Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nghệ thuật hát Tiều của người Hoa ở Chợ Lớn

PV - 10:37, 30/10/2018

Cộng đồng người Hoa ở TP. Hồ Chí Minh nói chung, khu vực Chợ Lớn nói riêng có nền văn hóa nghệ thuật phát triển rất phong phú, đa dạng, đặc sắc, mang đậm nét Trung Hoa truyền thống. Trong đó có hát Tiều là thể loại ca kịch độc đáo của người Hoa vẫn được bảo tồn, phát triển và thường được biểu diễn vào dịp lễ hội, Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu…

hát Tiều Các diễn viên Đoàn Ca kịch Thống Nhất Quảng Triều biểu diễn màn “Bát tiên chúc thọ”.

Tại TP. Hồ Chí Minh, người Hoa sống tập trung đông nhất ở khu vực Chợ Lớn thuộc quận 5. Trong quá trình sinh sống cộng cư với các dân tộc Kinh, Khmer và Chăm ở Nam bộ nói chung, TP. Hồ Chí Minh nói riêng, văn hóa nghệ thuật của người Hoa vừa có sự hội nhập, vừa luôn được bảo tồn, phát triển với các loại hình dân ca (hát Quảng, hát Tiều) dân vũ (múa lân-sư-rồng) và các loại nhạc cụ truyền thống Trung Hoa rất đặc sắc.

Theo các nghệ nhân người Hoa cho biết, Trung Quốc có ba dòng kịch chính, đó là Kinh Kịch, loại kịch của Bắc Kinh, được hát bằng tiếng Quan Thoại (phổ thông ngữ); Việt Kịch của hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, hát tiếng Quảng (hát Quảng); Triều Kịch là sân khấu của Triều Châu, hát tiếng Tiều (hát Tiều). Tại Chợ Lớn và các tỉnh miền Tây Nam bộ, đa số người Hoa không biết tiếng Quan Thoại (phổ thông ngữ), nên bà con chỉ thích hát Tiều, hát Quảng, không thích Kinh Kịch.

Hát Tiều xuất hiện tại Nam bộ nói chung và Chợ Lớn nói riêng vào đầu thế kỷ XX, do những đoàn Triều Kịch lưu diễn đến từ các tỉnh phía Nam Trung Quốc. Trong quá trình lưu diễn, một số diễn viên của các đoàn Triều Kịch đã ở lại Việt Nam rồi nhớ nghề mà lập nên những gánh hát Tiều tại Nam bộ và Chợ Lớn sau này.

Trong hát Tiều cũng như một số loại hình nghệ thuật khác của người Hoa ở Chợ Lớn, được phân làm hai loại, đó là loại sang và bình dân. Đối với loại bình dân thường được tổ chức biểu diễn ở sân khấu các ngôi chùa, miếu; còn loại sang hơn thì được gánh hát thuê hẳn những rạp hát để biểu diễn.

Ban nhạc trong gánh hát Tiều thường được chia thành hai đội, là đội tùa lò cấu và đội hí. Đội tùa lò cấu gồm các loại trống và thanh la, đại la, đại bát, tiểu bát, thâm ba, nguyệt la được bố trí ngay phía trên sân khấu. Đây là đội có nhiệm vụ đánh những bản nhạc mang tính tâm linh nhưng rất sôi động, tạo sự hào hứng để mở màn, làm sạch sân khấu, đuổi tà ma, sự xui xẻo, hoặc sử dụng trong các đoạn vở diễn có cảnh rượt đuổi, để chuyển cảnh, màn diễn mới.

Đội hí gồm các loại nhạc cụ thuộc bộ dây như đàn nguyệt, đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn tam, đàn nhị, đại sô na, tiểu sô na, tần cầm, tiêu, thập lục, như huyền, trúc huyền, bàn hồ được bố trí phía bên phải của sân khấu. Đây là dàn nhạc chính, đánh các bài bản theo từng vai diễn.

Đặc điểm của hát Tiều là diễn luôn một mạch từ 7 giờ tối hôm trước tới 5 giờ sáng hôm sau, với phần mở màn bao giờ cũng là tiết mục “Bát tiên chúc thọ”, do xuất phát từ quan niệm cát tường hý, nhằm phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của giới quý tộc thời phong kiến. Nói chung, diễn xuất trong hát Tiều cũng na ná như Kinh Kịch, Việt Kịch và có nhiều điểm giống với diễn tuồng, hát bội của Nam bộ, nghĩa là diễn viên vừa ca, vừa diễn xuất điệu bộ…

hát Tiều Tiết mục hát Tiều của các diễn viên người Hoa trên sân khấu Trung tâm Văn hóa quận 5 (TP. Hồ Chí Minh).

Trước đây, các gánh hát Tiều thường diễn những vở lấy từ các tích truyện của Trung Hoa trong lịch sử như “Tiết Nhơn Qúy”, “Tiết Đinh San”, “Mộc Quế Anh”, “Mạnh Lệ Quân”, “Triệu Ngũ Nương”, “Trần kim mẫu đơn”, “Giả kim mẫu đơn”, “Quách Tử Nghi”, “Chị ba Lưu”…

Nhưng, từ sau 1975 tới nay, trong kịch mục, đã có thêm những vở được dịch từ kịch bản cải lương Nam bộ sang hát tiều như: “Lý Thường Kiệt”, “Tô Ánh Nguyệt”, “Người đẹp trong tranh”, “Tấm Cám”, “Đời cô Lựu”, “Nguồn sáng trong đời”, “Tấm lòng cuả biển”, “Câu thơ yên ngựa”…, với sự tham gia diễn xuất tài hoa của nhiều thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng như: Lâm Chấn Oai, Lương Ngọc Yến, Phù Ỷ Hà, Ngộ Lục Hoa, Lương Tuấn Huy…, tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc mới lạ, độc đáo, đầy ấn tượng trong nghệ thuật hát Tiều.

Đặc biệt những năm gần đây, ở khu vực Chợ Lớn-nơi tập trung đông đồng bào dân tộc Hoa sinh sống, các hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị vốn văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống Trung Hoa rất được chú trọng.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa nghệ thuật, đồng bào người Hoa đã cùng chính quyền, các tổ chức xã hội khôi phục, bảo tồn, phát huy nhiều di sản văn nghệ thuật đặc sắc, trong đó có hát Tiều (Triều Kịch), góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Hoa tại Chợ Lớn nói riêng và Nam bộ nói chung.

LƯƠNG ĐỊNH

Tin cùng chuyên mục
Những người trẻ giữ gìn văn hóa dân tộc theo cách của mình

Những người trẻ giữ gìn văn hóa dân tộc theo cách của mình

Dù mới ở tuổi đôi mươi, nhưng những người trẻ này đã có tình yêu đặc biệt với văn hóa dân tộc mình. Họ tận dụng mạng xã hội để quảng bá văn hóa dân tộc, giữ gìn nét đẹp của dân tộc và từ đó giúp nhiều người khác hiểu và trân quý văn hóa của đồng bào DTTS trong “vườn hoa 54 dân tộc anh em”.