Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nghệ nhân Y K’Rang với văn hóa M’nông

PV - 15:34, 04/06/2018

Say mê các loại nhạc cụ dân tộc M’nông từ nhỏ, những năm gần đây, dù tuổi đã cao nghệ nhân Y K’Rang (bon Pi Nao, thuộc thôn 5, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) vẫn dành thời gian, tâm huyết của mình để trình diễn, phổ biến các loại kèn, sáo trong những buổi lễ hội, sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Không chỉ đam mê thổi kèn, sáo mà già Y K’Rang còn là một nghệ nhân có biệt tài thẩm âm, chỉnh sửa, chế tác các loại kèn, sáo từng bị mai một, thất truyền, góp phần lưu giữ, phổ biến loại nhạc cụ truyền thống độc đáo này.

"Cha đẻ” của hàng trăm chiếc kèn, sáo

Nghệ nhân Y K’Rang may mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu âm nhạc. Cha của ông là một nghệ nhân nổi tiếng trong bon về sử dụng thuần thục các loại kèn, sáo M’nông. Chính vì thế, ngay từ nhỏ, ông đã được truyền dạy những kiến thức cơ bản về âm nhạc, cách sử dụng cũng như tự chế tác nhạc cụ, trong đó nổi bật nhất là các loại kèn, sáo mang đậm bản sắc truyền thống M’nông như kèn M’buăt, sáo N’hôm…

Nghệ nhân Y K’Rang trình diễn các loại kèn, sáo M’nông. Nghệ nhân Y K’Rang trình diễn các loại kèn, sáo M’nông.

Ông Y K’Rang cho biết, do nhiều loại kèn, sáo đã bị mai một thất truyền, nên ban đầu công việc mô phỏng chế tác nhạc cụ dân tộc gặp rất nhiều khó khăn, âm thanh không chuẩn. Ông phải đi khắp các bon của người M’nông sưu tầm, tìm hiểu và qua nhiều lần chỉnh sửa mới chế tác ra được những chiếc kèn, sáo có âm thanh chuẩn và tinh xảo. Theo thời gian từng mùa rẫy, từng mùa lễ hội ăn trâu, cúng tế thần lửa, thần rừng, thần sông, thần suối…, các loại kèn, sáo như: Rlẹt, Nung, M’buăt, Ting, N’hôm, Rtông, Rket, Wao kleng, Mbló… do ông chế tác nối nhau ra đời và được lưu truyền khắp các bon của người M’nông.

Còn nhớ, năm 2012 trong một chuyến đi thực tế sáng tác, do Hội Văn học Nghệ thuật các DTTS Việt Nam tổ chức tại Đăk Nông, chúng tôi có mặt tại bon Pi Nao và được nghe nghệ nhân Y K’Rang trình diễn các loại kèn, sáo M’nông do chính ông chế tác. Lần ấy, ông trình diễn say mê và thăng hoa bằng rất nhiều loại kèn, sáo M’nông truyền thống-khi réo rắt, lúc du dương như suối reo, như gió ngàn, như chim hót.

Nghệ nhân Y K’Rang không chỉ có sự am hiểu tường tận các loại kèn, sáo của dân tộc mình, mà còn rất đam mê và có khả năng trình diễn một cách thuần thục điêu luyện những nhạc cụ ấy.

Trao truyền di sản văn hóa

Với niềm đam mê và luôn đau đáu nỗi lo các loại nhạc cụ của dân tộc mình sẽ bị mai một thất truyền, mấy chục năm qua, nghệ nhân Y K’Rang đã dồn hết tâm huyết, lòng nhiệt tình, những kinh nghiệm tích lũy được của mình truyền dạy cho các thế hệ trẻ ở bon Pi Nao về nghệ thuật trình diễn các loại nhạc cụ: chiêng, kèn sừng trâu, kèn bầu, nhiều loại sáo… Ông đã giúp cho bon Pi Nao phát triển được 3 đội cồng chiêng, trong đó có 2 đội là các cháu thanh thiếu niên. Hằng tuần các đội cồng chiêng của bon đều luyện tập vào hai ngày cuối tuần và tích cực tham gia biểu diễn trong các dịp lễ hội cũng như sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở địa phương.

Bon Pi Nao nay đã thành lập Câu lạc bộ cồng, chiêng, kèn, sáo của bon. Các thành viên đều có khả năng trình diễn được tất cả những bài cồng, chiêng, kèn, sáo cổ nhất của dân tộc M’nông.

Không những vậy, là một nghệ nhân rất am tường và còn lưu giữ được nhiều bài hát cổ truyền, ông Y K’Rang có nhiều thuận lợi trong việc chuyển các bài ca ấy thành nhạc để thể hiện diễn tấu qua các nhạc cụ một cách nhuần nhuyễn, tinh tế. Chính những nhạc cụ diễn tấu với những bản nhạc cổ truyền thống mang đậm bản sắc độc đáo của dân tộc M’nông đã đem về cho ông rất nhiều huy chương Vàng, Bạc tại các hội diễn văn nghệ quần chúng do tỉnh Đăk Nông cũng như khu vực Tây Nguyên tổ chức.

Ông là một trong những nghệ nhân đã có nhiều đóng góp vào công việc triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và các nhạc cụ dân tộc” ở Đăk Nông trong những năm qua.

LƯƠNG ĐỊNH - NGỌC ÁNH

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.