Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Nghề thuốc Nam của người Chăm

Minh Truyền - Bá Quyến - 19:35, 22/08/2024

Đồng bào Chăm ở 2 thôn Phước Nhơn và An Nhơn, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận từ xa xưa đã nổi tiếng với nghề làm thuốc Nam cổ truyền. Từ nhu cầu trong đời sống về thảo dược chữa bệnh, người Chăm đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm về các bài thuốc gia truyền chữa trị các loại bệnh thông thường đến các chứng bệnh nan y mà nền y học hiện đại đang gặp khó khăn trong điều trị.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Giá trị y học cổ truyền trong những bài thuốc Nam

Từ xa xưa, người Chăm ở xã Xuân Hải đã biết tận dụng các loại cây cỏ trong tự nhiên để làm thuốc chữa bệnh cứu người. Bằng những kinh nghiệm tri thức dân gian về nhận biết cây thuốc, hái thuốc, bốc thuốc, bào chế thuốc và tri thức chữa bệnh theo phương pháp gia truyền, kết hợp với niềm tin vào thần linh và tâm lý để chữa bệnh. Nghề bốc thuốc Nam trở thành nguồn sinh kế quan trọng của nhiều gia đình người Chăm nơi đây. Mỗi lương y có cách chế biến thang thuốc theo bí quyết riêng. Mỗi gia đình đều có kinh nghiệm tri thức chữa bệnh khác nhau. Bí quyết này chỉ truyền lại cho những người thân trong gia đình như con cháu, hay người thầy truyền lại cho người đệ tử trung thành của mình. Những phương pháp chữa bệnh có tính chất “huyền bí” là kinh nghiệm chữa bệnh lâu đời của người Chăm. Đồng bào quan niệm, những tri thức về sử dụng cây cỏ dùng làm thuốc chữa bệnh trở thành một “tín ngưỡng” trong đời sống của người Chăm.

Hàng trăm năm qua, người Chăm đã bảo tồn, sử dụng hơn 300 loài cây dược liệu bản địa để sử dụng cho 600 bài thuốc chữa các bệnh. Ví dụ như từ các bộ phận của cây đu đủ, người Chăm sử dụng thành các bài thuốc trị bệnh khác nhau. Lá sắc uống trị ung bướu, đau đầu. Hoa trị ho, mất tiếng. Rễ cây trị băng huyết cho phụ nữ. Hay như cây xáo tam phân (phun jam sak), chữa đau xương khớp, ức chế ung thư, trị bệnh sơ gan, viêm gan B, tiêu viêm giảm đau. Trong bài thuốc trị đau dạ dày, đau đại tràng mãn tính, người Chăm biết kết hợp các hợp vị khác như chùm gửi, dây chiều, huyết rồng, bồ công anh, xáo tam phân, cây chùm rụm, vỏ sung, nghệ vàng, nghệ đen, cườm thảo, trần bi và bao vỏ với tỷ lệ pha chế từ 10 - 20g cho từng loại thảo dược được bào chế thành một bài thuốc đặc trị bệnh.

Hiện nay, toàn xã Xuân Hải đã phát triển hơn 20 đại lý cung cấp thuốc Nam cho lương y các tỉnh, thành phố trên cả nước. Trên địa bàn xã có hơn 70% hộ gia đình người Chăm hành nghề thuốc Nam, trong đó hơn 40% lương y thường đi chữa bệnh, bán thuốc từ Nam ra Bắc, sang cả các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Campuchia.

Chị Kiều Maily ở thôn Phước Nhơn, xã Xuân Hải cho biết: Con cháu người Chăm ở thôn Phước Nhơn đều được học làm thuốc từ cha mẹ, ông bà. Những cây thuốc khi thu hái về nhà thì dùng dao thái mỏng, phơi khô, một vài vị thuốc cần sao vàng hạ thổ, gọi là kết hợp ngũ hành. Thuốc Nam của người Chăm không qua pha chế mà chỉ dùng thuốc Nam sống. Cây thuốc sau khi phơi khô thì cho vào bao để bảo quản, hằng tháng phải kiểm tra và đem ra phơi lại để tránh mốc.

Đối với rễ cây rừng được chặt mang về sắc nhỏ, phơi khô và pha trộn với nhiều loại thân cây, rễ cây khác nhau, tạo thành một hỗn hợp dùng để đun lấy nước uống chữa bệnh. Điều đặc biệt, các bài thuốc Nam của người Chăm được đun trong nồi, siêu được làm bằng chất liệu gốm do các nghệ nhân làng Bàu Trúc làm ra. Hiện nay, toàn xã Xuân Hải đã phát triển hơn 20 đại lý cung cấp thuốc Nam cho lương y các tỉnh, thành phố trên cả nước. Trên địa bàn xã có hơn 70% hộ gia đình người Chăm hành nghề thuốc Nam, trong đó hơn 40% lương y thường đi chữa bệnh, bán thuốc từ Nam ra Bắc, sang cả các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Campuchia.

Chức sắc Basaih sử dụng thảo dược để tẩy thể cho người dân
Chức sắc Basaih sử dụng thảo dược để tẩy thể cho người dân

Giải pháp bảo tồn làng nghề thuốc Nam

Nhiều năm qua, do cách thu hái tận diệt mà không có kế hoạch trồng bổ sung nên nguồn thảo dược trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đang có nguy cơ mai một. Một số cây thuốc quý hiếm chỉ còn ở Vườn Quốc gia Núi Chúa, Vườn Quốc gia Phước Bình, đây lại là điểm cấm chặt hái, khai thác rừng tự nhiên. Vì vậy, muốn khai thác, thu hái thuốc, người Chăm phải sang các khu rừng thuộc các tỉnh lân cận như Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên và Lâm Đồng.

Để bảo tồn nguồn gen thuốc quý và chủ động được nguồn dược liệu, năm 2011, được sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu, Hội Đông y tỉnh Ninh Thuận đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình trình diễn, bảo tồn nghề thuốc Nam truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận” với tổng kinh phí 50.000 USD. Dự án xây dựng mô hình vườn bảo tồn cây thuốc trong vườn 30 hộ gia đình ở xã Xuân Hải để lưu trữ nguồn gen cây thuốc và tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc Nam. Dự án được người dân hưởng ứng, đã trồng hơn 10ha dược liệu đặc hữu, qua đó, nhiều cây thuốc quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng được bảo tồn tốt.

Một tin vui cho những gia đình người Chăm đang hành nghề làm thuốc Nam là Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đang có kế hoạch thu hút, mời gọi doanh nghiệp đầu tư mở rộng diện tích khoảng 600ha trồng dược liệu quý hiếm tại các xã thuộc huyện Bác Ái, để bảo tồn và phát triển bền vững dược liệu bản địa. Ðến năm 2030, khu vực sơ chế, bảo quản dược liệu tại xã Phước Ðại, huyện Bác Ái sẽ được xây dựng. 

Tin cùng chuyên mục