Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận: Nâng giá trị nghề dệt truyền thống từ sợi tơ sen

PV - 14:26, 19/06/2019

Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận thôn Hạ, xã Phùng Xá (Mỹ Đức, Hà Nội) là người đầu tiên dệt thành công tơ sen từ cuống sen tại Việt Nam. Với sự tỉ mỉ cộng với đôi bàn tay khéo léo, nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận đã biến những sợi tơ sen mỏng manh thành những chiếc khăn quàng cổ được nhiều khách hàng trong và nước ngoài ưa chuộng. Những chiếc khăn mang mùi thơm rất đặc trưng, nhẹ nhàng tinh khiết của hương sen có giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều so với sản phẩm từ tơ tằm.

Công đoạn dệt sợi từ tơ sen. Công đoạn dệt sợi từ tơ sen.

Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận “bén duyên” với việc sử dụng nguyên liệu tơ sen để dệt rất tình cờ. Truyền thống của gia đình bà từ trước tới nay chỉ dùng sợi tơ tằm để dệt vải. Đến năm 2016, bà được Viện Kinh tế sinh thái Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) đề nghị phối hợp thực hiện Đề tài: “Nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất sợi từ cuống lá sen” với sự hợp tác của một số nghệ nhân của Myanmar.

“Ban đầu tôi cũng chưa dám nhận lời. Nhưng sau khi được xem video ghi hình quy trình rút sợi tơ từ cọng sen của Myanmar và được các thành viên của Tổ nghiên cứu Đề tài thuyết phục, tôi quyết định tham gia”, bà Thuận tâm sự.

Theo bà Thuận, các công đoạn tạo ra sợi tơ sen đều rất cầu kỳ và tỉ mỉ. Cuống sen sau khi được ngắt trực tiếp từ đầm phải rửa qua 2 lớp nước để làm sạch bùn và gai. Cuống sạch thì tơ mới sạch và đẹp. Để lấy được tơ sen, bà dùng dao khứa xung quanh cuống sen, rồi dùng tay vặn và kéo tơ, đồng thời vê cho sợi tơ sen tròn lại. Nếu cắt quá sâu sẽ làm đứt luôn phần sợi tơ bên trong cuống sen nên đòi hỏi đôi bàn tay người nghệ nhân phải rất khéo léo. Sau khi quay sợi thành ống, tơ sen được đưa vào máy se rồi mắc lên trục con thoi để dệt thành sợi ngang.

Sau 6 tháng (từ tháng 1 đến tháng 7/2017) miệt mài vừa nghiên cứu và thực hành Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận đã cho ra lò những chiếc khăn quàng cổ đầu tiên được sản xuất từ sợi tơ của sen, mang mùi thơm rất đặc trưng, nhẹ nhàng tinh khiết của hương sen. Để dệt một chiếc khăn quàng cổ dài 1,7m, chiều ngang 25cm, phải cần tới 4.800 cuống sen. Như vậy, một chiếc khăn quàng ngót nghét mất gần 1 tháng trời, vì vậy sản phẩm từ tơ sen có giá thành cao hơn tơ tằm rất nhiều.

Mong ước của Nghệ nhân Phan Thị Thuận không chỉ dừng lại ở việc sản xuất khăn quàng cổ mà bà còn muốn sản xuất những chiếc áo dài truyền thống từ tơ sen, mang đậm sự tinh túy của chiếc áo dài Việt Nam.

Sau khi sản xuất thành công tơ sen, đã có rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước tìm đến với cơ sở dệt của bà Thuận để đặt hàng. Nhưng việc sản xuất tơ sen lại rất công phu và mất rất nhiều thời gian, nên bà rất cần nguồn nhân lực để sản xuất ra các sản sẩm dệt từ tơ sen. Hiện nay cơ ở sản xuất của bà chỉ có 20 công nhân nên nguồn hàng sản xuất ra chưa đủ để cung cấp cho nhu cầu khách hàng.

Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận thực hiện công đoạn se tơ từ cuống sen. Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận thực hiện công đoạn se tơ từ cuống sen.

Bà Thuận tâm sự, bà luôn mong muốn mở rộng mô hình sản xuất theo cách đào tạo trực tiếp cho những người trồng sen biết cách rút tơ sen, từ đó cung cấp nguyên liệu cho cơ sở dệt của bà. Mục tiêu trong năm 2019 bà Thuận tiếp tục đào tạo và phát triển khoảng 100 người trồng và rút sợi tơ sen để mở rộng quy mô sản xuất.

Ông Lê Hải Hồng, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức cho biết: Ý tưởng đào tạo nghề rút sợi tơ sen cho lao động địa phương của Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận rất có triển vọng. Bởi hiện nay trên địa bàn huyện Mỹ Đức có khoảng 300ha đất trũng trồng sen, trong đó xã An Phú, nơi có 80% dân số là đồng bào dân tộc Mường sinh sống, có 198ha đất trồng sen. Đây sẽ là nguồn nguyên liệu dồi dào cho việc sản xuất sợi tơ sen từ cuống sen.

Huyện cũng đã hỗ trợ đăng ký sản phẩm độc quyền với Cục Sở hữu trí tuệ cũng như làm chỉ dẫn địa lý Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Đây sẽ là hướng đi mới trong việc tạo công ăn việc làm cho những lao động nhàn rỗi, cũng như người dân trồng sen, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS trên địa bàn.

THÚY HỒNG