Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Người chế tác hơn 1.000 cây đàn tính vẫn miệt mài với nghề dù ở tuổi 82

Mỹ Dung - CTV - 11:21, 26/08/2024

Hơn 30 năm nay, hàng ngày cụ Ma Đình Được 82 tuổi, dân tộc Tày ở xóm Hoàng Hà, xã Phú Đình, Định Hóa (Thái Nguyên) vẫn duy trì thói quen miệt mài làm đàn tính, trong đó có rất nhiều cây đàn tốt cụ làm mang đi biếu, tặng. Cụ Được cho hay, mong muốn lớn nhất của cụ là luôn khỏe để tiếp tục làm đàn và trao truyền bản sắc văn hóa dân tộc cho con cháu.

Cụ Ma Đình Được làm trên 1 nghìn cây đàn tính trong suốt hơn 30 năm
Cụ Ma Đình Được làm trên 1 nghìn cây đàn tính trong suốt hơn 30 năm

Chia sẻ với phóng viên, cụ Được cho biết, thời trẻ, cụ phục vụ trong Quân đội, rồi chuyển sang ngành Công an. Đời binh nghiệp, hết tiễu phỉ ở biên giới tỉnh Hà Giang lại lên bảo vệ biên giới tỉnh Cao Bằng. Khi hoàn thành nhiệm vụ, cụ tiếp tục tham gia nhiều công việc khác nhau tại địa phương: Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh,...Công việc tuy bận rộn nhưng cụ vẫn đau đáu trong lòng vì xóm làng đang dần vắng đi tiếng đàn tính, câu then.

Với trăn trở ấy, khi nghỉ hưu, cụ tìm hiểu làm đàn tính để cho trẻ chơi, sau làm cho các cháu thanh niên tập văn nghệ. Dần quen tay, thạo việc, cụ làm đàn tính cho một số câu lạc bộ hát then trong vùng. Từ cây đàn thô kệch có âm thanh lịch bịch..., dần dần cụ Được đã làm nên những cây đàn tinh xảo thể hiện được trường độ, âm vực đạt tới 3 quãng tám (loại đàn phát ra được âm thanh chuẩn nhất).

Cụ Được cho hay: Hát then, nếu không có đàn tính thì giống người đi rừng không mang dao, giống người ăn cơm không có muối và như con người sống không có tình yêu. Ban đầu làm đàn chủ yếu là cho, tặng. Nhưng dần do nhiều người có nhu cầu sở hữu cây đàn tính, đến tận nhà đặt mua, cụ mới đầu tư mua dụng cụ sản xuất đàn với số lượng lớn hơn để đáp ứng nhu cầu cho Nhân dân, du khách.

Hát Then, đàn Tính trở thành hồn cốt trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Tày
Hát Then, đàn Tính trở thành hồn cốt trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Tày

Theo lời cụ Được chia sẻ, để có một cây đàn như ý, cụ lên rừng tìm cây gỗ thừng mực, mang về xẻ lấy nguyên lõi làm cần đàn, chọn kỹ quả bầu để làm bầu đàn; mặt đàn làm bằng gỗ cây dâu được bào mỏng và đều như da trống; ngựa đàn (bộ phận kê dây phối khí) làm bằng gỗ chẩn hoặc sừng trâu. Tất cả các vật liệu làm đàn đều được cụ sấy khô trên gác bếp để tránh co ngót. Từng công đoạn làm đàn đều cần sự tỉ mỉ, khéo léo, mạnh tay một chút là phải vất bỏ, làm lại từ đầu.

Những năm gần đây, công việc làm đàn tính trở nên chuyên nghiệp hơn, cụ Được đặt mua tại các xưởng chế biến lâm sản làm cần đàn. Bầu đàn cụ đặt mua từ tỉnh Cao Bằng. Đương nhiên đó chỉ là phần thô, bởi cần đàn, bầu đàn và các bộ phận khác còn phải qua một số công đoạn thủ công mới hoàn thiện. Để hoàn thiện một cây đàn phải mất khoảng 5 ngày làm liên tục.

Hơn 30 năm nay cụ đã làm ra trên 1.000 cây đàn tính. Nhiều cây đàn tốt được cụ biếu, tặng cho nghệ nhân hát then, đàn tính. Số lượng nhiều nhất là bán cho các trường học, câu lạc bộ. “Bản thân tôi cũng nhận thức được công việc mình đang làm là góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị tinh hoa truyền thống, một nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Vì thế tôi tìm tòi, học hỏi để làm ra những cây đàn tính hoàn thiện hơn. Tôi cũng đã và đang cố gắng truyền dạy việc làm đàn, đánh đàn cho con cháu trong gia đình và những thanh niên muốn học”, cụ Được cho hay.

Nhiều du khách vào xóm trải nghiệm, thấy lạ mắt, lạ tai đã mua về làm quà lưu niệm. Để bán được nhiều hơn, cụ mang đàn mình làm gửi các quầy hàng bán đồ lưu niệm ở một số điểm du lịch trong tỉnh, chủ yếu ở Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa. Không ít du khách hứng thú trả cụ 1 triệu đồng/cây đàn tính, nhưng cụ chỉ nhận từ 500.000 đến 600.000 đồng/cây đàn.

Anh Hoàng Văn Tuấn, một du khách đến từ thành phố Lạng Sơn cho biết: “Tối qua tôi cùng Đoàn mới nghe văn nghệ thấy hay quá. Hỏi thì tôi được chỉ đến tận nhà cụ Được để tham quan, tìm hiểu và mua đàn ở đây. Tôi sẽ mua đàn, tập đánh đàn, tập hát bằng tiếng Tày. Đây cũng là một nét rất độc đáo của con người, mảnh đất nơi đây mà”.

Mong muốn của cụ Được bây giờ là luôn khỏe để tiếp tục trao truyền bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc cho các con cháu. Cụ còn bảo: "Mong Nhà nước quan tâm hỗ trợ hơn nữa cho các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ về trang phục truyền thống và một số nhạc cụ phù hợp để bà con thực hành diễn sướng, qua đó khuyến khích lớp trẻ tích cực nhập cuộc".

Tin cùng chuyên mục
Những nữ trưởng buôn 9X ở Đắk Lắk

Những nữ trưởng buôn 9X ở Đắk Lắk

Hiện nay ở các buôn làng Tây Nguyên xuất hiện ngày càng nhiều những nữ trưởng buôn trẻ. Với lợi thế về trình độ, hiểu biết về xã hội, phong tục tập quán, công nghệ thông tin và tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, họ đã có nhiều đóng góp cho cho sự phát triển của buôn làng.