Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nghi lễ đầu năm của người Chăm

Nguyệt Anh (T/h) - 18:22, 30/12/2021

Nghi lễ đầu năm của người Chăm đồng hành với quá trình hình thành của làng, cùng với quá trình chuyển cư từ nơi này sang nơi khác, từ làng mới đến làng cũ, các thiết chế thờ tự, các tín ngưỡng cúng thần linh không thay đổi.

Chức sắc Ka-ing đang múa trong lễ Rija nưgar. Ảnh: Phạm Văn Thành
Chức sắc Ka-ing đang múa trong lễ Rija nưgar. Ảnh: Phạm Văn Thành

Vào tháng Một Chăm lịch, đồng bào Chăm vẫn đến các vùng đất cũ, các vết tích thờ cúng thần trước đây (thuộc thôn Mỹ Tường, xã Nhơn Hải; thôn Mỹ Hiệp, thôn Mỹ Tân, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) để thực hiện nghi lễ cúng ở đền Po Bin Thuer, Po Bia Chuai hay lễ Cầu đảo ngoài cửa ngâm (cửa biển).

Nghi lễ đầu năm của người Chăm làng Bỉnh Nghĩa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 606/QĐ-BVHTTDL ngày 03 tháng 02 năm 2021.

Các nghi lễ đầu năm của người Chăm ở thôn Bỉnh Nghĩa (xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) có mục đích, quy trình và cách thức tổ chức khác nhau nhưng đều cấu thành một cấu trúc nghi lễ đặc thù và không thể tách rời gồm: các nghi lễ thỉnh mời, lễ múa mừng, cúng tế, dâng lễ vật, tạ ơn và cuối cùng là tiễn đưa thần linh.

Nghi lễ đầu năm của người Chăm làng Bỉnh Nghĩa thể hiện dấu ấn của việc hành hương, thực hành tín ngưỡng ở vùng đất tổ hay ở nơi sinh tụ xưa kia của tiền nhân; góp phần quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của người Chăm; đáp ứng nhu cầu tâm linh của cộng đồng; góp phần đoàn kết các thành viên trong làng. Các nghi lễ là nơi hội tụ của nhiều loại hình âm nhạc, diễn xướng nghi lễ mang tính nghệ thuật của người Chăm như hát lễ Mâduen, Kadhar, hát đối đáp, loại hình múa lễ của Ka-ing (Camânei), múa phồn thực... Những bài cúng lễ, bài hát lễ của chức sắc Kadhar giúp hiểu biết về tiểu sử của các vị thần linh. Hình thức diễn xướng dân gian, có tính giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tôn vinh các bậc tiền hiền đã có công lao khai khẩn đất đai, lập làng, ổn định đời sống xã hội.

Lễ Rija Harei (Lễ múa ban ngày)

Nghi lễ tổ chức trong khuôn viên đền Po Bin Thuer thuộc thôn Bỉnh Nghĩa. Dân làng dựng một nhà lễ (kajang) tại sân trước đền thờ, trên trần treo một tấm vải trắng gọi là Lam lir - tượng trưng cho trời. Phía dưới dựng bàn tổ chức sắc Ka-ing, trên đặt mâm lễ 25 miếng trầu têm. Góc nhà lễ là bàn tổ của thầy Mâduen có một khay trầu, cau, khay rượu trứng đặt lên trên chiếu cói. Lễ vật dâng cúng gồm: Lễ vật trình báo thần trong đền, lễ vật trong nhà lễ, lễ vật của người dân, lễ vật cúng cơm. Trong nghi lễ Rija Harei, các chức sắc tham gia hành lễ gồm: Mâduen, Ka-ing và Camânei.

Chức sắc Ka-ing đang múa trong lễ Rija nưgar. Ảnh: Phạm Văn Thành
Chức sắc Ka-ing đang múa trong lễ Rija nưgar. Ảnh: Phạm Văn Thành

Các chức sắc thực hiện nghi lễ, hát các bài thánh ca mời các vị thần linh và các điệu múa dâng lễ lên các vị thần. Các điệu múa trong nghi lễ do chức sắc Ka-ing, Pajau hoặc Rija tộc họ đảm nhiệm, tưởng nhớ thần linh, những người có công xây dựng đất nước. Đi kèm với các điệu múa là những nhạc cụ truyền thống như: trống gineng, baranâng, céng (chiêng), kèn saranai, graong (lục lạc) và đàn kanyi. Phổ biến hơn cả là bộ ba gồm trống gineng, trống baranâng và kèn saranai. Trong đó chủ đạo vẫn là gineng, vì âm thanh mạnh mẽ, hùng hồn, quy định những động tác, nhịp điệu nhanh hay chậm.

