Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Ngọn lửa trong đời sống người dân Tây Nguyên

PV - 10:42, 16/04/2018

Chứng kiến nhiều biến đổi của buôn làng, đi qua 82 mùa rẫy, già làng người Lạch (thuộc nhóm dân tộc Cơ-ho) ở xã Đạ Chais (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) là ông K’Thành đúc rút ra rằng: ngọn lửa có vai trò hết sức quan trọng trong cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, là biểu tượng của sự ấm áp, no đủ và khát vọng vươn lên.

Đồng hành cùng cuộc sống

Theo già làng K’Thành và các già làng khác ở Tây Nguyên khi dựng làng nơi ở mới, khi đi lên khu rẫy mới, hay làm một công trình phụ trợ mới… thì nhất quyết phải tổ chức lễ xin lửa. Lễ xin lửa này diễn ra trang trọng. Một bếp lửa được đốt lên ở trung tâm của buôn làng, sau đó, già làng làm lễ cúng, rồi người xin lửa mới được gắp mấy cục than bỏ vào một cái bếp nhỏ tự tạo mang về nơi đang cần bắt đầu nhen lên sự ấm cúng.

Ngọn lửa luôn đồng hành cùng các sự kiện trọng đại của người DTTS ở Tây Nguyên. Ngọn lửa luôn đồng hành cùng các sự kiện trọng đại của người DTTS ở Tây Nguyên.

 

Già làng K’Tung ở xã Đạ Lây, huyện Đạ Teh (Lâm Đồng), người nắm giữ nhiều câu chuyện xưa lẫn chuyện nay ở xã Đạ Lây, tâm tình. Trước đây, cộng đồng người Mạ hay dời làng lắm nhưng thời gian gần đây, bà con đã định canh, định cư theo chính sách của Nhà nước an tâm sản xuất. Hồi đó, mỗi lần dời làng, ông K’Tung được giao nhiệm vụ chủ đạo trong việc xin lửa. Thường, đống lửa được đốt lên giữa khu làng cũ, dân làng bày biện lễ vật và chuẩn bị sẵn hàng chục cái bếp bằng tôn rồi già làng đọc bài cúng với các thần linh rằng: “

Ơi, Yàng, ơi thần đất, thần sông, thần rừng, thần rẫy… ở nơi ở cũ. Hãy cho lũ làng đi khai phá thêm vùng đất mới, lập làng mới cùng với hơi ấm và sức mạnh từ làng cũ”.

Cúng xong, những cục than đỏ rực từ đống than ở làng cũ sẽ được gắp vào những chiếc bếp mang đến làng mới, làm ấm những căn nhà ở làng mới.

Khi cuộc sống ổn định, không còn cảnh dời làng, thì lễ xin lửa lên các khu rẫy mới là nghi thức quan trọng với cộng đồng người DTTS ở Nam Tây Nguyên. Già làng K’Hinh, Người có uy tín ở buôn Phi Dih Ja A, xã Krông Nô huyện Lăk (Đăk Lăk) khẳng định: Người Cơ-ho mình hay các dân tộc anh em khác cũng thế thôi, luôn coi trọng lửa. Lửa có từ buổi sơ khai hình thành buôn làng kia mà. Nhờ các chính sách của Nhà nước giờ dân làng ấm no dần. Các khu đất hoang được vỡ vạc thành những khu rẫy mới. Trước khi lên rẫy mới canh tác và làm chòi canh rẫy, dân làng trong buôn sẽ chọn ngày đẹp, đốt lửa giữa buôn; rồi già làng khấn xin thần lửa để lũ làng xin sự ấm cúng mang lên khu rẫy mới. Những cục than hồng khi mang lên khu rẫy mới lại được già làng tiếp tục nghi lễ khấn rằng: Hỡi thần đất, thần rừng, thần sông…

ở nơi làm ăn mới này hãy tiếp nhận sự ấm áp của lửa mà lũ làng xin mang đến để giúp lũ làng có những vụ mùa bội thu, có những đêm rền vang tiếng chiêng, tiếng hát trong sự chứng kiến của thần lửa đầy ấm áp.
Ngọn lửa song hành cùng cuộc sống thường nhật. Ngọn lửa song hành cùng cuộc sống thường nhật.

