Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Nghị lực phi thường của Y Julie

Thùy Dung - 17:18, 30/11/2020

Dù khiếm khuyết đôi tay từ thuở lọt lòng mẹ nhưng cô bé Y Julie, dân tộc Ba Na (làng Kon Drei, xã Đăk Bla, TP. Kon Tum) vẫn vượt lên nghịch cảnh với ước mơ thay đổi cuộc đời.

Với ý chí và nghị lực của mình, Y Julie đã dùng đôi chân của mình để thay đổi cuộc đời
Với ý chí và nghị lực của mình, Y Julie đã dùng đôi chân của mình để thay đổi cuộc đời

Vốn không may mắn như bao đứa trẻ cùng trang lứa, Y Julie (làng Kon Drei, xã Đăk Bla, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đã khuyết đôi tay từ thuở lọt lòng mẹ. Tuy nhiên, với tình thương bao la của chị Y Dzoar và anh A Khưnh (cha mẹ của Y Julie) mà Julie đã lớn lên từng ngày, cùng với đó là ý chí không ngừng vươn lên trong cuộc sống.

“Lúc con sinh ra không được trọn vẹn như bao đứa trẻ khác, mình đã ngất xỉu vì thương con. Con khiếm khuyết, thiệt thòi thì mình càng yêu thương hơn”, chị Y Dzoar chia sẻ.

Ngoài giờ lên nương, lên rẫy, vợ chồng chị Y Dzoar lại tranh thủ đưa con đi đến bệnh viện để khám bệnh. Julie cứ thế lớn lên trong vòng tay yêu thương của gia đình. Khi lên 5 tuổi, chứng kiến những đứa trẻ trong xóm được đến trường, Julie cũng đòi mẹ cho đi học. Nhưng vì thương con và lo con không thể theo kịp được bạn bè nên chị Y Dzoar không cho con đến trường. Một ngày, chị Y Dzoar bắt gặp Julie ngồi trên nền đất lấy cành cây khô kẹp vào chân vẽ nghệch ngoạc liền chạnh lòng, thương con. Từ đây, chị Y Dzoar mua sách vở, bút về để con tập viết.

Đối với 1 đứa trẻ tập viết bằng tay đã khó. Với Y Julie việc này còn khó hơn đến bội lần, vì Y Julie phải tập viết bằng chân. Những ngày đầu tập viết, bàn chân của Julie phồng rộp, sưng tấy vì cố giữ cây bút để luyện viết. Bàn chân phải thì giữ vở để vở không bị di chuyển, chân trái dùng hết sức để nẹp bút và di chuyển các con chữ. Tuy nhiên, bằng ý chí, nghị lực vươn lên và tình yêu thương động viên của cha mẹ mà những dòng chữ đầu đời của cô bé đã đã được viết lên.

Nhận thấy nghị lực của Y Julie, vợ chồng Y Dzoar bắt đầu cho con đến trường học chữ. Những ngày đầu đi học, thầy cô và bạn bè ai cũng ái ngại. Nhưng khi Y Julie tự mình mang sách vở ra tập viết thì ai cũng bất ngờ và thán phục. Đồng hành trên con đường đến trường cùng Y Julie là Y Bích và Y Mu, 2 bạn thay phiên nhau để chở Y Julie tới lớp.

Chiếc máy tính là người bạn đồng hành mới trên giảng đường đại học của Y Julie
Chiếc máy tính là người bạn đồng hành mới trên giảng đường đại học của Y Julie

Tuy khiếm khuyết đôi tay nhưng Y Julie lại có ý chí tự lập từ nhỏ. “Những việc như vệ sinh cá nhân, chải đầu hay ăn uống là em tự làm. Nhưng những việc nào khó quá, đôi chân không kham hết được thì em lại phải nhờ đến bố mẹ. Có lần bố mẹ đi vắng, dù cố gắng hết sức nhưng em không thể cài cúc áo để đi học được. Lúc đấy bất lực lắm, nhưng may sao có em trai về kịp nên đã giúp em cài cúc áo để kịp giờ tới lớp”, Y Julie bộc bạch.

Cứ thế, 12 năm học trôi đi với nhiều thành tích đáng tự hào, cánh cửa trên giảng đường  đại học đã mở ra với Y Julie. Lúc này, cô bé lại đứng trước nhiều sự lựa chọn, chọn học “Hướng dẫn viên du lịch” mà em ước mơ bấy lâu nay hay một nghề khác. Nhưng vì lí do sức khỏe, Y Julie đã theo học ngành Công nghệ thông tin của trường Đại học Đà Nẵng phân hiệu tại Kon Tum. Để phục vụ việc học, Y Julie chuyển về nhà bà ngoại để ở, nhà bà của em cách trường 5km nên Y Julie sẽ được dì chở đến lớp.

Đồng hành cùng Y Julie trên giảng đường đại học là một chiếc máy tính do mạnh thường quân trao tặng. Y Julie lại từng bước chinh phục chiếc máy tính bằng đôi chân. “Có đôi lúc em cảm thấy mệt mỏi khi phải dò từng chữ trên máy tính, ngồi ghế nhiều cũng khiến lưng đau mỏi. Nhiều khi tủi thân nhưng nhìn lại chặng đường mình trải qua lại có thêm động lực để bước tiếp. Em sẽ cố gắng dùng đôi chân thay đôi tay để thay đổi cuộc đời mình”, Y Julie tâm sự.

Y Julie cho biết thêm, hiện nay em chỉ mong mình đủ sức khỏe để hoàn thành chương trình học và trau dồi thêm tiếng Anh. Tốt nghiệp xong, Y Julie sẽ tìm một công việc phù hợp để tiếp tục thực hiện ước mơ của mình. 

Theo chia sẻ của chị Y Dzoar, sức khỏe của Y Julie vốn đã yếu từ ngày mới sinh ra. Vừa qua, xương sống của Y Julie bị đau nhức nên gia đình đưa đi thăm khám. Các bác sĩ tại bệnh viện yêu cầu phải mổ với chi phí 300 triệu đồng, nếu không sức khỏe của Y Julie bị ảnh hưởng. Thương con, gia đình đã vay tiền ngân hàng để chữa trị cho con. Đồng thời, nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các mạnh thường quân mà gia đình cũng đã giảm bớt một phần khó khăn về kinh tế. 

"Tuy nhiên, vừa rồi gia đình tiếp tục đưa Y Julie vào khám bệnh ở TP. Hồ Chí Minh, các bác sĩ nói Y Julie phải mổ lại lần 2 mới có hi vọng khỏi hoàn toàn. Nhưng tiền nợ ngân hàng đợt mổ trước còn chưa trả hết, giờ gia đình không biết xoay sở ra sao. Nhưng dù phải bán hết tất cả nhà, đất đai để chữa trị cho con vợ chồng tôi cũng sẽ bán để con có sức khỏe và bước tiếp hành trình cuộc đời...", chị Y Dzoar nghẹn ngào. 

Tin cùng chuyên mục
Ảo vọng xuất ngoại và sự thật trắng tay, ly tán của một gia đình ở Cư Jút

Ảo vọng xuất ngoại và sự thật trắng tay, ly tán của một gia đình ở Cư Jút

Không chỉ trắng tay, nhiều gia đình trên địa bàn vùng đồng bào DTTS ở một số tỉnh Tây nguyên, trong đó có các hộ ở huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông còn bị ly tán vì tin theo lời xúi giục, lừa phỉnh, bán hết đất đai, nhà cửa, đi theo ảo vọng việc nhẹ lương cao ở nước ngoài.