Lễ Rija Nâgar (Lễ múa đầu năm)

Dân làng dựng nhà lễ ở khu đất trống đầu làng, thực hành nghi lễ là các chức sắc Mâduen, Ka-ing, Camânei, Pajau, Kadhar, các nghệ nhân dân gian và sự tham gia của cộng đồng. Nghi lễ (thực hiện trong 1 ngày), lễ vật khác với các làng Chăm khác. Chức sắc Kadhar và Pajau thực hiện việc dâng lễ vật cho thần linh cũ (Yang Klak), dân làng không tham gia phần lễ này.

Trong phần lễ Yang Klak, có 9 mâm lễ chay (Kaya Yuer), mỗi mâm bài trí thành các tầng khác nhau theo quy định, xếp thành 2 hàng dọc theo từng cặp để dâng cúng các vị thần theo hệ thống từ trên cao xuống: cặp 9 tầng dâng vị thần tối cao là Po Yang Amâ và Po Inâ Nâgar; cặp 8 tầng dâng thần Po Klaong Girai, Po Ramé, Po Girai Bhaok, Po Thun Girai, Thun Cek; cặp 7 tầng dâng cúng Po Klaong Kachait, Po Tang, Po Gihlau, Po Birau, Po Riyak; cặp 5 tầng dâng Po Bin Thuer, Po Dam; 1 mâm lẻ dâng những vong linh tổ tiên, hương chức trong làng.

Nghi thức dâng cúng gồm 2 phần: Yang birau (những người có công khai thiên lập địa) và Yang klak. Chức sắc Mâduen, Ka-ing đảm nhiệm việc dâng cúng Yang Birau bằng món chay. Mâduen làm chủ lễ vỗ trống baranâng và hát thánh ca, Ka-ing là người múa dâng lễ. Ngoài ra, còn có chức sắc Camânei (chức sắc giữ y trang Po Bin Thuer) tham gia múa hành lễ cùng với Ka-ing. Ka-ing múa các điệu múa dâng lễ lên từng vị thần, các bậc khai làng, ông bà tổ tiên và múa tiễn các vị thần linh. Sau đó, các chức sắc Kadhar và Pajau tiến hành dâng lễ các món mặn.

Ảnh Giang Phạm
Ảnh Giang Phạm

Sau phần nghi lễ là nghi thức hát đối đáp giữa 2 đội nam và nữ, 2 đội đứng thành hàng ngang đối diện nhau. Cuối cùng là nghi thức múa phồn thực do một người đàn ông trong làng và Pajau thực hiện cầu cho trời đất giao hòa, cây trồng, vật nuôi sinh sôi nảy nở. Người đàn ông được tuyển chọn để múa thức phồn thực là một người đứng tuổi, thân hình khỏe mạnh, gia cảnh êm ấm và có tính hài hước.

Lễ cúng Po Bin Thuer (Ngap Yang Po Bin Thuer)

 Po Bin Thuer là vị thần có công lập làng, ổn định đời sống dân cư. Ông được người dân thôn Bỉnh Nghĩa tôn kính và lập đền thờ giống như Thần hoàng làng. Người dân thờ phụng vị thần qua biểu tượng một tảng đá trên ngọn núi. Do việc di chuyển lên núi gặp nhiều khó khăn nên năm 2004, người dân làng Bỉnh Nghĩa đã quyên góp xây dựng đền thờ dưới chân núi để thuận tiện cho công việc cúng lễ.

