong trào văn hóa văn nghệ ở địa phương”.

Là người coi Then là hơi thở cuộc sống, nghệ nhân Xuân Bách luôn nghiêm túc, trách nhiệm với nghề. Anh luôn tranh thủ tìm đến các nghệ nhân để học đàn, học hát, trực tiếp, ghi chép lại bài bản và nghe các cụ kể những câu chuyện để tìm ra những mã văn hóa ẩn chứa trong nghi lễ Then. Đồng thời, nỗ lực tìm các nguồn tài trợ để kết nối, đem Then đi quảng bá với bạn bè muôn phương.

Năm 2017, được sự kết nối và giúp đỡ của Viện Văn hóa thế giới Paris, Đoàn nghệ nhân hát Then Việt Nam đã đem Then sang trình diễn tại Thủ đô Paris nước Cộng hòa Pháp, trong Chương trình “Lễ hội âm nhạc thế giới”, do NSƯT Thủy Tiên làm Trưởng đoàn. Tại đây, Đoàn nghệ nhân hát Then Việt Nam đã diễn 12 tiết mục đặc sắc được trích trong nghi lễ Then của từng dòng Then như “Hòa tấu đàn Tính”, “Hải biooc hải va”, “Vọng én”, “Cầu biooc cầu va”, “Khảm hải”…

“Chúng tôi đã tạo được một sân khấu “rất Then”, Then từ âm thanh, ánh sáng cho đến không gian đậm màu sắc tâm linh tại thủ đô Paris. Đó là vinh dự lớn với chúng tôi được đưa di sản ra quốc tế. Dự định chỉ 2 buổi diễn nhưng các nhà văn hóa, nghiên cứu âm nhạc ở Pháp sau khi xem đề nghị tổ chức thêm một cuộc gặp gỡ với nghệ nhân”, nghệ nhân Xuân Bách chia sẻ.

Với hoạt động trong nước, từ năm 2016 đến nay, nghệ nhân Xuân Bách cũng thường xuyên phối hợp với nhóm Đình làng Việt lưu diễn tại nhiều địa phương. Vào tháng 4/2018, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, nhóm Đình làng Việt và Ban Quản lý phố cổ Hà Nội đã phối hợp tổ chức Chương trình nghệ thuật “Câu Then Việt Bắc”. Chương trình không chỉ có ý nghĩa tôn vinh nghệ thuật hát Then, mà còn là dịp để những nghệ nhân hát Then giới thiệu nghi thức Then cổ đến với công chúng.

HỒNG MINH