 

Cộng đồng người DTTS ở Nam Tây Nguyên tin rằng, khi xin lửa mang đến những khu rẫy mới là món quà làm cho các vị thần ở khu rẫy mới ấm áp lên, nương rẫy sẽ tốt tươi hơn. Họ cũng tin rằng, món quà là những ánh lửa trang trọng mang đến ra mắt ngày đầu sẽ khởi nguồn cho mọi điều tốt đẹp về sau đối với buôn làng của mình.

Thắp lên những khát vọng

Ngọn lửa còn giúp cộng đồng buôn làng ở Tây Nguyên xích lại gần nhau hơn, cùng nhau vươn lên trong cuộc sống. Là nông dân sản xuất giỏi của buôn Phi Dih Ja A, anh K’Tuấn bộc bạch rằng: Những đêm trời trong, trăng sáng, sau mùa thu hoạch rẫy, cả buôn lại cùng thắp lên ngọn lửa để cùng bàn chuyện làm ăn cho mùa vụ mới. Sau khi bàn chuyện làm ăn, thì bàn đến chuyện giữ gìn các nét đẹp văn hóa, cách luyện các bài chiêng sao cho ngân xa hơn, cuốn hút người nghe hơn. Rồi những ngày nông nhàn, người già lại quây quần cùng trẻ nhỏ bên bếp lửa, ngọn lửa đượm nồng theo câu chuyện kể như làm sống động lại bao mạch nguồn của những lễ hội, những tháng ngày tươi đẹp đã và đang diễn của cộng đồng dân tộc mình. Những đêm “thủ thỉ” ấy cũng là cách truyền nhiệt huyết và khát vọng cho các thế hệ sau.

Người Cơ-ho tin rằng ngọn lửa thiêng đem lại hơi ấm, sức sống và sự ấm no cho buôn làng. Người Cơ-ho tin rằng ngọn lửa thiêng đem lại hơi ấm, sức sống và sự ấm no cho buôn làng.

 

Ngày ngày cần mẫn đi động viên con em trong buôn hãy biết chăm chỉ học hành để còn xây dựng và đổi mới cho tương lai, ông K’Hùng ở buôn K’Ming, xã Gung Ré, huyện Di Linh (Lâm Đồng) tin tưởng rằng; ngọn lửa linh thiêng vĩnh hằng tồn tại trong tâm trí người dân rồi thì ngọn lửa của khát vọng học tập cũng phải được thắp lên trong các thế hệ ở Gung Ré. Cuộc sống càng phát triển, buôn làng càng ấm no, càng cần cái chữ. Mỗi mùa hè hay khi bắt đầu năm học mới, buôn làng lại tấu lên các bài chiêng bên ngọn lửa rực sáng cả một góc buôn. Sau điệu chiêng mừng, ai cũng chăm chú nghe các già làng thông báo thành tích học tập của các cháu từ cấp 1 đến đại học rồi tuyên dương, phát thưởng trước ngọn lửa ấm cúng. Các cháu học sinh cũng hứa trước thần lửa sẽ cố gắng nỗ lực hơn nữa để rồi lại tiếp tục được tuyên dương trong những lần sau. Ngọn lửa như minh chứng cho các lời hứa, tiếp thêm nghị lực tinh thần cho các học sinh vậy.

Sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm TP. Hồ Chí Minh, em K’Dũng quay về dạy học ngay tại xã Gung Ré, K’Dũng thổ lộ: “Mình là con của buôn làng nên lại quay về phục vụ buôn làng là niềm hạnh phúc lớn. Bao nhiêu đêm ấm cúng tiếp nhận những lời động viên của những bậc cây cao bóng cả ở buôn trước sự chứng kiến của thần lửa mãi để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí”.

ĐÔNG HƯNG

Tin cùng chuyên mục