Khung cảnh rước y trang từ đền tại làng Bỉnh Nghĩa (TTNCVH Chăm)
Khung cảnh rước y trang từ đền tại làng Bỉnh Nghĩa (TTNCVH Chăm)

Nghi lễ được thực hiện trước cửa đền, chủ lễ là Pajau và Kadhar. Trong nghi lễ có múa rước y trang được mang từ làng Bỉnh Nghĩa đi đến đền thờ Po Bin Thuer ở thôn Mỹ Tường. Chức sắc Kadhar và Pajau hành lễ dâng lễ vật cho thần linh, sử dụng đàn Kanyi đệm cho Kadhar hát thỉnh mời thần linh, ca ngợi công trạng từng vị thần, cầu mong thần linh phù hộ, giúp đỡ người dân thoát khỏi tai ương, bệnh tật, mùa màng được bội thu, cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Phía ngoài đền, dân làng mang lễ vật đến nhờ Pajau và Kadhar khấn cầu với Thần Po Ginuer Mâtri chấp nhận lễ vật của gia đình mình.

Lễ cúng Po Bia Chuai (Ngap Yang Po Bia Chuai)

Sau khi thực hiện xong nghi lễ Po Bin Thuer, các vị chức sắc cùng người dân thôn Bỉnh Nghĩa di chuyển về cửa biển thôn Mỹ Tân (Cửa ngâm), xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, dựng nhà lễ tại cửa ngâm nghỉ qua đêm. Y trang của Po Bia Chuai được các vị chức sắc và bà bóng trong tộc họ Camânei đem cất trong nhà lễ để sáng hôm sau mới chuyển đến Hòn đỏ để tiếp tục làm lễ cúng Po Bia Chuai. Nghi thức múa rước y trang Po Bia Chuai cũng giống như nghi thức múa của Po Bin Thuer.

Ban nhạc lễ sử dụng các nhạc cụ Gineng, Saranai và chiêng để tấu nhạc cho đoàn múa lễ rước y trang vào đền thờ Po Bia Chuai. Trong lễ cúng Po Bia Chuai chỉ sử dụng đàn Kanyi. Chức sắc Kadhar vừa kéo đàn Kanyi vừa hát thánh ca để dâng lễ vật cho thần linh.

Lễ cúng Paralao kasah (Lễ cầu đảo)

Nghi lễ được tổ chức tại cửa biển, người dân địa phương gọi là cửa ngâm. Khi nghi lễ Po Bia Chuai kết thúc, dân làng chuẩn bị đồ cúng và dựng nhà lễ tại cửa ngâm. Nghi lễ có hai phần dâng lễ vật cho các thần linh: một do chức sắc Mâduen và Ka-ing phụ trách; hai do các chức sắc Pajau và Kadhar thực hiện. Hiện nay, các nghi lễ tổ chức tại cửa biển của người Chăm đã mai một, chỉ làng Bỉnh Nghĩa còn thực hành nhưng quy mô nhỏ.

Lễ vật dâng cúng gồm có 1 con dê, trứng, hoa quả, gạo, rượu, muối… Có 2 khu vực đặt lễ riêng biệt: khu vực đặt lễ của chức sắc hành lễ (trong nhà), khu vực đặt lễ của dân làng (ngoài nhà).

Nghi lễ đầu năm của người Chăm 4

Đầu tiên là cúng cửa ngâm khai thông cửa biển, khấn cầu trời yên biển lặng, được mùa tôm cá, dân làng được bình an, mạnh khoẻ, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Sau đó là các nghi thức dâng cúng tương tự như nghi lễ Rija Nâgar, dâng cúng cho thần Yang Birau và Yang klak. Chức sắc đảm nhiệm việc dâng cúng Yang Birau là Mâduen và Ka-ing. Mâduen làm chủ lễ vỗ trống Baranâng và hát thánh ca, Ka-ing là người múa dâng lễ các vị thần, ngoài ra còn có chức sắc Camânei tham gia múa cùng với Ka-ing, nhạc lễ gồm kèn saranai, trống gineng và céng. Tiếp đến là hát đối đáp và múa phồn thực.

Ngoài ra, cộng đồng người Chăm còn giao lưu âm nhạc và đấu vật với cư dân ven biển suốt đêm. Các ngư dân đi đánh bắt cá được họ biếu cho người Chăm mang về, họ tin rằng nhờ người Chăm cúng biển mà trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang.

