Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Tìm sinh kế mới cho người chăn nuôi lợn nhỏ lẻ: Khó vẫn phải làm

Sỹ Hào - 09:56, 14/02/2020

Để chủ động ứng phó với dịch bệnh, xu hướng tất yếu của chăn nuôi lợn hiện nay là chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại quy mô lớn. Do đó, cùng với việc hỗ trợ phát triển mô hình trang trại, thì công tác hướng dẫn cho người chăn nuôi nhỏ lẻ tìm sinh kế mới là điều các địa phương, tổ chức, các cơ quan chuyên ngành, nhà khoa học cần phải làm.

Nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi luôn tiềm ẩn, gây khó khăn cho công tác phòng chống.
Nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi luôn tiềm ẩn, gây khó khăn cho công tác phòng chống

Thận trọng tái đàn

Cách đây đúng 1 năm (tháng 2/2019), thị trường thịt lợn hơi Việt Nam nhận tin dữ khi phát hiện 2 ổ dịch tả lợn châu Phi (ASF) ở tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. ASF sau đó bùng phát và lây lan nhanh chóng, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi nước ta.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lũy kế từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 19/12/2019, ASF đã xảy ra tại 8.527 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổng số lợn tiêu hủy gần 6 triệu con, với tổng trọng lượng 340,8 nghìn tấn. ASF đã làm tổng đàn lợn của cả nước tháng 12/2019 giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Sự thiếu hụt nguồn cung đã đẩy giá thịt lợn lên cao chưa từng thấy tại thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý. Theo niêm yết của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (đơn vị tổ chức thị trường giao dịch hàng hóa tập trung cấp quốc gia), tại thời điểm ngày 7/2/2020, giá thịt hơi trên thị trường dao động ở 81 - 83 nghìn đồng/kg. Cùng thời điểm này của năm 2019, giá thịt lợn hơi chỉ ở mức 42 - 45 nghìn đồng/kg.

Mặc dù giá thịt tăng cao, nhu cầu tiêu dùng lớn, dịch bệnh cũng đã cơ bản được khống chế (hiện 6.315/8.527 xã bị ASF đã qua 30 ngày không phát hiện ổ dịch mới) nhưng ngành chăn nuôi vẫn rất thận trọng trong việc tái đàn. ASF cùng với nhiều dịch bệnh trên lợn khác (tai xanh, lở mồm long móng…) luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; trong khi việc áp dụng an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn hiện này rất khó thực hiện do chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ (nông hộ) trong khu dân cư.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tổng đàn lợn khoảng 25 triệu con hiện nay của cả nước, có 13,9 triệu con (chiếm 55,6% tổng đàn) do 2,5 triệu nông hộ chăn nuôi. Trong đó, số lượng hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ ở khu vực Trung du miền núi phía Bắc là cao nhất (969.876 hộ), tiếp đến là khu vực Duyên hải miền Trung (882.258 hộ), khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (138.933 hộ), khu vực Tây Nguyên (51.173 hộ)…

Tìm sinh kế cho hộ chăn nuôi nhỏ lẻ

Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, vấn đề tái đàn ở những hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ cần phải đưa ra bàn bạc kỹ. Bởi để ứng phó với dịch bệnh, các địa phương cần quán triệt vấn đề an toàn sinh học trong quá trình tái đàn. Nhưng hiện hộ chăn nuôi nhỏ chưa rành kỹ thuật chăn nuôi và áp dụng được biện pháp an toàn sinh học.

Lo ngại dịch bệnh tái phát nên hiện nhiều địa phương vẫn chưa “gỡ lệnh” hạn chế tái đàn lợn. Mới đây nhất, do ASF bùng phát tại 3 xã Mường Lai, Minh Chuẩn và Khánh Hòa của huyện Lục Yên nên ngày 7/2/2020, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành công văn hỏa tốc chỉ đạo các sở ngành, địa phương liên quan không tái đàn khi chưa bảo đảm an toàn về dịch bệnh.

Hiện, nguồn cung bị sụt giảm, đẩy giá thịt lên cao; người chăn nuôi lợn đã được hỗ trợ thiệt hại theo chính sách được quy định tại Quyết định 793/QĐ-TTg ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ nên tâm lý muốn tái đàn là rất dễ hiểu. Và, việc ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương thận trọng trong việc tái đàn lợn, nhất là với nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trước nguy cơ dịch bệnh luôn tiềm ẩn, là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, không để tình trạng vì quá chú ý đến an toàn tuyệt đối mà không nghĩ đến sinh kế mới cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất do ASF. Cần phải tìm sinh kế mới cho những đối tượng này. Việc này rất khó khăn, nhưng vẫn phải làm.



Tin cùng chuyên mục
Đại biểu Quốc hội đề nghị cần có cơ chế, chính sách đặc thù để “miền núi tiến kịp miền xuôi”

Đại biểu Quốc hội đề nghị cần có cơ chế, chính sách đặc thù để “miền núi tiến kịp miền xuôi”

Thảo luận tại hội trường về tình hình phát triển kinh tế -xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm kiến nghị việc thực hiện chính sách liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi. Báo Dân tộc và Phát triển trích đăng một số ý kiến đại biểu tại phiên thảo luận.