Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Nghệ sĩ bản Tày sử dụng thuần thục 15 nhạc cụ dân tộc

Giang Lam - 16:39, 19/08/2022

Ở cái tuổi thất thập, ông Lương Xuân Dán, thôn Đức Uy, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang vẫn giữ được nét duyên dáng, say sưa như chàng trai Tày tuổi đôi mươi đánh đàn, hát những bản tình ca tặng nàng sơn nữ. Ông còn khiến chúng tôi từ ngạc nhiên đến cảm phục khi lần lượt chơi thuần thục 15 nhạc cụ dân tộc. Và tài năng của “nghệ sĩ” Xuân Dán không chỉ dừng lại ở lĩnh vực âm nhạc.

Cây đàn tính nuôi dưỡng tâm hồn, xúc cảm của nghệ sĩ Lương Xuân Dán
Cây đàn tính nuôi dưỡng tâm hồn, xúc cảm của nghệ sĩ Lương Xuân Dán

Mỗi nhạc cụ là một câu chuyện

Bất chợt nghệ sĩ Lương Xuân Dán hỏi tôi “có biết truyền thuyết về độc huyền cầm không?”. Tôi thú thật mình chỉ biết đó là một tên gọi khác của đàn bầu. Ông cười rồi trầm ngâm kể lại, cây đàn đó là món quà của một bà tiên ban cho nàng dâu hiếu thảo. Vì chiến tranh mà người con trai tên là Trương Viên phải ra trận, do loạn lạc họ đã cách xa nhau. Để tận hiếu với mẹ già và trọn tình phu thê mà nàng dâu đã hiến dâng đôi mắt mình để tế hung thần trên đường đưa mẹ về quê lánh nạn. Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo sắt son, tiên trên trời bèn hiện ra và tặng nàng cây đàn một dây. Tháng ngày lưu lạc, tiếng đàn thay lời tâm tình gửi đến nỗi lòng thủy chung, nhớ nhung da diết dành cho người chồng phương xa. Nhờ đó mà đã kết nối được hai người về bên nhau. Điều đăc biệt là đàn bầu chỉ có một dây mà diễn tả đủ cung bậc xúc cảm người chơi: “Một dây nũng nịu đủ lời/ Nửa bầu chứa cả đất trời âm thanh”.

Góc sưu tập bộ nhạc cụ của Lương Xuân Dán
Góc sưu tập bộ nhạc cụ của nghệ sỹ Lương Xuân Dán

Với bất kỳ nghệ nhân nào, trước khi học đánh các nhạc cụ thì người chơi phải hiểu thấu được nguồn cội, gốc tích. Để chơi thành thạo 15 nhạc cụ, ông cũng tường tận gốc tích của các nhạc cụ. Các loại nhạc cụ ông chơi thành thục gồm: Đàn tam, đàn tứ, đàn nguyệt, đàn bầu, đàn tính, đàn đáy, đàn an to, mangdolin, nhị, hồ, líu, Sáo Mèo, sáo trúc, kèn và trống chèo.

Sau mỗi nhạc cụ là một không gian văn hóa, một câu chuyện, mang linh hồn riêng để người nghệ sĩ giải bày tâm trạng. Ví như đàn nguyệt có rất nhiều tên gọi, trong đó có quân tử cầm. Ông lý giải, sở dĩ được gọi như vậy bởi đàn chính là tiếng lòng người quân tử với thanh âm cổ cầm, vừa thuần hòa đạm nhã, lại vừa trong sáng mềm xa, vui mà không phóng túng, buồn mà không bi thương, oán mà không phẫn nộ. Tất cả đều ôn nhu, đôn hậu như chính người quân tử vậy.

Sự diệu kỳ của âm nhạc

Ngay từ khi còn nhỏ, tiếng đàn tính của cha, giai điệu Then cọi của mẹ đã thấm vào chàng trai tài Lương Xuân Dán. Tài năng sớm được bôc lộ, từ năm 13 tuổi, Lương Xuân Dán đã chơi thành thục đàn tính và hát được nhiều làn điệu Then cổ như Tàng Bốc, Tàng Nặm. Dường như đó là mạch nguồn nuôi dưỡng niềm đam mê âm nhạc sau này của người nghệ sĩ.

20 tuổi, chàng trai dân tộc Tày nhập ngũ và trở thành lính lái xe chi viện cho chiến trường Lào. Người chiến sĩ lái xe vui tính lại có năng khiếu văn nghệ luôn sẵn sàng biểu diễn tài lẻ của mình góp phần thực hiện phong trào “tiếng hát át tiếng bom”. Ngoài thừa hưởng giọng hát ngọt ngào hiếm có, Lương Xuân Dán còn có tài thẩm thấu âm nhạc. Chỉ sau một thời gian ngắn được tiếp xúc với các Đoàn văn công mà anh tài Lương Xuân Dán có thể biểu diễn thành thạo được đàn nhị, đàn tam, đàn tứ, đàn bầu, đàn nguyệt, thổi sáo… Nhận thấy năng khiếu của chàng trai dân tộc Tày, nhiều lần đơn vị đã phân công đi học nhiều lớp tập huấn âm nhạc do các nghệ sĩ chuyên nghiệp giảng dạy tại Hà Nội.

