Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Người chăn nuôi lao đao khi đối mặt với khó khăn kép

Hoàng Quý - 15:23, 25/07/2021

Hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi lợn vẫn đang có tâm lý dè chừng, theo dõi tình hình trước khi quyết định tái đàn do dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vẫn đang có nhiều nguy cơ bùng phát trở lại. Cùng với đó, giá thức ăn chăn nuôi không ngừng tăng khiến việc tái đàn của người dân đã khó nay càng khó hơn nhiều lần.

Ông Đặng Văn Tiếp bên chuồng trại vẫn để không của mình
Ông Đặng Văn Tiếp đang bỏ trống chuồng trại chăn nuôi vì thức ăn tăng cao

Theo nhiều hộ chăn nuôi, gần đây, giá các loại thức ăn chăn nuôi đang tăng mạnh; so với trước, tăng từ 3-5 lần, có loại tăng 6-7 lần. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ nhiều sản phẩm chăn nuôi bị chậm lại, giá bán đồng loạt giảm nhiều tháng qua khiến người chăn nuôi lao đao. Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, và với mức tăng quá cao như hiện nay, là nguyên nhân khiến người chăn nuôi khó ổn định sản xuất.

Trang trại của anh Nguyễn Công Chung Nhận, ở xã Văn Xá (huyện Kim Bảng, Hà Nam) chưa kịp gượng dậy sau cơn càn quét của DTLCP, nay lại đối mặt nhiều khó khăn, bởi chi phí sản xuất quá cao. Được biết, anh Nhận luôn duy trì đàn khoảng khoảng 200 lợn nái và 1.000 lợn thịt, mỗi tháng tiêu thụ khoảng 80 tấn cám. Giá cám tăng nên chi phí chăn nuôi cũng tăng hơn 100 triệu đồng/tháng khiến cho sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Theo anh Nhận, năm 2021, giá lợn hơi bắt đầu giảm từ 90.000 đồng/kg đến giờ còn khoảng từ 63.000 - 65.000 đồng/kg. Trong khi đó, các đại lý cám liên tục tăng giá, hiện đã tăng thêm 50.000 - 70.000 đồng/bao. Chi phí cho 1 con lợn đến ngày xuất chuồng (100kg/con), riêng thức ăn đã ở mức 3 triệu đồng, tăng khoảng 500 nghìn đồng, cộng với tiền giống, điện nước, thuốc thú y đã lên đến hơn 6 triệu đồng.

Hay như ông Đặng Văn Tiếp, ở thôn Nhai Tẻn 1, xã Kim Sơn (huyện Bảo Yên, Lào Cai); sau khi đàn lợn hơn 130 con bị thiệt hại do DTLCP, cũng đang rất muốn tái đàn trở lại. Nhưng ông chưa thể thực hiện do dịch bệnh diễn biến khó lường, không biết xuất hiện lúc nào. Trong khi giá thức ăn chăn nuôi, con giống đều cao, người chăn nuôi như gánh "một cổ hai tròng", muốn tái đàn trở lại rất khó.

Chi phí chăn nuôi tăng cao khiến người chăn nuôi gặp khó khăn
Chi phí chăn nuôi tăng cao khiến người chăn nuôi gặp khó khăn

Theo ghi nhận từ tháng 10/2020 đến nay, giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã tăng đến 5-6 đợt, với mức tăng bình quân trong 6 tháng qua lên đến 30 - 35%. Giá thức ăn chăn nuôi chiếm 80 - 85% trong giá thành chăn nuôi. Do vậy, giá thức ăn chăn nuôi tăng khiến nhiều hộ chăn nuôi rơi vào thua lỗ, không dám tái đàn như mọi năm.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay trên thị trường giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn chưa có chiều hướng giảm. Dự kiến sau khi tăng chừng 5 – 10% trong những tháng tiếp theo, có thể mức giá sẽ giảm dần vào quý III/2021. 

Điều này cho thấy, ngành chăn nuôi trong nước đang gánh chịu khó khăn “kép” khi giá thành phẩm không tăng trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại tăng nóng liên tục, dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp phá sản, nhà chăn nuôi lao đao, bỏ chuồng trại. Vì thế, ông Trọng khuyến nghị, người chăn nuôi cần cân đối sản xuất, trước mắt tránh mở rộng quy mô chăn nuôi; có thể giảm sử dụng thức ăn hỗn hợp, ngô trong chăn nuôi vì đang có giá cao, nên chuyển sang sử dụng thức ăn sẵn có như: Sắn, gạo, cám… có giá mua thấp hơn.

Tin cùng chuyên mục
Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) rất lớn, đây được xem là tiềm năng, lợi thế để người dân sống nhờ rừng thêm cơ hội và điều kiện để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng. Việc khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), có ý nghĩa quan trọng, để người dân có thêm điều kiện phát huy giá trị kinh tế ổn định cuộc sống và phát triển bền vững từ rừng.