Lễ cúng Po Inâ Nâgar Hamu kut (Lễ cúng Mẹ thần xứ sở Hamu kut)

Ảnh: Giang Phạm
Ảnh: Giang Phạm

Khi cúng lễ ở cửa ngâm xong, dân làng tổ chức dâng lễ vật lên Po Inâ Nâgar Hamu kut tại đền thờ Bà ở làng. Chủ trì buổi lễ là Pajau (bà bóng cộng đồng) và Kadhar (thầy kéo đàn nhị). Pajau thỉnh mời thần linh, cầu mong những điều tốt đẹp cho dân làng. Kadhar hát thánh ca kể về tiểu sử và công đức các vị thần linh. Trong nghi lễ có múa phồn thực, hát đối đáp. Dân làng Bỉnh Nghĩa tin Po Inâ Nâgar sẽ ban cho họ cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Đặc biệt, những cặp vợ chồng hiếm muộn con cái khi đến khấn cầu đều rất linh nghiệm, cho nên trong nghi lễ Po Inâ Nâgar Hamu kut có nghi thức hát cầu con.

Lễ cúng Po Nai và Po Riyak

Điệu múa đạp lửa trong lễ cúng Po Nai - Po Riyak (Ảnh TTNCVH Chăm)
Điệu múa đạp lửa trong lễ cúng Po Nai - Po Riyak (Ảnh TTNCVH Chăm)

Tại thôn Bỉnh Nghĩa không có lập đền thờ riêng cho Po Nai và Po Riyak giống như một số làng Chăm khác. Hàng năm, Ban Phong tục làng tổ chức nghi lễ trước cửa đền Po Bin Thuer để cho người dân đến dâng lễ vật. Các chức sắc hành lễ là Mâduen, Ka-ing, Camânei và Ban nhạc lễ. Nghi lễ tổ chức đơn giản, không dựng nhà lễ. Nơi hành lễ chỉ treo một tấm panil (tấm trướng). Lễ vật dâng cúng cho Po Nai chủ yếu là bánh, trái và xôi, chè, lễ vật cúng Po Riyak có thêm thịt dê. Nghi lễ, các bài hát và điệu trống gần giống với nghi lễ Rija Harei.

Lễ cúng Ikak Ghak Ikak Limah (Lễ tống ôn) 

Đây là nghi lễ cuối cùng trong chuỗi lễ hội đầu năm của làng Chăm Bỉnh Nghĩa để cầu an, xin những điều tốt đẹp, đồng thời, tống tiễn những tai ương, xấu xa ra khỏi làng. Chức sắc đảm nhận chính trong nghi lễ là Kadhar, Pajau, người dân không tham gia cúng. Ngoài những lời khấn, Kadhar còn hát về tiểu sử, công đức của các vị thần linh và nhắc nhở con cháu luôn hướng về cội nguồn, tri ân những người đã có công khai khẩn lập làng.

Nơi hành lễ là khoảng sân trống ở các ngã 3, ngã 4 đường. Trong lễ cúng có tục hèm, khi Kadhar hát đến Po Klaong Kachait, một nghệ nhân đóng vai người cưỡi ngựa chạy ra đầu làng mang thông điệp cùng những lời khấn cầu của dân làng đến với thần linh, ông bà, tổ tiên. Khi trở về nghệ nhân được chức sắc Kadhar thưởng một số lễ vật.

Qua các nghi lễ đầu năm, mọi người hy vọng và tin tưởng sẽ được thần linh và tổ tiên phù hộ, che chở cho dân làng được cuộc sống bình an và hạnh phúc.

Tin cùng chuyên mục
Rối nước -“Hiện thân” sống động của những giá trị nhân sinh trong đời sống tinh thần nơi làng quê

Rối nước -“Hiện thân” sống động của những giá trị nhân sinh trong đời sống tinh thần nơi làng quê

Tiếng trống, tiếng mõ rộn rã thúc giục từng hồi, những đợt pháo thăng thiên, pháo mở cờ ngoạn mục vang lên, từng con rối bắt đầu được thổi hồn, thoát ẩn thoát hiện tài tình trên mặt nước. Dưới mái thủy đình ngói đỏ cong cong, múa rối nước chính là kho tàng lưu giữ nét văn hóa dân gian Bắc Bộ, là “hiện thân” sống động của những giá trị nhân sinh trong đời sống tinh thần, của những làng quê vùng đồng bằng sông Hồng.