Tiếng sáo của nghệ sĩ Xuân Dán bay khắp các bản làng người Tày
Tiếng sáo của nghệ sĩ Xuân Dán bay khắp các bản làng người Tày

Tháng năm chiến trường ác liệt, tiếng đàn, tiếng sáo của Lương Xuân Dán có mặt trong các buổi giao lưu văn nghệ, trong mỗi cuộc vui với đồng đội. “Món ăn tinh thần” đó là nguồn động viên, tiếp thêm niềm tin, sự lạc quan cho những người lính trẻ.

Năm 1967, trong một lần vượt cao điểm, chàng trai đầy nhiệt huyết đã bị đạn rốc két của Mỹ bắn trọng thương. Với 5 lần mổ, hiện nay trong người ông Dán còn khoảng 30 mảnh đạn nhỏ chưa lấy ra được. Cũng trong thời điểm đó, chàng trai trẻ Lương Xuân Dán vinh dự được nhận Huân chương Chiến sĩ vẻ vang do Chủ tịch nước trao tặng. Vào năm 1974 Lương Xuân Dán còn được Hội đồng Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến Hạng Ba.

Trở về với thời bình, dẫu phải chịu đựng những cơn đau do thương tật hành hạ thế nhưng nghệ sĩ bản Tày vẫn say mê cống hiến tài năng, đưa âm nhạc dân tộc đến với bà con miền núi.

“Cây văn nghệ” đặc biệt

Rời quân ngũ người thương binh 2/4 Lương Xuân Dán công tác tại Thương nghiệp Hà Tuyên, sau khi nghỉ hưu ông được tín nhiệm bầu làm cán bộ thôn, cán bộ xã. Ở cương vị nào người cựu binh đều thể hiện khí chất người lính: Chỉn chu, nghiêm túc, trách nhiệm.

“Nghệ sĩ” Xuân Dán hăng hái tham gia biểu diễn các tiết mục văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị, trong ngày lễ lớn do xã và huyện tổ chức. Trong căn nhà xây cấp 4, trên tường ông Dán đóng khung treo trang trọng bài báo “Hạt nhân văn nghệ xã Trung Sơn” đăng trên Báo Tuyên Quang năm 1999. Bài báo viết về ông khi được lựa chọn hát, trình diễn nhạc cụ dân tộc nhân dịp đồng chí Nguyễn Phú Trọng, nay là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm và làm việc tại ATK Yên Sơn ngày 26/2/1999. Các tiết mục do ông Dán biểu diễn đều được đồng bào các dân tộc vùng ATK Yên Sơn vỗ tay tán thưởng, được đồng chí Nguyễn Phú Trọng khen ngợi.

Không chỉ biết chơi đàn, thổi sáo… ông Dán còn là tác giả nhiều ca khúc và bài thơ ấn tượng. Ông hiện là hội viên Câu lạc bộ thơ Việt Nam với nhiều tác phẩm như: “Chào thành phố Tuyên Quang”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Quê em ơn Đảng Bác Hồ”.

Ông Lương Xuân Dán truyền dạy đàn tính cho các học trò nhỏ.
Ông Lương Xuân Dán truyền dạy đàn tính cho các học trò nhỏ

Ông cũng là người “khoác áo mới” thành công cho giai điệu Then, cọi với lời ca ca ngợi tình yêu, đổi thay quê hương đất nước. Trong đó tác phẩm “Khúc hát người chiến sĩ thu mua” đã giành Huy chương Bạc Hội diễn Bộ Nội thương toàn quốc tại Nghệ An năm 1985.

Tiếp xúc với ông Lương Xuân Dán, người đối diện luôn cảm thấy nguồn năng lượng dồi dào trong con người ông. Đặc biệt là mỗi lần ông chơi nhạc… nét mặt ông “phiêu” theo từng giai điệu khiến người nghe bị lôi cuốn. Nhiều năm qua, ông gửi gắm niềm đam mê qua từng lứa học trò của mình. Ông tổ chức lớp học nhỏ, dạy miễn phí cho tất cả những ai đam mê âm nhạc. Đến nay có khoảng gần 20 học sinh đã và đang theo học. Ông ví von: “Nhạc cụ dân tộc như một rừng hoa mà tôi chỉ đặt được vào đó một bàn chân. Tôi sẽ đi tiếp, sẽ tiếp tục truyền dạy để có thêm nhiều đôi chân đi trong cánh rừng ngát hương ấy”.

Trên cung đường trở về, lời ca của người nghệ sĩ đa tài ấy vẫn văng vẳng bên tai chúng tôi:Dáng em xinh như đóa hoa tươi, miệng em cười mịn màng như hoa ở trên đồi… hớ… hớ…!”.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.